Giết mổ gia cầm thủ công - Lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Chia sẻ

Từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng, nhu cầu tiêu dùng các loại gia cầm tăng mạnh. Đây là thời điểm hoạt động giết mổ gia cầm tươi sống tại nhiều chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm diễn ra tấp nập, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Gia cầm được bày bán, giết mổ trên vỉa hèGia cầm được bày bán, giết mổ trên vỉa hè (Ảnh: P.V)

Mua dễ bán nhanh

Khu vực chợ tạm Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, quầy bán gà sống được bày bán trên vỉa hè, khách mua con nào, chủ hàng bắt con đó, cân và làm sạch ngay cạnh đó. Việc giết mổ diễn ra rất nhanh, người bán thoăn thoắt, nhúng gà vào nồi nước sôi sẵn trên bếp, cho vào lồng quay loại bỏ lông, làm sạch và cho vào túi ni lông, trả hàng cho khách. Tất cả quy trình này chỉ mất khoảng 15 phút. “Tận mắt, tận tay chọn con gà ưng ý, mổ tươi sống để chế biến mà giá cả lại rẻ hơn so với mua gà làm sẵn” - chị Hồng, một khách hàng ở phố Quan Nhân cho biết.

Tiện cho khách hàng và cả người bán nhưng sự nhếch nhác, tạm bợ trong hoạt động giết mổ gia cầm thủ công tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP và dịch bệnh do không được kiểm tra thú y. Nước thải, chất thải từ hoạt động giết mổ thủ công gia cầm lênh láng trên vỉa hè, lòng đường hoặc được xả trực tiếp ra cống chung của khu dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sức khỏe con người, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Chị Nguyễn Thị Xuân từ huyện Thường Tín, hàng ngày kinh doanh gia cầm tươi sống tại chợ Đại Từ cho biết: Dịp cuối tuần, ngày tuần, mỗi ngày có khoảng 40 khách đặt hàng và tất cả đều yêu cầu làm sạch luôn ngay tại quầy. Đặc biệt, dịp Tết sắp đến, các gia đình không chỉ yêu cầu làm sạch mà phải buộc cánh tiên phục vụ nhu cầu bày biện cúng lễ. Giết mổ gia cầm tại chỗ, theo chủ hàng là để giữ khách nhưng toàn bộ hoạt động giết mổ được thực hiện trong chậu nhựa cũ nhỏ bé trên nền gạch ẩm thấp, nồi nước làm gà chuyển sang màu nâu được tái sử dụng liên tục, rất mất vệ sinh.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện còn 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong tổng số 738 cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố. Mặc dù thành phố đã có quy định cấm giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh nhưng chỉ có huyện Thanh Trì không có cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các quận huyện trên địa bàn thành phố, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công vẫn hoạt động, nằm len lỏi tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh, khu dân cư… Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội: Lực lượng tại cơ sở mỏng trong khi các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia cầm sống nhiều; ban quản lý các chợ, chính quyền cơ sở chưa kiên quyết trong việc xử lý vi phạm. Chưa kể, một bộ phận người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua và sử dụng gia cầm giết mổ tại chỗ.

Tăng cường xử lý nghiêm vi phạm

Để xử lý nghiêm vi phạm với cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ dân cư và khu dân cư, các quận huyện vừa đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ kinh doanh, người tiêu dùng vừa tăng cường xử lý nghiêm vi phạm. Tại quận Tây Hồ, ông Dương Việt Hùng - Trưởng phòng Kinh tế quận cho biết: Năm 2020, các phường trên địa bàn đã kiểm tra, phát hiện 134 cơ sở buôn bán, giết mổ gia cầm sống vi phạm, xử phạt 126 cơ sở. Tại quận Thanh Xuân, ông Lê Công Bao - Trưởng phòng Kinh tế quận cho biết: Các phường đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại một số chợ "cóc", chợ tạm trên địa bàn. UBND quận đã xây dựng chương trình thanh, kiểm tra về công tác thú y trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành các dây chuyền giết mổ hiện đại và bán chuyên nghiệp, song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng và chưa khai thác hết công suất dây chuyền. Để sớm chấm dứt tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như kiểm soát các xe chở gia cầm sống từ ngoại thành vào nội đô, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân...; nhất là đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung hiện đại.

NGUYỄN HƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.