Ba chính sách mới về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế áp dụng từ 1/1/2021
Sau đây là những chính sách mới về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) tác động lớn đến mọi người từ 1/1/2021.
Bạn Nguyễn Thị Phượng - Thạch Thất gửi thư đến Báo PNTĐ nhờ giải đáp về những chính sách mới của bảo hiểm từ năm 2021, Báo Phụ nữ Thủ đô trả lời bạn như sau:
Kể từ ngày 1/1/2021, có 3 chính sách mới về BHXH bắt buộc, BHYT cụ thể:
1. Tăng tuổi nghỉ hưu
Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) sẽ được quy định như sau:
- Đối với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng (hiện hành tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi);
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ; đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
- Tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong điều kiện lao động bình thường:
+ Năm 2021: Đủ 55 tuổi 4 tháng
+ Năm 2022: Đủ 55 tuổi 8 tháng
+ Năm 2023: Đủ 56 tuổi
+ Năm 2024: Đủ 56 tuổi 4 tháng
+ Năm 2025: Đủ 56 tuổi 8 tháng
+ Năm 2026: Đủ 57 tuổi
+ Năm 2027: Đủ 57 tuổi 4 tháng
+ Năm 2028: Đủ 57 tuổi 8 tháng
+ Năm 2029: Đủ 58 tuổi
+ Năm 2030: Đủ 58 tuổi 4 tháng
+ Năm 2031: Đủ 58 tuổi 8 tháng
+ Năm 2032: Đủ 59 tuổi
+ Năm 2033: Đủ 59 tuổi 4 tháng
+ Năm 2034: Đủ 59 tuổi 8 tháng
+ Từ năm 2035 trở đi: Đủ 60 tuổi
- Tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam trong điều kiện lao động bình thường:
+ Năm 2021: Đủ 60 tuổi 3 tháng
+ Năm 2022: Đủ 60 tuổi 6 tháng
+ Năm 2023: Đủ 60 tuổi 9 tháng
+ Năm 2024: Đủ 61 tuổi
+ Năm 2025: Đủ 61 tuổi 3 tháng
+ Năm 2026: Đủ 61 tuổi 6 tháng
+ Năm 2027: Đủ 61 tuổi 9 tháng
+ Từ năm 2028 trở đi: Đủ 62 tuổi.
Lưu ý:
- Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì:
Từ năm 2021 trở đi: Áp dụng theo nguyên tắc “Có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với người lao động làm việc ở điều kiện lao động bình thường”.
Từ 2021 chính thức tăng tuổi nghỉ hưu (Ảnh: minh họa)
2. Thay đổi trong quy định tỷ lệ hưởng lương hưu
- Đối với nam:
+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45% (hiện hành nghỉ hưu năm 2020, đóng đủ 18 năm BHXH thì được 45%);
+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ 01/01/2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%; Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
- Đối với nữ:
+ Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%; sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
3. Thay đổi về mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh
Từ ngày 01/01/2021, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật BHYT (mức hưởng khi đi khám đúng tuyến) theo tỷ lệ sau đây:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước (Hiện nay chỉ được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT).
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB.
BÁO PNTĐ