Hậu phương của những phụ nữ “mê” xê dịch

Chia sẻ

Nếu không lên đường đi thiện nguyện, những cán bộ phụ nữ, cán bộ Chữ thập đỏ phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cũng chẳng mấy khi ở nhà, bởi việc Hội chẳng khi nào hết. Khi đó, những ông chồng trở thành hậu phương son sắt, vững chãi của vợ mình.

Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ phường Nghĩa Tân trong chuyến thiện nguyện tại trường TH Triệu An (Quảng Trị)Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ phường Nghĩa Tân trong chuyến thiện nguyện tại trường TH Triệu An (Quảng Trị) (Ảnh: NVCC)

Cô giáo vùng cao về hưu rủ chị em cùng thiện nguyện

Cô Vũ Thị Hoa (60 tuổi) vừa là cán bộ phụ nữ, vừa là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Đây là một trong những địa phương đi đầu của quận về làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo. Trong những việc tốt đó, một việc làm đã 5 năm nay được các cô thực hiện thường xuyên và tâm huyết là thiện nguyện đến các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ, mang hơi ấm đến với các thầy cô và học trò.

Trước khi về địa phương làm công tác phụ nữ và phong trào chữ thập đỏ, cô Hoa đã có gần chục năm dạy học tại huyện miền núi Chi Lăng, Lạng Sơn và các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì thế, cô hiểu rất rõ nỗi khổ, sự thiếu thốn của các em học sinh và thầy cô nơi này. Sau khi về hưu, cô vẫn tích cực làm việc, đồng thời tranh thủ thời gian cùng gia đình làm thiện nguyện. Từ việc làm cá nhân đó, cô đã lan tỏa đến các bà, các cô trong Hội Phụ nữ và Hội Chữ thập đỏ. Người ta thấy cô cứ mải miết làm, mải miết vận động, nên từ hoài nghi dần dần thành tin tưởng rồi… muốn đi theo. Chính quyền quận và địa phương cùng các đoàn thể cũng tin yêu và góp sức người, sức của. Cứ như vậy, Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ của phường Nghĩa Tân được hình thành, với khoảng gần 20 thành viên đều là nữ, mà người ít tuổi nhất cũng đã gần 60. 5 năm qua, họ đã cùng nhau rong ruổi đến tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc, rồi ngược vào khúc ruột miền Trung, mang theo quần áo, chăn màn, sách vở, xe đạp, ti vi, đồ đựng nước sạch… để giúp các thầy cô và học sinh cải thiện cuộc sống, tận tâm với sự nghiệp học hành.

Những ngày cuối năm 2020, khi không khí Tết đã về, trong căn phòng nhỏ - là trụ sở làm việc của Hội Chữ thập đỏ phường Nghĩa Tân vẫn la liệt quần áo. Cô Hoa và 2 người nữa đang gấp gọn và phân chia quần áo vào các túi nhỏ. “Chúng tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi đến trường THCS Dân tộc bán trú Sinh Long, huyện Na Hang, Tuyên Quang. Mỗi năm, tùy vào tình hình, đoàn thực hiện từ 4 – 5 chuyến từ thiện như thế này. Mỗi chuyến đi tính cả thời gian chuẩn bị thì kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng. Chuyến đi xa nhất đoàn từng đi là đến với trường Tiểu học Triệu An, thuộc xã ven biển của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngày đến, nơi đó vẫn còn ảnh hưởng nặng nề do cơn bão lịch sử hồi giữa năm vừa qua. Nước ngập hết tầng 1 của trường, đồ dùng học tập của các con hư hỏng hết. Càng thấy được tình cảnh đó, chúng tôi càng thấm thía về nghĩa cử mình đang làm”.

Cô Hoa kể lại một kỷ niệm đáng nhớ: Chuyến đi đầu tiên, đoàn về Kỳ Thượng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Do ảnh hưởng bão, ngôi trường đón đoàn khi đã bị tốc mái. Trời chưa dứt bão, cả trường phải mượn hội trường ủy ban xã để tiếp đoàn. “Vậy mà, trong hoàn cảnh ấy, gần 700 cháu học sinh vẫn xếp hàng ngay ngắn để nhận quà. Chúng tôi rơi nước mắt khi ánh mắt các con lấp lánh, thử ngay quần áo mới. Nếu không đi, chị em chúng tôi không thể biết được cuộc đời còn nhiều hoàn cảnh khó khăn như thế”, cô Hoa cho biết.

Uy tín của các cô giờ đây được nâng cao tới mức có rất nhiều lòng hảo tâm tặng những món quà giá trị như xe đạp, tivi, bình lọc nước, rất nhiều chăn đệm, đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn. Bởi thế mà quy mô mỗi chuyến từ thiện vào khoảng 200 triệu đồng/chuyến. Mỗi lần đi phải thuê chuyến xe lớn. Không chỉ giỏi làm thiện nguyện, các cô còn hăng hái đi đầu trong các phong trào của địa phương. Có thể kể đến cô Trần Thị Thủy, 60 tuổi nhưng đã 15 lần hiến máu; cô Nguyễn Thị Bích Hồng mỗi lần thiện nguyện là tặng hàng chục xe đạp…

Những ông chồng luôn trong tâm thế “chờ vợ ra lệnh”

Bỏ nhiều công sức làm thiện nguyện, các cô sẽ không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Bởi vậy, những người chồng trở thành hậu phương, quán xuyến nhà cửa và luôn trong tâm thế sẵn sàng, chỉ cần vợ gọi là lên đường làm “cửu vạn”. Đó là khi có người gọi điện đến Chi hội, mong muốn được góp phần nhỏ đồ dùng, các chú sẽ là người đến lấy và mang về nơi tập kết. Cô Hoa vui vẻ kể lại: Cứ mỗi lần thấy chị em tụ tập sắp xếp đồ, lên kế hoạch là các ông ấy lại chép miệng: “Vợ mình lại bị bắt cóc rồi!”. Nhưng nếu họ muốn xin vợ đi cùng cũng không được, vì theo như cô Hoa kể: “Nếu để các ông ấy đi cùng thì khi về, sẽ không ai cho vợ đi tiếp nữa”.

Nếu như các cô là người chuẩn bị những món quà cho các em học sinh nghèo ở mọi miền thì trong mỗi chuyến đi, các chú lại là người chuẩn bị rất chu đáo hành lý, đồ dùng cần thiết cho các cô. Chú Trương Minh Hiền (63 tuổi), chồng cô Hoa bảo rằng, chỉ mong các bà ấy luôn vui khỏe, sống có ích như thế này, thì làm chồng ở nhà nấu cơm, rửa bát vẫn cứ là vẻ vang.

Bởi vậy, trong ánh mắt cả vợ lẫn chồng đều ánh lên niềm vui. Nhờ có hậu phương vững chắc ấy, họ cũng thấy sức khỏe mình dẻo dai hơn sau những hành trình dài hơi ấy.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.