Giao thừa quê ngoại

Chia sẻ

“Trước đây, anh chỉ biết nghĩ cho mình. Sinh con gái rồi, anh mới hiểu, đúng là con nào cũng là con, bố mẹ cũng đều thương con hết lòng. Cứ nghĩ cảnh sau này con gái bị chồng đối xử tệ bạc, phải buồn khóc mà anh nhói trong tim. Anh nghĩ tới những lúc đã làm em buồn. Anh xin lỗi vợ, từ giờ anh sẽ cố gắng để làm em vui”.

“Mùng mấy thì các con về nhà ngoại ?”. “Mùng 2 mẹ ạ, chiều Mùng 2 nhà con về mẹ nhé”, Ngọc ríu rít trả lời mẹ qua điện thoại. Nhưng điện thoại vừa ngừng, sự vui vẻ của Ngọc đã tắt ngấm bởi lời nói của chồng. “Năm nay ở nhà nội cho tới hết Mùng 3. Sáng Mùng 4 cả nhà mình mới về nhà ngoại nhé”.

“Sao lại mùng 4, mùng 4 thì hết Tết rồi còn đâu?”. “Mùng 3 vợ chồng cô Ánh hẹn về. Thế chẳng nhẽ cô về chơi ăn Tết, mình lại bỏ đi. Cô ấy ở xa, chả mấy khi về, cả năm cả nhà cũng hiếm hoi mới có dịp gặp nhau. Tết được nghỉ tới tận mùng 8 cơ mà, làm sao mà hết Tết được? Với cả mùng 3 lớp anh đã có hẹn họp lớp rồi, nhiều đứa đi xa giờ cũng mới về gặp mặt. Em lấy chồng thì phải theo nhà chồng, từ xưa đã như vậy rồi”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Người ta chỉ nói 3 ngày Tết, chứ ai nói tới chục ngày Tết bao giờ. Hết mùng 3 là coi như Tết nhạt rồi. Anh nói rằng gia đình anh chẳng mấy khi gặp nhau, vậy còn gia đình em thì sao? Nhà nội ở gần, mình thường xuyên về. Còn nhà em, mấy trăm cây số, anh xem một năm em về thăm ngoại được mấy lần? Bố mẹ em cũng biết ngóng con cái chứ? Anh ở thời đại nào rồi mà còn nói con gái lấy chồng thì phải theo chồng? Con nào mà chẳng là con, vậy bố mẹ em sinh em ra, không nuôi dạy em mà tự dưng em trưởng thành, rồi theo về nhà anh làm dâu hay sao? Bố mẹ em sinh hai con gái, anh thử nghĩ xem cảm giác của các cụ thế nào khi Tết đến không có con nào ở bên? Trong khi nhà anh, 3 con trai, con cái đầy nhà. Ở nhà cũng đã có bác cả. Nhà mình ở tới mùng 2 đi là được rồi”, Ngọc tấm tức vừa nói vừa chực trào nước mắt.

“Vậy thì em về một mình đi, nếu em muốn”, chồng Ngọc thủng thẳng. “Em sẽ về và mang theo con trai cùng về. Em sẽ không để con lại cho bất cứ ai chăm sóc ngoài em”, Ngọc cương quyết.

Thế là Tết năm đó, nhà Ngọc ăn Tết trong chiến tranh. Mùng 2 Tết, Ngọc thưa chuyện với bố mẹ chồng, xin phép đưa con về nhà ngoại ăn Tết. May mắn, bố mẹ chồng Ngọc là người hiểu biết, thương con dâu nên đồng ý liền, lại còn sắm sửa quà bánh biếu ông bà thông gia và buộc chồng Ngọc phải về quê ngoại cùng vợ.

“Con xem, ngày Tết, nếu con để vợ về quê một mình với con thì ông bà thông gia sẽ nghĩ về bố mẹ như thế nào? Hơn nữa, người ta sẽ cho rằng vợ chồng con có mối bất hòa. Bố mẹ vợ nhìn thấy cảnh gia đình con lục đục đầu xuân năm mới ông bà cũng sẽ rất buồn”, bố chồng Ngọc phân tích.

Chồng Ngọc miễn cưỡng phải nghe lời bố mẹ, chiều ý vợ, nhưng trong lòng ấm ức, bực bội. Lại thêm mấy lời “kích” của các bạn cùng lớp: “Sao mày cứ để vợ trèo lên cổ thế?”. “Đàn ông con trai gì mà vợ cũng không bảo được, mày nhìn tao đây này”… chồng Ngọc trút hết nỗi bực dọc ấy lên đầu vợ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đến ngày mùng 2, chồng Ngọc đi với bạn tới quá trưa mới về, nhưng trong tình trạng say khướt, không tự chủ được. Đi về, anh nằm vật ra giường, ngủ li bì. Chuyến đi về ngoại có nguy cơ phải hủy, có lẽ, từ sự cố tình của chồng. Ngọc vừa tức, vừa tủi thân òa khóc.

Cuối cùng, cô quyết định bắt taxi, hai mẹ con đi về quê ngoại một mình. Về nhà, Ngọc giấu bố mẹ, nói chồng bị đau bụng, tạm thời ở quê nhưng trong bụng thầm nghĩ không muốn sống với một người chồng ích kỷ như vậy nữa.

Sau nhiều năm nhớ lại kỷ niệm đó, Ngọc vẫn cho rằng, nếu chồng Ngọc không thay đổi, thì nhất định cô cũng sẽ ly hôn. Bởi với Ngọc, tình yêu phải đến từ sự thấu hiểu, chia sẻ, đem lại cho nhau hạnh phúc, chứ không phải sự áp đặt, chỉ biết nghĩ cho mình.

Những năm sau đó, chồng Ngọc đã chịu nhượng bộ, chiều ý vợ hơn, nhưng với tâm thế miễn cưỡng.

Chỉ đến khi, con gái ra đời, thì anh thay đổi hẳn. Con gái được trời ban cho một vẻ xinh đẹp khiến ai nhìn thấy cũng phải tấm tắc. Chồng Ngọc yêu con gái đặc biệt. Từ khi có con gái, anh trở nên mềm mỏng, dịu dàng hơn rất nhiều, và chăm sóc con gái tỉ mỉ từng chút một.

Một lần Ngọc hỏi chồng: “Sau này, nếu con gái lấy chồng xa, Tết nào cũng sẽ ở nhà chồng, qua Tết với về với bố, thì bố có buồn không?”. Chồng Ngọc không trả lời, nhưng nhìn vẻ mặt thì thấy có vẻ suy nghĩ lắm.

Và Tết năm đó, Ngọc đã bất ngờ khi nghe chồng Ngọc đề nghị: “Tết này, mình sẽ đón Giao thừa cùng với ông bà ngoại. Từ ngày em lấy chồng, em cũng chưa một lần nào đón Giao thừa cùng bố mẹ”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngọc sững sờ, vui sướng tới ứa nước mắt. Tết năm đó, Ngọc như được trở lại thời con gái, khi được cùng mẹ đi chợ, mua thứ này thứ kia về chuẩn bị cỗ Tết. Được quét dọn, trang hoàng nhà cửa. Được cùng bố gói bánh chưng. Các con của Ngọc cứ chạy ra chạy vào, xem ông gói chiếc bánh chưng con có thêm thật nhiều đỗ, thịt trong nhân.

Giao thừa, mùi hương thơm nhè nhẹ, ngoài vườn hoa bưởi, hoa chanh đưa hương vào phảng phất, tiếng pháo đì đùng đó đây, tiếng chúc Tết từ tivi rộn ràng… Bố mẹ mặc áo dài, trang trọng cầm phong bao lì xì cho con, cháu. Ngọc cùng chồng và các con cũng lì xì lại cho bố mẹ, mừng tuổi lẫn nhau… Khung cảnh ấy, khiến Ngọc thấy nghẹn ngào.

“Bố mẹ cảm ơn con rể đã hết lòng thương yêu con gái bố mẹ, và để con gái được về nhà đón Giao thừa thế này, bố mẹ hạnh phúc, và cảm ơn con rể nhiều lắm”, bố Ngọc bắt chặt tay con rể nói. Chồng Ngọc ngượng nghịu nói: “Con còn nhiều thiếu sót lắm, bố mẹ cho con cơ hội sửa sai dần dần”.

Tối đó, chồng Ngọc ôm vợ thủ thỉ: “Trước đây, anh chỉ biết nghĩ cho mình. Sinh con gái rồi, anh mới hiểu, đúng là con nào cũng là con, bố mẹ cũng đều thương con hết lòng. Cứ nghĩ cảnh sau này con gái bị chồng đối xử tệ bạc, phải buồn khóc mà anh nhói trong tim. Anh nghĩ tới những lúc đã làm em buồn. Anh xin lỗi vợ, từ giờ anh sẽ cố gắng để làm em vui”. Ngọc mỉm cười.

Cũng may, Ngọc đã sinh con gái, và chồng Ngọc vì rất yêu con mà thay đổi. Thì ra, để hiểu được người khác, thì cách tốt nhất là từ trải nghiệm chính mình. Và đời sẽ dịu dàng biết mấy, khi ta biết đặt mình vào vị trí của nhau.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.