Cuộc hôn nhân cần một “ca đại phẫu thuật”

Chia sẻ

Khi đang gánh một gánh quá nặng, người khôn ngoan sẽ biết dừng lại, bỏ bớt những gì không đáng mang theo, gánh sẽ nhẹ hơn...

Trong đời sống, nhất là đời sống hôn nhân, có những chuyện tế nhị, các chuyên gia tư vấn khuyên “khách hàng” của mình cố gắng giữ kín trong lòng, bởi khi sự thật được nói ra, không mang lại điều gì tốt đẹp, ngược lại, có khi nó còn mang tới những hậu hoạ khôn lường. Tuy nhiên, trong ca tư vấn với người đàn ông thành đạt, mới sinh năm 1984 này, chúng tôi ủng hộ việc nói ra cho hết mọi bí mật, mọi ẩn ức trong lòng, bởi “sự thật” đó là nguyên nhân khiến vị khách của chúng tôi khủng hoảng tâm lý kéo dài, có những dấu hiệu ngày càng trầm trọng.

Anh Huy (tên vị khách, đã được đổi) là dân kỹ thuật, tốt nghiệp đại học Bách Khoa. Anh Huy và bạn gái, sau này là vợ anh, yêu nhau từ những năm ngồi trên giảng đường đại học. Anh thú nhận, con gái Bách khoa không xinh, không mềm mại, nữ tính, duyên dáng như “dân Sư phạm”, hay Văn hoá, nghệ thuật, tuy nhiên họ yêu nhau vì cả hai đều là dân tỉnh lẻ, đều tự túc trong cuộc sống, ít phụ thuộc gia đình, đều say mê học tập và nghiên cứu. Anh cũng thú nhận đây là mối tình đầu của anh.

Ra trường, cả hai đều may mắn trụ lại được ở đất Hà Thành nhờ chính năng lực của bản thân. Họ cưới nhau năm 2008, thì năm 2009 có con trai đầu lòng. Mọi việc với họ rất thuận lợi. Anh Huy được nhận vào làm “kỹ sư chính” cho một công ty của Nhật. Vợ anh, chị Hương, cũng được tuyển dụng thực chất vào một xí nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam. Ban đầu họ thuê nhà để ở, sau hai ba năm ra trường, họ đã mua được nhà riêng, tuy chỉ là nhà tập thể đời cũ. Công việc làm ăn của hai vợ chồng ngày càng phát triển. Vợ anh, chị Hương vẫn làm cho công ty Việt Nam, nhưng đã có một vị trí mới xứng đáng hơn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Còn anh Huy, sau mấy năm làm thuê cho nước ngoài, anh đã chính thức thành lập công ty riêng, danh nghĩa là công ty cổ phần có 2 thành viên, chồng góp 80% vốn, còn vợ danh nghĩa góp 20%. Công ty của anh hoạt động trong lĩnh vực cả hai được đào tạo, cũng là lĩnh vực công ty hiện nay vợ anh đang làm. Chính vì thế, các mối quan hệ khách hàng, bạn hàng đều biết vợ chồng anh. Vợ chồng anh đã trở thành “tấm gương sáng” cho các con, các cháu ở hai quê phấn đấu. Ai cũng nhắc con cháu cố gắng học giỏi, thi đỗ đại học, ra trường làm ăn phát đạt như vợ chồng chú Huy, cô Hương…

Năm 2013, chị Hương, vợ anh Huy sinh bé thứ hai, là bé gái. Đáng ra thì đây là niềm vui lớn của gia đình anh chị, bởi kinh tế ổn định, lại sinh hai con, có đủ nếp, tẻ.

Bỗng một hôm, chị Hương, vợ anh Huy gọi chồng vào tâm sự và chìa phiếu kết quả xét nghiệm ADN chứng nhận giữa anh và con bé mới sinh không có mối quan hệ huyết thống. Vợ anh nói bình thản rằng em không thể nói dối anh được. Một vài lần đi công tác với sếp, do có chút bia rượu, nên em không làm chủ được bản thân, đã có quan hệ với ông ấy. Đây thực sự chỉ là tình dục bị ép buộc, chứ không liên quan gì đến tình cảm, bởi sếp cũng cứng tuổi, con cái đầy đủ, vợ cũng giỏi giang, gia đình họ cũng hạnh phúc. Vợ anh nói cô ấy không ngờ lại có thai và linh tính của người phụ nữ cho thấy đứa con gái không phải con của chồng, nên cô đã âm thầm đi xét nghiệm, kết quả đứa bé là con của “ông kia”.

Anh Huy kể đến đây nói rằng giá lúc đó em tức giận, gào thét, lao vào đấm, đá, chửi rủa vợ, rồi làm um lên, chuyện muốn đi đến đâu thì đến thì em đã không ôm nỗi khổ cho riêng mình gần 7 năm nay. Lúc đó em chỉ “chết lặng” đón nhận tin vợ kể. Đêm ấy em thức trắng đêm, không ngủ cùng vợ, ngồi hút thuốc, uống café và suy nghĩ. Anh kể: “Em đang làm ăn phát đạt, uy tín và danh dự rất lớn, em không thể chấp nhận mình bị cắm sừng, có con với người khác, như thế mọi sự sẽ sụp đổ. Em cũng muốn chuyện vợ kể không phải là sự thật, nhưng nó lại là sự thật và vợ em bảo “em đã nói hết với anh, anh tính thế nào em cũng chịu”.

Do công việc cuốn hút, em cũng không để ý nhiều đến lời vợ nói, nhưng lại lo vợ mặc cảm, xấu hổ mà làm liều, ảnh hưởng tới sức khoẻ, con cái, uy tín làm ăn của em, nên em đã đi đến một cơ sở nhận xét nghiệm ADN, “xin” một cái tờ kết quả chứng nhận “hai người có quan hệ huyết thống”. Mang tờ kết quả về đưa cho vợ xem và anh Huy nói: “Kết quả máy đôi khi cũng sai sót, em không phải suy nghĩ, đây là con anh!”. Là người trung thực, rắn rỏi, sống theo khoa học, chị Hương vợ anh Huy tin điều chồng nói, chị cũng hy vọng tuy có quan hệ tình dục với người đàn ông khác nhưng đứa con là của… hai vợ chồng!

Mấy năm qua đi, nhiều thứ thay đổi.

Kinh tế gia đình anh chị ngày càng khá giả. Anh đã mua thêm vài căn nhà, đã đưa được mẹ anh từ quê ra ở cùng (bố anh mất từ khi anh còn nhỏ). Vợ anh vẫn sống vô tư, hăng say công việc, không mảy may nhắc gì đến chuyện cũ. Hai đứa trẻ, nay đã đang học lớp 2 và lớp 5.

Điều thay đổi lớn nhất là chính tâm lý của anh Huy. Anh thú nhận ngày đó anh “hăng máu vịt”, làm một điều tốt quá sức tưởng tượng, không theo lối thông thường. Anh nói anh không quên chuyện vợ mình ngủ với sếp vài lần và có con với ông ấy, rằng bây giờ anh vẫn đang nuôi con của ông ấy và “phải thương nó” như con của mình. Anh nhận ra sự cay đắng. Anh thấy uất hận cái sự thật mà vợ anh đã kể, anh cố gắng quên mà nó không thể quên. Ban ngày đi làm thì thôi, nhưng cứ đến đêm, anh mất ngủ liên miên vì suy nghĩ. Đi đâu anh cũng thấy người ta “cười vào mũi” anh. Anh cho biết, các đối tác, bạn hàng chắc biết chuyện, họ cười sau lưng anh. Anh còn đọc được suy nghĩ của họ, rằng họ coi anh là thằng đàn ông đớn hèn, nhu nhược, vợ bồ bịch có con riêng mà “không biết”, hay coi như không biết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh bắt đầu khó chịu khi gần vợ, khi nói chuyện với vợ. Có hôm anh quát cô ấy, chửi bậy một cách vô thức. Có hôm đi uống rượu về, anh kiếm cớ chửi bới vợ. Vợ anh phàn nàn rằng: “Dạo này anh khác lắm, anh coi thường em, thô lỗ với em, đối xử với em chẳng ra gì”. Nhưng anh Huy lại đau khổ nói: Em không thể hét vào mặt cô ấy nói rằng “tất cả tại cô, cô biết không”, khiến cô ấy lại nghĩ sai về em, cho rằng em có bồ nên về nhà gây sự với vợ con. Nhiều đêm em gặp ác mộng, đi đến đâu em cũng thấy người chỉ trỏ, cười cười vào mặt em. Em ngẫm nghĩ rằng mình thành đạt, mình cố gắng để có cuộc sống dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn, nhưng em lại đang sống trong khổ sở một mình. Em đi khám tâm thần xem có bị hoang tưởng không, bác sĩ bảo không phải hoang tưởng, mà là suy nhược thần kinh, rối nhiễu tâm lý…

Đáng sợ nhất là gần đây thỉnh thoảng em có ý nghĩ “giải thoát” bằng cách kết liễu đời mình hoặc cả hai vợ chồng cùng chết, nhưng em còn mẹ già, em thương mẹ em lắm. Mẹ em thương con trai, nhưng xung khắc với con dâu, khiến em cũng khổ tâm thêm.

… Trong thực tế, có không ít người suy nghĩ nhiều dẫn tới nhiễu tâm, rồi loạn tâm, đã làm những hành động vi phạm pháp luật đáng tiếc. Việc phải mang theo, giấu kín, chịu đựng một sự thật không như mình mong muốn là một gánh nặng tâm lý không phải ai cũng gánh nổi. Khi đang gánh một gánh quá nặng, người khôn ngoan sẽ biết dừng lại, bỏ bớt những gì không đáng mang theo, gánh sẽ nhẹ hơn. Đó là lý do chúng tôi bàn với anh Huy phải làm một cuộc “đại phẫu thuật”, không thể để khối u lâu hơn nữa. Trước tiên, anh phải chuẩn bị tinh thần, bố trí thời gian, địa điểm nói chuyện hết với vợ, cho vợ biết sự thật đang cấu xé tâm gan anh bao năm nay.

Anh cũng nói ngay với vợ mục đích cuộc nói chuyện, không phải bới chuyện cũ ra để đổ lỗi hay gây sự, làm tan nát gia đình. Rất có thể, khi được chồng chia sẻ sự thật, người vợ cảm động về tấm lòng của người chồng, từ đó thay đổi thái độ với chồng và hiểu anh hơn. Có thể khi biết sự thật, người vợ sẽ “biết mình là ai”, sống nhường nhịn hơn, vun vén cho gia đình hơn, đặc biệt không “chảnh choẹ” với mẹ chồng khiến chồng phiền lòng. Vợ chồng thống nhất sẽ không nói cho các con, đặc biệt là con gái, biết sự thật về người cha của nó, để cuộc sống gia đình không bị đảo lộn.

Tuy nhiên, anh Huy lo khi biết sự thật, có thể tình cảm vợ chồng, thậm chí gia đình không còn như trước nữa. Nếu điều đó xảy ra, có lẽ phải chấp nhận một phần, bởi cuộc phẫu thuật nào cũng để lại vết sẹo, nhưng không phẫu thuật, “khối u tâm lý” có thể biến chứng thành căn bệnh “ung thư tinh thần”, nguy hiểm hơn rất nhiều. Hãy nhớ, sức khoẻ, tinh thần, tâm lý của bản thân là điều quý giá nhất, phải hết sức bảo vệ, giữ gìn!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.