Cỏ xuân

Chia sẻ

Ánh có một căn nhà cũ nằm ngay bên con đê. Nhiều năm nay, từ ngày có thêm những đập thủy điện trữ nước trên thượng nguồn, dòng sông mỏng như mái tóc một người đàn bà đứng tuổi. Không hiểu sao, Ánh vẫn tin núi sông có tuổi, có khúc trầm luân giống đời mình.

Con đê ấy, bấy lâu bị lãng quên trong kí ức người dân vùng này. Giờ đã có một con đường trải nhựa láng bóng vùn vụt xe chạy. Những gia đình khốn khó một thời bỗng thi nhau xây nhà lầu, đổ bê tông mặt sàn “vượt” lên đê để mở ra một dãy phố sầm uất. Ngồi ở đây, người ta cảm thấy như những con sóng dưới mặt sông kia cũng đang rung lên bởi thanh âm từ những ca khúc ưu sầu trong quán cà phê. Ấy vậy mà, chỉ còn ngôi nhà của Ánh, những chủ quán còn nhẫn nại với cái tông “quán xưa”, “đồng quê” đều đã phải đóng cửa và không quên dặn lại người chủ: “Xưa đã quá đủ rồi chị à, người ta cần cái mới, hiện đại một chút”.

Giờ thì, Ánh đang ngồi nhâm nhi ly cà phê trên một quán rìa đê để nhìn về phía cỏ lên xanh mướt quanh ngôi nhà nhỏ của mình. “Cỏ xuân”, hình như cả thành phố này chỉ còn ngôi nhà của Ánh là cỏ lên tự nhiên mà ngang ngạnh. Cỏ như cô, như ngày xưa, như kí ức một thời lại về trong nước mắt.

Ngày đó, Ánh còn trẻ, xinh đẹp và khỏe khoắn, nhưng khác tụi con gái bây giờ. Bố mẹ cô đều làm ruộng ở phía hạ nguồn con sông này. Dòng nước đục ngầu phù sa phía thượng nguồn, tung bọt trắng xóa trước những gềnh đá oai phong như một chiến tướng nhưng về phía hạ lưu như đổi phận thành một dòng xanh mát, hiền hòa, thấm đẫm những cánh đồng phù sa. Nhà Ánh trước đây thuộc loại khá trong làng, tức là có nhà ngói năm gian, cây mít, bể nước xây bằng cát và mật, có cây rơm, sân gạch, vườn na… Cha cô vào những ngày nông nhàn, trăng thanh, gió mát lại lấy sách Giáo huấn ca, Đạo đức kinh ra ngẫm ngợi. Cũng bởi cái vốn liếng Nho học ấy mà ba chị em gái cả ngày chỉ quanh quẩn ở dãy nhà ngang với thêu thùa, đan lát. Đã là những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ XX rồi mà cái nếp ấy vẫn giữ nguyên.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Một sớm đầu hạ, Ánh đang cắt cỏ ở bãi sông, cỏ lên xanh, căng từng thùy lá, khiến cô bất chợt nhìn xuống dưới cổ áo mình ngượng ngịu. Khi một người con gái đã biết tự ngắm mình, thì có nghĩa là họ bắt đầu muốn nghe nhịp đập trong lồng ngực hơn những câu giáo huấn cũ kĩ. Nhưng mà Ánh lại khác. Ánh lạnh lùng như cỏ sắc, không ai dám động đến. Bỗng, cô cảm thấy nong nóng ở sau gáy như có ai đang rình ngắm trộm mình. Ánh quay lại, không có ánh mắt nào, nhưng có một người con trai ăn vận kiểu dân phố đang đưa máy ảnh ngắm như định chụp cô. Bất giác theo phản xạ, cô quay mặt đi, hơi cúi xuống, bàn tay cầm cái liềm co về phía trước mặt. Một tiếng “tách” rất nhanh vang lên. Mặc kệ mấy con bò trưa đó đói meo, Ánh xách liềm quay đầu về thẳng. Không một lời nói, không một hành động phản đối nào nhưng quay lưng, bao lâu nay với con trai, cô đều thế.

Mùa xuân năm ấy, Ánh theo các chị em trong xóm ra múa trong hội thi văn nghệ chào xuân mới của huyện. Bất chợt, Thắm, em cô liền sau cô từ đâu chạy đến, chẳng nói chẳng rằng kéo cô đi như có ma đuổi đến một chỗ mà bọn thanh niên làng cô đang xúm đông, xúm đỏ. Thấy cô, chúng nó rú lên túm lấy cô mà dúi vào trong vòng vây. Suýt nữa, Ánh ngã bổ nhào vào một bức ảnh được đặt lên cái giá gỗ. Người trong ảnh chính là cô, nghe anh cán bộ văn hóa huyện - người cùng xã - đang thao thao bất tuyệt nói: “Gái làng ta làm nên bức ảnh được giải trung ương đây này, bà con xem!”.

Chiều hôm ấy, ôm khuôn mặt nóng bừng, vừa về đến nhà, Ánh đã thấy có khách trên nhà chính. Thoáng nhìn, bằng đôi mắt tinh của gái mười bảy, cô đã nhận ra. Hắn chứ ai? Sao biết mà mò đến nhà mình thế. Khách về, bố mẹ không tiễn ra như mọi khi. Những ngày sau đó ông im lặng một cách khó hiểu. Con gái bỗng dưng nổi tiếng bằng bức ảnh chụp trộm, điều dở dở ương ương chưa từng có ở cái họ, cái làng này.

Ra giêng, Ánh bắt đầu nhận được những lá thư đều tăm tắp. Lúc đầu là ông chú họ làm phụ xe, sau này là anh bưu tá, rồi chị thương lái… cô chặn được người này, người kia lại mang xe tới. Hồi ấy, người ta chưa quen với khái niệm khủng bố nhưng đúng là ngôi nhà yên ả có giàn thiên lý của cô đã thực sự bị xáo trộn.

Ánh quyết định viết một bức thư trả lời. Mình bực, tức là mình có để ý, có quan tâm đến hành động của họ. Nhưng lần này, cô phải lên tiếng. Bức thư viết một mặt giấy vở học sinh, chữ nắn nót, có ba đoạn “mở”, “thân”, “kết” đúng kiểu nghị luận xã hội mà thầy dạy. Người đó nhận thư rồi im bặt. Cái gì mà nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ… tóc tai, quần áo đấy chỉ có trên sân khấu, màn ảnh. Chỉ nghĩ đến cái cảnh ngồi cạnh người ấy mà thấy ghê ghê thế nào.

Đầu thu, Ánh khấp khởi bởi cái tin trúng tuyển vào trường trung cấp trên tỉnh. Mẹ bảo, đời đàn bà con gái chỉ cần như mặt ao làng, phẳng lặng yên ả là được đâu cần ra sông lớn, bể sâu làm gì cho sóng gió. Vào buổi chiều hôm trước, đương xếp nốt mấy thứ lặt vặt vào chiếc hòm gỗ thì Ánh nghe thấy tiếng con mực sủa ông ổng. “Ai biết mà sang tiễn cô nhỉ?”, lệ ở cái làng này, con gái có đỗ đạt, người ta cũng làm như không, huống hồ… Người bước vào nhà là một kẻ vốn dĩ như từ trên giời rơi xuống. Bố Ánh lần này pha một ấm trà thật nhạt, ngồi nói những câu bâng quơ còn nhạt hơn nữa. Ở dưới này, qua một khoảng sân, Ánh vẫn cảm nhận được cái vị đó.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Chỉ thấy rõ một câu: “Thưa bác, bức ảnh này bác chụp ở Cánh đồng Chum bên Lào phải không ạ? Đúng là, với người mặt dày, vô duyên thì chỉ còn nước hỏi “bao giờ bác ra đồng?” là chưa thấy hỏi. Ánh lại lúi húi thu dọn và thấy tiếng hai người trên nhà cứ đều đều, nho nhỏ. Ngày đó, đám đàn bà con gái coi năm gian nhà chính như cung điện, như bộ tổng chỉ huy, tức là nơi quyền lực nhất, quyết định đến cuộc sống của mình. Rồi bất ngờ có tiếng cha gọi vọng xuống. Cầm cái ấm đồng vừa đun sôi, Ánh bước qua cái bậu cửa nhà chính, tiếng cha vang lên:

- Con ngồi xuống đây nghe thầy dạy.

- Thưa, thầy dạy con điều gì ạ?

Sau này, mỗi lần nhìn ra cái bến đò cũ, nơi có phiến đá trắng, Ánh lại thấy nhói lên trong lòng. Ngày xưa, cha cô từng có một thời sống giữa những làn đạn, giữa lúc cái sống và chết mong manh như thế, những người lính trẻ từng ước hẹn. Rồi một người nằm lại, mãi mãi trong tiếng côn trùng, tiếng rơi đập cánh, trong tiếng vo ve của muối rừng cao nguyên Xieng Khuang. Cha Ánh sống sót trở về với ông thì tất cả đều có thể, mặt trời có thể mọc ở đằng Tây, nếu như… “Anh Hoàng là con người đồng đội đã hy sinh của bố”.

Ánh sững sờ, Ánh cảm thấy cả đến ấm nước đang cầm trên tay cũng đang lạnh buốt. Lần đầu tiên, được ngồi để nói về một chuyện trọng đại nhất cuộc đời mình dưới mái nhà có đòn nóc khắc những chữ hán khuôn thước, ngay ngắn, cũng là lần duy nhất, Ánh lên tiếng. Cô cứng đầu, cha cô có thể gia trưởng, quyết đoán ở đâu, nhưng không thể thay đổi được. Người con trai ấy hình như đã biết ngày mai, chỉ ngày mai thôi, cô sẽ vượt ra khỏi lũy tre làng này. Anh vẫn đứng ở cái sân gạch, đôi mắt trân trân nhìn cô, nhìn cha mẹ cô, đôi mắt như muốn nói, anh sắp đánh mất một thứ gì duy nhất ở cuộc đời này.

Đúng vào cái phút định mệnh đó, cha Ánh ôm đầu khụy xuống. Giờ tất cả mới nhớ ra mảnh đạn trong đầu ông, giờ tất cả mới nhớ ra trong cuộc đời này đừng ai để ông phải căng thẳng đến thế dù vui hay buồn. Ngươi ta đưa ông lên viện huyện, viện tỉnh… Nhà Ánh từ hôm ấy hiu quạnh như một ngôi chùa vắng. Người ấy ngày hai lần đạp chiếc xe phượng hoàng đến viện chăm sóc cha cô như một người con hiếu thảo. Ánh bỏ mặc tất cả, chỉ chăm chăm nhìn vào khuôn mặt cha. Bỏ mặc cả sự hiểu nhầm của những người ở bệnh viện rằng, nhà cô đã có một chàng rể hiếu thuận.

Rồi Ánh theo người ấy về quãng đê này trước khi cha cô mất chừng nửa năm. Những mùa xuân, cô nhìn cỏ lên xanh triền đê, nhớ vùng hạ của con sông, nhớ mái nhà năm gian trát đất, có giàn thiên lý. Rồi cái thị xã nhỏ bé bỗng chuyển mình, mỗi nhà cũng bắt đầu có nhưng giãn nở, rạn nứt. Căn nhà nhỏ của Ánh cũng không không ngoại lệ dẫu nó đầy ắp mồ hôi và nước mắt, dẫu nó luôn ấm áp và ngăn nắp… Cuộc hôn nhân tan vỡ, hai đứa con gái nhỏ như những con chim ri ngơ ngác. Khi mẹ đi làm, chúng chơi với cỏ, có lần bị ong đất đốt sưng vù bàn chân, có bữa nấu cơm bị bỏng. Hai đứa trẻ sinh đôi lớn lên, đi làm và neo lại thành phố...

Xuân này, Ánh trở về, khi cha mẹ giờ đã nằm dưới cỏ, khi những đứa con đã đủ lông đủ cánh bay xa. Cô bình thản mở cổng bước vào, cỏ xanh mọc tràn vào đến thềm nhà, lòng cô trống rỗng như thể mặc cho những niềm hoang dại. Người đàn bà cũ, người đàn bà đã đánh mất tuổi xuân bỗng như tìm lại được chút sinh khí. Cô lặng lẽ tìm lại một cuốn sổ cũ, ghi lên đó những câu thơ vu vơ bỗng nhớ ra từ tuổi mười bẩy…

Bỗng nhiên, có tiếng chân ai đó, tiếng chân một người đã lâu lắm rồi. Người đó lại đứng trước bậu cửa, đôi mắt hôm nay như nhuộm đầy bóng chiều đang nhuộm trên đường đê.

- Tôi chỉ muốn đến nhìn lại căn nhà này, không biết em cũng đến.

- Anh đi đâu? – Ánh bỗng thấy mình đã lỡ lời.

- Gia đình tôi sẽ chuyển vào Nam, ai cũng có kỷ niệm…

“Kỷ niệm”, đúng thật, ai cũng có kỷ niệm, kỷ niệm như dòng sông trôi đi mãi, vui buồn, lỡ dở cũng có cả sự lựa chọn của mình. Ánh nghĩ thế, cô hăm hở quét dọn, chẳng mấy chốc, căn nhà nhỏ lại ngăn nắp, sạch sẽ ấm áp giữa mùa xuân. Chỉ có cỏ xuân, cô muốn cỏ cứ lên xanh như thế. Làn da phía dưới đôi mắt mình đã không còn căng nõn như cỏ, trái tim không còn bồi hồi như sóng cỏ trước gió xuân. Nhưng trong lòng cô, có một thứ nhựa sống lại bồi hồi làm tươi mát từng ý nghĩ. Hãy cứ là mùa xuân rồi mùa xuân sẽ trở về.

Ánh cầm điện thoại lên, tiếng đứa con gái lớn vọng lên từ phía bên kia: “Mẹ, mẹ, mẹ đừng bán nhà nhé, con và bạn trai sẽ lên để mẹ xem mắt nhé. Chàng biết vẽ, biết chơi đàn và…”. “Thôi, mẹ không muốn biết thêm nữa… rồi sống lâu sẽ lắng lại những gì đáng nhớ về từng con người, con gái ạ!”. Ánh ngồi đợi những người sẽ hiện ra phía con đường thẳng tắp trên đê, cỏ xuân chiều ấy vẫn cứ xanh như thời con gái…

Nhà văn BÙI VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.