Chặng đường 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Chia sẻ

Công tác bình đẳng giới (BĐG) là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội. 10 năm trước, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới để xác định những ưu tiên cần giải quyết nhằm thúc đẩy BĐG trong giai đoạn 2011-2020.

Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Có 7 mục tiêu cụ thể (bao gồm 22 chỉ tiêu) được đưa ra cần thực hiện trong giai đoạn này, đồng thời chỉ rõ phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị – xã hội, sự tham gia của mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng đối với công tác BĐG.

Các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án… đã được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế – xã hội.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Khoảng cách giới giảm dần trong tất cả các lĩnh vực

Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng khóa sau đã tăng hơn khóa trước. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, lần đầu tiên có 3 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (chiếm 15,78%). Tỷ lệ nữ tham gia Ban Bí thư đạt 14,3%. Cả nước hiện có 8/63 nữ bí thư tỉnh ủy, 14 nữ phó bí thư tỉnh ủy. Tính đến tháng 7/2020, có 2/63 nữ chủ tịch UBND cấp tỉnh, 19/204 nữ phó chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp ở nhiệm kỳ 2016 – 2021 đều tăng so với nhiệm kỳ 2010 – 2015. Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Hiện cả nước có 8/63 nữ chủ tịch HĐND cấp tỉnh, 31/63 nữ phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Có 11/16 nữ thứ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Khoảng cách giới cũng được thu hẹp trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Tính đến tháng 10/2019, 24% tổng số doanh nghiệp cả nước là do nữ làm chủ. Trong đó, tập trung cao nhất ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (75%). 10 năm qua, đã có 1,7 triệu lao động nữ được đào tạo nghề, với tỷ lệ có việc làm trên 80%.

Nhờ từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo mà chất lượng nguồn nhân lực nữ được nâng cao. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15 – 60 đạt 97,33% so với nam giới là 97,98%, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tiến sỹ đạt 30,8%6.

BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được đảm bảo. Tỷ số giới tính khi sinh qua các năm của Việt Nam được khống chế ở mức khá ổn định: từ 111,9 bé trai/100 bé gái sinh ra sống (năm 2011) cải thiện thành 111,5 bé trai/100 bé gái sinh ra sống (năm 2019). Tỷ số tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm từ 67 ca trên 100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2011 xuống 46 ca trên 100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2019.

Hiện nay, 100% hệ thống thông tin cơ sở tại các xã, phường, thị trấn đều dành thời lượng phát sóng các nội dung liên quan đến BĐG, bạo lực gia đình. Trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về BĐG, thực hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số.

Bạo lực trên cơ sở giới đã được đẩy lùi, BĐG trở thành điều thân thuộc trong đời sống gia đình. Năm 2016 – 2017, ActionAid Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu về công việc chăm sóc không lương – chính là những công việc nội trợ, chăm sóc con cái và nhà cửa. Kết quả cho thấy, năm 2017, phụ nữ đã giảm 40 phút thời gian làm công việc chăm sóc không lương so với năm 2016 sau khi cả nam giới, phụ nữ cùng tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về BĐG. Về vấn đề bạo lực gia đình, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số lượt nạn nhân của bạo lực gia đình được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình trong giai đoạn 10 năm chiến lược là 169.946 lượt người.

Năng lực quản lý nhà nước về BĐG được nâng cao

Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm bằng những chính sách thiết thực, nhất là việc làm và sức khoẻPhụ nữ vùng dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm bằng những chính sách thiết thực, nhất là việc làm và sức khoẻ (Ảnh: UN Wowen VN)

Từ năm 2011 đến tháng 6/2020, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề BĐG; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định và đều được xem xét lồng ghép vấn đề BĐG theo quy định của Luật BĐG và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Trung bình hiện nay, mỗi tỉnh có 2,3 công chức làm công tác BĐG. Ở cấp huyện, đa phần cán bộ làm công tác kiêm nhiệm và ở cấp xã, công tác BĐG do công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm. Các cấp, các ngành đã quan tâm bố trí nguồn lực, nghiên cứu khoa học và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác BĐG. Trong 10 năm qua, ước tính có khoảng gần 15 triệu lượt cán bộ làm công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các bộ, ngành và địa phương được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020 vẫn còn không ít hạn chế. Thống kê cho thấy, có 9/22 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa có đủ cơ sở để đánh giá đạt kết quả. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sát sao, đúng mức. Lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn gặp khó khăn.

Đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về kiến thức, kỹ năng. Công tác thống kê thông tin về BĐG chưa hỗ trợ hiệu quả cho công tác QLNN về BĐG ở các cấp. Kinh phí dành cho công tác BĐG còn thấp. Riêng kinh phí cấp cho triển khai Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2015 chưa đạt so với dự kiến ban đầu.

Chặng đường mới, quyết tâm mới

Trước những thách thức, khó khăn còn tồn tại, công tác BĐG thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về BĐG trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân tại cộng đồng. Triển khai các hoạt động thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong thực hiện BĐG; sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong truyền thông về BĐG phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Thể chế hóa chủ trương, chính sách đối với công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ theo các văn bản, chủ trương của Đảng. Nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL, tạo cơ hội bình đẳng cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm BĐG trong lao động, việc làm.

Nguồn lực, năng lực cán bộ cần được quan tâm hợp lý. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường cán bộ chuyên trách làm công tác BĐG; có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia về giới ở các bộ, ngành, địa phương trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Trách nhiệm của cơ quan QLNN về BĐG cần được tăng cường để có thể tư vấn, đánh giá hiệu quả lồng ghép vấn đề BĐG vào công tác QLNN trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội, đề xuất xử lý nghiêm minh những vi phạm Luật BĐG. Công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG cũng cần đẩy mạnh trong các lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị. Để triển khai thực hiện các mục tiêu về BĐG, các bộ, ngành cần tăng cường công tác phối hợp. BĐG là vấn đề toàn cầu, vì vậy cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy BĐG và nâng cao quyền năng cho phụ nữ.

MAI CHI

 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.