Thế giới chào đón năm mới trong… lặng lẽ

Chia sẻ

Người dân bang New South Wales, Úc cũng không còn được thưởng thức những màn bắn pháo hoa rực rỡ vào đêm Giao thừa 31/12 như mọi năm, thay vào đó, họ xem qua truyền hình trực tiếp hoặc trên Internet...

Năm 2020 đã khép lại với hàng loạt những khó khăn chồng chất cùng dấu mốc đau buồn hơn 80 triệu ca mắc Covid-19 như một lời cảnh tỉnh rằng, chừng nào đại dịch còn chưa chấm dứt thì mọi người chưa thể yên tâm vui sống cùng những sự kiện hay tiệc tùng. Đại dịch đã khiến lễ đón năm mới ở nhiều quốc gia trên thế giới trở nên “lặng lẽ”.

Cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, người dân Nhật Bản chọn thời điểm nghỉ lễ Năm mới để về quê đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè. Truyền thống này làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ gia tăng số ca mắc Covid-19. Do đó, Thủ tướng Nhật Bản - Suga Yoshihide đã kêu gọi người dân xứ sở hoa anh đào đón năm mới trong lặng lẽ, hạn chế các cuộc tụ họp với gia đình và bạn bè nhằm kiềm chế số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh tại nước này. Ông Suga nói: "Tôi hiểu rằng mọi người đều muốn dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Nhưng xin hãy hạn chế tổ chức tiệc tùng càng nhiều càng tốt để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của virus corona trong kỳ nghỉ năm mới”. Thủ tướng Nhật Bản cũng yêu cầu các bộ trưởng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn virus bùng phát. Nhiều địa phương của Nhật Bản hiện nay vẫn đang phải chật vật đối phó với sự lây lan ở mức kỷ lục của Covid-19.

Tương tự như ở Nhật Bản, Hàn Quốc phải trải qua nhiều tuần tồi tệ vì dịch Covid-19. Do đó, chính quyền nước này cũng đã thực hiện nhiều biện pháp siết chặt phòng dịch đối với các nhà hàng, quán ăn, chẳng hạn như cấm đặt bàn trên 5 người. Những quy định này có hiệu lực đến ngày 3/1, đồng nghĩa với việc không có những cuộc tụ tập đông vui đón chào năm mới tại xứ sở kim chi.

Dịch Covid-19 khiến thế giới đón năm mới trong lặng lẽ (Ảnh minh họa)Dịch Covid-19 khiến thế giới đón năm mới trong lặng lẽ (Ảnh minh họa)

Tình hình đón năm mới ở châu Âu cũng không mấy “sáng sủa” hơn khi nhiều quốc gia ở lục địa già phải đón “Năm mới phong tỏa”. Được cho là nơi khởi phát biến thể mới của virus corona, Vương quốc Anh đã áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 4 đối với gần như toàn bộ vùng England. Theo đó, toàn bộ kế hoạch tổ chức các sự kiện đón mừng năm mới bị hủy bỏ, người dân bị buộc phải ở trong nhà, không được đến nhà nhau, không được tụ tập thậm chí là ở ngoài trời, các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Ngoài Anh, nhiều nước châu Âu khác như Séc, Scotland… cũng đã ban hành hàng loạt các hạn chế nghiêm ngặt nhất nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Người dân Ý cũng đã không thể đón Năm mới một cách trọn vẹn khi chính quyền nước này thực thi các quy định về "vùng đỏ" trên cả nước sau khi số ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh trong những ngày cuối năm.

Người dân bang New South Wales, Úc cũng không còn được thưởng thức những màn bắn pháo hoa rực rỡ vào đêm Giao thừa 31/12 như mọi năm, thay vào đó, họ xem qua truyền hình trực tiếp hoặc trên Internet. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, màn bắn pháo hoa đón chào năm mới ở thành phố Sydney – vốn thu hút hàng nghìn người tham gia mỗi năm vắng bóng khách tham quan. Khu vực Cầu Cảng - một trong những địa điểm ngắm pháo hoa đẹp nhất tại thành phố cùng các địa điểm xem pháo hoa khác đều đã đóng cửa trong ngày cuối cùng của năm. Mặc dù vậy, một số nhà hàng, câu lạc bộ tọa lạc gần khu vực bắn pháo hoa vẫn được phép mở cửa đón khách đã đặt bàn từ trước. Tuy nhiên, những khách hàng này bắt buộc phải có giấy phép của cơ quan chức năng để ra vào các khu vực bị hạn chế. Các hộ gia đình trên khắp Sydney cũng chỉ được phép đón tiếp tối đa là 10 người.

Ngay tại tâm dịch lớn nhất thế giới - Mỹ, sự kiện truyền thống được mong chờ nhất trong lễ đón Năm mới là nghi thức thả quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời Đại, thành phố New York vào đúng 23h59 đêm Giao thừa và mọi người cùng nhau đếm ngược để mừng năm mới vẫn diễn ra nhưng người dân chỉ được chứng kiến qua… màn hình.

Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, Mike Ryan nói: "Đại dịch rất nghiêm trọng. Nó lây lan khắp thế giới cực kỳ nhanh chóng và đã ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của hành tinh. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu ngày càng phức tạp, những mối đe dọa này sẽ tiếp diễn. Một điều chắc chắn có thể rút ra sau tất cả thảm kịch và mất mát của đại dịch, đó là chúng ta cần phải cùng nhau hành động, cần chuẩn bị sẵn sàng cho một điều gì đó có thể còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Do đó, chúng ta phải tôn vinh những người đã mất bằng cách làm tốt hơn những gì chúng ta đang làm mỗi ngày”.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.