Đền Ba Bà Chúa và tích diệt Cửu vĩ hồ... râu xanh

Chia sẻ

Cáo 9 đuôi tưởng chỉ có ở các bộ phim của Trung Quốc, nhưng tại Việt Nam, từ hơn bốn ngàn năm về trước, từ thời Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân mở mang bờ cõi đã xuất hiện câu chuyện cổ diệt trừ cáo 9 đuôi.

Gần nhất với thời chúng ta, hơn ngàn năm về trước, theo truyền thuyết cũng tại Tây Hồ, cửu vĩ hồ lại xuất hiện quấy nhiễu dân lành và có ba nàng công chúa xinh đẹp, phép thuật cao cường đã luyện phép diệt trừ loài yêu nghiệt. Đàn trừ yêu và đền thờ cùng câu chuyện được chép lại, lưu truyền tới ngày nay hiện được lưu giữ tại các di tích trong làng cổ Trích Sài. Đền thờ ba nàng công chúa tại đây có tên là Đền Ba Bà Chúa.

Câu chuyện về Cửu Vĩ Hồ hay Cáo tinh luôn hấp dẫn đông đảo công chúng, nhất là những bạn trẻ yêu thích truyện của Bồ Tùng Linh (Trung Quốc) hay những bộ phim nước bạn về đề tài này. Nhưng ngay tại Hồ Tây, Hà Nội, Việt Nam, hơn bốn ngàn năm về trước Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân đã ra tay diệt trừ loài cáo tinh Cửu Vĩ Hồ mà tới nay còn lại di tích đầm Xác Cáo. Hơn một ngàn năm về trước, cũng tại vùng Hồ Tây, cáo chín đuôi lại xuất hiện, quấy nhiễu dân lành, hóa hiện thành người, hãm hiếp, khiến cho lẫn lộn thật giả, reo rắc tai ương. Nhưng thú vị nhất và khác biệt nhất giữa Cửu Vĩ Hồ tại Hồ Tây, Việt Nam với Cửu Vĩ Hồ - Hồ Ly tinh của Trung Quốc là cáo yêu ngàn năm của chúng ta lại là… giống đực, một loài hồ ly râu xanh, chuyên bắt đàn bà con gái về hãm hiếp, hóa hiện làm người gây đảo điên thật giả - còn cáo tinh ngàn năm của nước bạn thường là giống cái, chuyên hóa thành gái đẹp, quyến rũ đàn ông hoặc sẵn sàng dâng hiến công tu luyện để được yêu thương.

Câu chuyện diệt cáo tinh ly kỳ này, theo những tài liệu được lưu tại chùa Thiên Niên hay các tài liệu cổ như “Tây Hồ chí”, “Tam vị công chúa linh phả” được báo giới trích dẫn thì câu chuyện diệt trừ Cửu vĩ hồ của hai nàng công chúa con vua Lý Bí (Hậu Lý Nam Đế) diễn ra vào khoảng thời gian từ 571- 602.

Đền Ba Bà Chúa và tích diệt Cửu vĩ hồ... râu xanh - ảnh 1

Câu chuyện diệt Cửu vĩ hồ được ghi lại trong cuốn Thần phả lưu giữ ở Viện Hán Nôm được chúng tôi tóm lược vắn tắt như sau: “Hai nàng công chúa con vua Lý Bí là Vạn Phúc và Vạn Lộc có dung mạo hơn người, khí phách phi phàm, không muốn lấy chồng, chỉ muốn dong buồn dạo chơi sông nước và cứu vớt dân lành. Một hôm, tới vùng sông Tô, nghe nói vùng này có con cửu vĩ hồ tu ngàn năm, chuyên hóa hiện thành người, bắt đàn bà con gái về hãm hiếp, quấy nhiễu dân lành, hai nàng đã tìm thầy học đạo quyết trừ nạn cho dân. Đến sông Như Nguyệt, hai nàng gặp một cô gái xinh đẹp có đạo pháp cao siêu, không giống người thường, hai nàng mời cô gái kỳ lạ vào cung, cùng nhau luyện phép. Nhà vua phục tài, phong cho nàng là Vạn Thọ công chúa.

Tới kỳ đã luyện thành đạo pháp, nhà vua cho lập đàn trừ yêu. Trước khi vào trận, Vạn Thọ công chúa nói: “Ta bẩm sinh từ khí thiêng của nguyên khí. Thiên đình cao xa bận rộn nên không để ý tà ma gây hại. Nay thấy Thiên tử mưu việc lớn, Thượng đế sai ta xuống cứu giúp, làm phúc lâu dài để sáng tỏ đức của quân vương”. Vạn Thọ lạy khấn lạy Thượng Đế rồi niệm chú: giông gió, sấm sét nổi lên dữ dội, trong phút chốc cả vùng quang đãng, yêu ma tuyệt tích. Giữa đàn có đám mây ngũ sắc rực rỡ bay lên, trông qua trông lại không thấy Vạn Thọ công chúa đâu. Từ đó hồ tinh không còn, nhân dân trở lại đời sống an lành, chăm chỉ làm ăn. Nhà vua kính cẩn lập đền thờ và phong là “Trấn tĩnh Bà Vương”, truyền cho hai công chúa sớm tối phụng thờ”.

Sau này, khi đã giúp vua cha nhiều việc, hai công chúa cũng hóa tại đây và được thờ tại Đền. Tương truyền, Vạn Thọ công chúa là một trong những hóa thân của Diêu Trì Kim Mẫu (tức Tây Vương Mẫu).

Ngôi đền thờ ba vị công chúa này có tên là Đền Thọ - Phúc - Lộc (là cách gọi tắt tên ba nàng công chúa có công diệt trừ loài yêu nghiệt là Vạn Thọ - Vạn Phúc - Vạn Lộc chứ không phải là thờ cả ba vị tam đa: Phúc - Lộc - Thọ như nhiều người nhầm tưởng). Ngôi đền này còn được gọi là đền Ba Bà Chúa hay bà con quanh vùng quen gọi là Am Gia Hội, Ngôi đền nằm trên đường Trích Sài ven con đường vòng cung Hồ Tây thơ mộng. Ngôi đền đã được thành phố Hà Nội công nhận là Di tích Lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật năm 2008 và là một trong những điểm dừng chân thăm quan trong làng cổ Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đền nằm bên cạnh khu Văn Chỉ và Đình Trích Sài. Gần đó là chùa cổ Thiên Niên Tự, được xây dựng từ thế kỷ 18, đã được công nhận là Di tích Văn hóa Cấp Quốc Gia.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.