Người Hà thành chơi Tết với hoa thủy tiên

Chia sẻ

Những ngày Tết, trong mỗi gia đình Hà Nội xưa đều có một lọ hoa thủy tiên, thứ hoa tao nhã, nụ hoa vàng hé nở xinh xinh, hoa nở đúng mồng Một, là điềm son cho cả một năm mạnh khỏe, suôn sẻ.

Tết trong quan niệm của người Việt có một ý nghĩa thiêng liêng và là thời gian để cả gia đình nghỉ ngơi, quây quần bên nhau, cầu mong một năm mới sung túc, đầm ấm. Những người con xa quê chỉ chờ dịp cuối năm để về nhà đón Tết, tận hưởng không gian mùa Xuân ấm áp quây quần dưới mái ấm gia đình. Với những người xa xứ, Tết có hương vị riêng bình dị mà thiêng liêng vẹn nguyên không phai mờ trong ký ức. Và hoa Tết là thứ không thể thiếu trong các gia đình. Trong không gian tràn ngập sắc xuân, phố phường rộn rã người xe, chợ hoa Tết họp từ sáng sớm với sắc đào tươi thắm, hoa cúc vàng, chậu quất chín đỏ, mớ lá mùi thơm ngan ngát tạo nên một khung cảnh chỉ Tết mới có được.

Hoa Tết của người Hà Thành, ngoài đào, quất, lay ơn… còn có thủy tiên. Trong không khí xuân về, cả gia đình đoàn tụ bên mâm cỗ Tết, bên bàn thưởng trà để ông bà, cha mẹ con cháu cùng hàn huyên tâm sự những chuyện vui, buồn, học hành, công việc trong suốt một năm. Cả nhà nhâm nhi chén trà và chút bánh kẹo, mứt Tết, ngắm bát hoa thủy tiên đang e ấp nụ sau lớp lá bọc xanh non. Cuộc trò chuyện hàn huyên người già con trẻ trong gia đình như kéo dài mãi trong niềm vui bất tận đón một năm mới đang về.

Người Hà thành chơi Tết với hoa thủy tiên - ảnh 1

Đêm Giao thừa cũng là thời khắc những cánh thủy tiên đầu tiên bung nở, ấy là thời điểm đón lộc đầy nhà, may mắn cả năm. Với người Hà Thành, có được một bình thủy tiên đẹp mà trưng Tết thì không khí xuân sẽ trọn vẹn hơn. Nhớ lắm Tết xưa, bà nội tôi công phu tự tay ươm củ hoa thủy tiên vào khay sứ phủ lớp vải mỏng giữ ẩm, mỗi ngày tôi thấy bà tưới nhẹ chút nước chăm chút tỉ mẩn chờ hoa hé nụ đúng thời khắc Giao thừa.

Để có một bình hoa thủy tiên đẹp đón Tết, phải rất kỳ công, cẩn thận. Củ thủy tiên mua về bà ngâm nước cho căng lên, lúc ấy mới là thời điểm đem ra gọt tỉa. Thủy tiên thuộc họ hành, ngâm trong nước rễ trắng phau, củ hơi giống hành tây có nhiều lớp để gọt tỉa và đòi hỏi phải có một đôi bàn tay tỉ mỉ và khéo léo cùng với thú mê hoa. Thủy tiên đặc biệt hơn các loại hoa khác vì có thể chơi được 5 thứ: Hoa, mùi thơm, lá, củ và rễ.

Việc gọt làm sao để hoa nở đúng thời khắc chuyển giao năm mới, đòi hỏi sự tài tình mà chỉ có những người sành chơi hoa, năm nào cũng chơi mới có đủ kinh nghiệm làm được. Củ hoa ngâm trong nước của bát thủy tinh, rễ hoa trắng tinh từng sợi vươn dài như chòm râu lão Ngư ông, có lúc ngắm kỹ lại như bức mành mây trắng muốt.

Trong ngôi nhà tam, tứ đại đồng đường đã bao mùa Xuân qua, gia đình tôi vẫn giữ thói quen thưởng lãm hoa thủy tiên, cho dù không gian phòng khách vẫn có lọ lộc bình cắm cành đào phai, chậu quất cảnh, lọ hoa violet, nhưng trên bàn trà, bát hoa thủy tiên là không thể thiếu như một thú chơi lưu truyền mọi thế hệ.

Chẳng rực rỡ như những loài hoa khác nhưng bù lại hoa thủy tiên lại có hương thơm quyến rũ. Hoa nhỏ, thường mọc thành chùm, trong vàng ngoài trắng tỏa ra một sự thanh khiết đến lạ kỳ. Chơi hoa thuỷ tiên chỉ có tâm hồn tao nhã mới thưởng được. Mối lương duyên giữa hoa thủy tiên và người Hà Nội, có phải chăng bởi chính sự đồng cảm ấy? Chơi hoa để thưởng hoa, nâng niu trân trọng những giá trị tinh thần xưa cũ không dễ mai một.

Người Hà Nội cho rằng, ươm thủy tiên cũng là một cách để lưu giữ truyền thống, thú chơi cảnh giả của người Hà thành vốn thanh lịch, nhã nhặn, chơi hoa để lưu giữ những tinh hoa hồn cốt của dân tộc, lưu lại phong tục về Tết xưa thiêng liêng và có nét riêng thật độc đáo.

Ngày nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về trong các chợ hoa đầu mối với đủ các loài hoa mới lạ được du nhập từ nhiều quốc gia khác nhau như: Tuy-lip, đào Nhật, mai Mỹ, hoa phăng, quất bonsai… nhưng thú chơi hoa thủy tiên, hoa đào thắm, hoa lay ơn của người Hà Thành vẫn mãi lưu truyền như một thói quen, vẫn là sự lựa chọn tinh tế truyền thống trong không gian nếp nhà cổ kính của người Hà Thành xưa và nay mãi mãi theo thời gian

LÊ VÂN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.