Hoa giấy nghệ thuật ở Phù Đổng

Chia sẻ

Từ một loại cây hoa bình dân, giản dị, thân leo, chủ yếu được trồng để trang trí, cản nắng và tạo bóng mát cho các căn nhà nhỏ, hoa giấy – qua bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của những nhà nông ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm – đã trở thành những cây cảnh nghệ thuật cho giá trị kinh tế cao.

“Ngã rẽ” thức thời của nhà nông

15 năm trước, chăn nuôi bò sữa là nghề chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành công ở xã Phù Đổng. Từ trồng lúa và hoa màu cho giá trị kinh tế thấp, bà con ở xã thuần nông chuyển sang chăn nuôi bò sữa. Đời sống của bà con phần nào được cải thiện nhưng do thu mua sữa bò bấp bênh đầu ra, lúc có lãi, lúc thì lại lỗ do bị thương lái ép giá. Chưa kể, môi trường ở thôn xóm bị ảnh hưởng và ô nhiễm. Câu chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển ổn định, bền vững một lần nữa lại được đặt ra ở đây.

Thời điểm này, trong xã đã có một số hộ gia đình tận dụng nông nhàn, kinh doanh hoa cây cảnh nhưng mới dừng ở quy mô nhỏ. Không cứ là hoa giấy, người dân ưa chuộng cây gì, bà con kinh doanh loại cây đó. Những chiếc xe đạp kĩu kịt chở đằng sau nào là thiết mộc lan, trúc nhật… đến các phiên chợ và bán rong trên đường phố. Công việc của bà con vất vả, thu nhập không cao, chỉ thêm thắt được đồng ra đồng vào.

Hoa giấy nghệ thuật ở Phù Đổng - ảnh 1

Mấy năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân cải thiện, nhu cầu chơi hoa cây cảnh của người dân tăng cao, người dân Phù Đổng đã nhanh nhạy một lần nữa chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp trồng hoa màu cho giá trị thấp sang trồng cây hoa giấy. Tuy nhiên, khác với loại hoa giấy được “mặc định trong ký ức của nhiều thế hệ là những cây thân leo, được trồng chủ yếu trên ban công, trước cửa nhà để cản nắng, làm mát, trang trí cho những căn hộ, khu nhà tập thể…, hoa giấy được nhà vườn ở Phù Đổng nâng lên thành cây cảnh nghệ thuật.

Chị Nguyễn Thị Nhàn – Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Đổng cho biết: Những cây hoa giấy được xuất bán từ các nhà vườn rất đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và mục đích sử dụng. Với các công trình lớn, có thể dùng cây to; ở nhà phố, chung cư, nhà liền kề thì hoa giấy bonsai là sự lựa chọn hợp lý. Hoa giấy nghệ thuật xuất bán đều được cắt tỉa, uốn dáng, tạo thế vừa sáng tạo, độc đáo vừa mới lạ. Đặc biệt, dù là cây nhỏ hay cây lớn, tạo dáng theo nhiều thế khác nhau nhưng đều có điểm chung là hoa nở rực rỡ, bông nào bông đó tươi tắn và đầy sức sống. Sự xuất hiện của những cây hoa bonsai như thế đã nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Người dân Phù Đổng chuyển sang “ngã rẽ” mới.

Hoa giấy làm đẹp và làm… giàu

Đi trên con đường đê của xã Phù Đổng, nhìn sang vùng đất bãi, khu đất đồng, thậm chí là nhiều mảnh vườn nhỏ trong các gia đình không còn những nương ngô hay luống rau hoa màu; thay vào đó là những sắc màu tươi tắn của hàng vạn cây hoa giấy khoe sắc dưới nắng đông hanh hao. Hiện trên địa bàn xã có 441 hộ/706 người trồng hoa giấy, thu nhập bình quân đạt 1 tỷ đồng/ha – mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây cảnh khác. Vì thế, xã Phù Đổng đã có quyết định chuyển 300ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa giấy, cây cảnh, cây ăn quả; góp phần đưa thu nhập của người dân ở đây đạt bình quân 55,2 triệu đồng/người (tăng 24,9 triệu đồng so năm 2015). Các hộ trồng nhiều hoa giấy nhất tập trung tại các thôn Phù Đổng 1, 2, 3.

Hoa giấy nghệ thuật ở Phù Đổng - ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Phương Minh – hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Tự, thôn Phù Đổng 1 hiện đang chăm sóc gần 5.000 cây hoa giấy từ nhỏ đến lớn, hoa giống trên diện tích 5.400m2. Nghề trồng hoa với đầu ra ổn định khiến những người trẻ như chị Phương yên tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Chị Minh Phương cho biết, chị đến với nghề từ sự truyền dẫn kinh nghiệm, hỗ trợ của bà con láng giềng đi trước. Mấy năm qua, nhu cầu thị trường tăng cao nên người làm nghề có nhiều điều kiện để mở rộng diện tích, tăng số lượng cây. Hoa giấy là loài cây rất khỏe, có thể sống và phát triển trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Việc chăm sóc cây không quá khó do cây không có sâu bệnh, không cần phun thuốc trừ sâu hoặc các loại thuốc khác. Điều quan trọng nhất khi chăm cây là cần chú ý đến thời điểm cho cây “ăn” (bón phân lân) để cây ra hoa tốt; nếu không chú ý đến thời điểm này, cây chỉ phát triển cành lá, ít hoa hoặc hoa không đẹp, không thắm sắc.

Đến xã Phù Đổng, người chơi hoa ít phải ra về “tay không” bởi nhu cầu nào của khách hàng cũng có thể được đáp ứng. Giá hoa ở đây, rẻ nhất là những loại cây nhỏ có giá bán khoảng 100.000 đồng/cây; loại nhỡ có giá từ 300.000 – 500.000 đồng/cây; loại cây to hoặc cây bonsai có giá đắt hơn, từ 1-2 triệu đồng/cây hoặc đắt hơn, tuỳ vào kích thước và độ cầu kỳ của thế cây.

Năm nay 82 tuổi nhưng bác Đặng Quốc Cường ở xóm Tự, thôn Phù Đổng 1 vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và đủ sức khoẻ để chăm sóc các cây hoa giấy bonsai trong vườn nhà. Bác Cường vốn là công nhân, sau khi nghỉ chế độ, bác dành thời gian và niềm vui với cây cảnh trong vườn nhà. Trước là trồng chơi, sau là đam mê, bác tìm hiểu nghiên cứu học hỏi kỹ thuật ghép cành, uốn thế, tạo dáng. Sau hơn 20 năm gắn bó với cây cảnh, bác Cường là một trong những người nắm giữ nhiều kỹ thuật chăm sóc và tạo dáng cây hoa. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc các gốc hoa trong vườn, bác dành thời gian để hỗ trợ các nhà vườn khác trong xã ghép cành để tạo ra dáng cây mới lạ. Vui thú điền viên, cây cảnh, bác Cường vừa có thời gian thư giãn, vừa có thêm nguồn thu nhập.

Với sự cần cù, yêu nghề và làm việc nghiêm túc của những nhà vườn, hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng khẳng định chất lượng. Từ một vài loại hoa chủ lực của xã là hoa hai màu và hoa tím, đến nay, vườn hoa giấy ở Phù Đổng được bổ sung thêm nhiều loại hoa đẹp như hoa trắng, hoa màu cam, màu hồng, màu đỏ; từ đó cấy ghép, chiết cành để tạo ra dòng cây mới có hoa ngũ sắc (5 màu). Mới đây, các nhà vườn ở xã Phù Đổng đã du nhập thêm nhiều dòng hoa giấy từ Thái Lan để làm phong phú thêm nguồn hoa của địa phương.

Tiền đề phát triển du lịch tâm linh và sinh thái

Xuân mới Tân Sửu 2021 đang cận kề, các nhà vườn ở đây đang tất bật với những đơn hàng xuất bán đi các tỉnh. Phù Đổng - thủ phủ hoa giấy đất Bắc ngày càng đón thêm nhiều du khách về tham quan, mua sắm chậu cây đẹp để trưng ngắm trong những ngày Tết.

Hoa giấy nghệ thuật ở Phù Đổng - ảnh 3

Tuy nhiên, trước khi nghề trồng hoa phát triển, Phù Đổng là mảnh đất của nhiều giá trị lịch sử và kiến trúc đặc sắc của dân tộc. Trong đó có đền Phù Đổng – di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với Hội Gióng vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, đến với xã Phù Đổng – nằm cách trung tâm thành phố gần 20km, du khách được tìm hiểu nhiều kiến thức, giá trị lịch sử gắn với những huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà tiêu biểu là Thánh Gióng - một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, một nhân vật còn in đậm trong tâm thức người dân.

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, với tổng diện tích 60.343,7m2, bao gồm đền Thượng (đền Phù Đổng Thiên Vương) - ngôi đền chính, quay hướng Nam, trông ra đê sông Đuống; đền Hạ (đền Mẫu) quay hướng Tây, tọa lạc ở vị trí ngoài đê sông Đuống; Miếu Ban nằm cách đền Thượng khoảng 200m, ở phía bên trong đê sông Đuống; đình Hạ Mã nằm phía trái đền Thượng; Cố viên (vườn rau) nằm trên thềm đất bãi sông, tương truyền, mẹ Gióng ra vườn này hái rau, rồi ướm vào vết chân người khổng lồ, về nhà mang thai, sinh ra Gióng; Giá ngự; Khu đánh cờ Đống đàm là một bãi đất rộng, nằm cách đền Thượng khoảng 3km, là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ nhất của Gióng trong hội; Bãi đánh cờ - Soi bia là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ hai của Gióng trong hội.

Ngoài ra, xung quanh xã Phù Đổng còn có nhiều địa danh khác rất thú vị của huyện Gia Lâm để du khách tham quan như cánh đồng hoa cải vàng đang nở rộ ở khu vực đê Phù Đổng, thị trấn Yên Viên, xã Lệ Chi; làng nghề truyền thống dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ…

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.