Bứt phá để phát triển kinh tế

Chia sẻ

Dù quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm (2016 - 2020) còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục thực hiện những nỗ lực phục hồiKinh tế Việt Nam tiếp tục thực hiện những nỗ lực phục hồi

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc

Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta liên tục gia tăng trong giai đoạn 2016-2019. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; bội chi và nợ công giảm so với giai đoạn trước, cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, mức độ chống chịu của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Đáng chú ý, mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 – 2020) ước đạt khoảng 5,9%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt khoảng 7,3%, khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,0%; tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ (bao gồm xây dựng) theo giá cơ bản trong GDP tăng từ mức 73% (năm 2015) lên khoảng 75,4% (năm 2020).

Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ tích luỹ tài sản so với GDP theo giá hiện hành ước đến năm 2020 khoảng 26,7%.

Tích cực, chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 bảo đảm tiến độ, chất lượng là điều rất đáng mừng. Đây là tiền đề quan trọng hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng, đại biểu Hoàng Văn Cường tâm đắc và đồng tình cao về mục tiêu nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị với 3 mốc thời gian đến năm 2025, 2030, 2045.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng để thực hiện được định hướng đến năm 2025 “là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại” và đến năm 2030 “là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại”, chúng ta phải tập trung ưu tiên xây dựng và phát triển một số ngành công nghiệp trụ cột. Ví dụ tập trung phát triển ngành công nghiệp đường sắt, vì chúng ta đang tập trung xây dựng hệ thống đường sắt nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, mỗi tuyến có một công nghệ khác nhau; Hay như nước ta có lợi thế về kinh tế biển, nên có thể tập trung phát triển công nghiệp hậu cần kinh tế biển...

Ngoài ra, theo ông Cường, mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 đòi hỏi kinh tế phải có những bước phát triển đột phá, tăng trưởng nhanh. Muốn đạt được yêu cầu này thì phải đặc biệt coi trọng đổi mới, sáng tạo, đổi mới trong quản lý, quản trị, lấy thước đo hiệu quả làm trọng.

Thế và lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tình hình chính trị - xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; tính tự chủ được cải thiện; tích luỹ và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế. Tuy nhiên, 5 năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hoá dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.

Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Đảng ta xác định: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5% hằng năm; tỉ lệ đô thị hoá khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% (GDP).

Thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) là nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, các cấp uỷ đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng chỉ đạo quán triệt phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và tăng cường lãnh đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và chỉ đạo triển khai thực hiện.

PHẠM HẰNG

* PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII:
Phải thực hiện được đúng phương châm mà Bộ Chính trị đã đề ra

Bứt phá để phát triển kinh tế - ảnh 2

PGS.TS Bùi Thị An.

Trong 5 năm vừa qua, nước ta đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong năm 2020, chúng ta đã có những cố gắng vượt bậc nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều nước trên thế giới và khu vực trong việc chỉ đạo toàn dân chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo vệ được tính mạng của người dân. Đó là một thành tích rất đáng ghi nhận.

Sau giai đoạn đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, ta lại phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa phải chống dịch, phòng dịch, vừa phải tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tiềm năng của chúng ta không lớn lắm so với các nước về mọi nguồn lực. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo rất sáng suốt, nhạy bén của Đảng, Chính phủ. Và quan trọng là có sự đồng lòng của người dân đối với Đảng, Chính phủ. Tất cả đã tạo thành một sức mạnh cộng hưởng rất lớn, để Việt Nam đạt được kết quả như vậy. Chúng ta không say sưa với thành tích, nhưng thực sự đó là một điều rất đáng tự hào.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, tôi mong muốn, vấn đề phát triển kinh tế phải được xác định rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Điều này, trong văn kiện đã ghi rõ rồi, nhưng để đạt được mục tiêu đó phải thực hiện được đúng phương châm mà Bộ Chính trị đã đề ra: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngoài ra, phải thêm “dân giám sát, dân hưởng thụ”. Nếu làm được như vậy, sẽ có được đột phá rất lớn, trong tất cả các lĩnh vực. Thứ hai, trong đại hội XIII sẽ thực sự chọn được những đồng chí ở cấp chiến lược đúng tầm, đúng tâm, đúng sự mong muốn của nhân dân cả nước cũng như sự tín nhiệm của Đảng. 

* GS. Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội khóa XIV
Tin tưởng đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ

Bứt phá để phát triển kinh tế - ảnh 3

GS. Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Trong 5 năm vừa qua, có thể nói đất nước ta đã có sự thắng lợi toàn diện cả về chính trị, kinh tế, đối nội và đối ngoại. Về chính trị, rất ổn định, khẳng định đường lối của Đảng hết sức đúng đắn, đặc biệt là xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Khoảng 20 năm trước, khi Đảng chủ trương vấn đề này, rất nhiều cán bộ, đảng viên không tin tưởng lắm. Bởi dường như hai vế này “đối nhau chan chát”. Nói XHCN là có đường lối của XHCN, còn kinh tế thị trường có nguyên tắc, nguyên lý của kinh tế thị trường, có màu sắc, cách làm của tư bản chủ nghĩa. Nếu làm không khéo thì sẽ không thể làm được hoặc chệch hướng thì rất nguy hiểm. Nhưng cho đến bây giờ, có thể nói chúng ta đã thành công. Trong một cuộc họp khá quan trọng khi lấy ý kiến góp ý cho văn kiện ĐH Đảng của các ĐBQH, tôi đã phát biểu: Đó là một thành công vĩ đại.

Vấn đề đối ngoại cũng có những thành công, những hiệp ước ký kết được rất hiệu quả. Đối tác ghi nhận Việt Nam tính năng động, hữu hiệu, nói được làm được. Để có được thành công này, trước hết phải có sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân, sự chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Chính phủ và sự thành công của trí tuệ.

Một điều đáng ghi nhận, đó là vừa qua chúng ta đã rất mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng vẫn giữ được một nền chính trị ổn định, không rối loạn. Một loạt các cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo là cán bộ nguồn đã dần dần thay thế các vị trí. Vị trí của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.

Từ những lý do đó, tôi kỳ vọng, tin tưởng đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn cả các thời kỳ trước nữa. Trong đó, kinh tế, với nền tảng rất cơ bản của 5 năm vừa qua sẽ tiếp tục phát triển tốt.

HẢI NAM (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.