Mai trắng tinh khiết dưới chân núi Tản

Chia sẻ

Mai trắng thuộc hàng tứ quý “Tùng cúc trúc mai” hay tứ bình “Mai lan cúc trúc”. Lão nông Đỗ Văn Thơ và hàng trăm nông dân ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, Ba Vì đã tạo nên “thủ phủ” mai trắng của Hà Nội và miền Bắc.

Công phu, tinh tế của lão nông nghệ sĩ

Tết xưa, nhiều gia đình trí thức Hà Nội thường đặt một chậu mai trắng nhỏ xinh trên bàn trà, hoặc trong phòng khách, dưới hiên nhà. Trong guồng quay của đô thị, mọi thứ nhanh hơn, náo động hơn nên có thời gian mai trắng cũng bị thay thế bởi nhiều loại hoa rực rỡ khác, người chơi mai trắng giảm hẳn. Thế rồi, cuối năm 1998, trong khi loay hoay tìm cây gì để trồng, ông Đỗ Văn Thơ cùng hai em là Đỗ Mạnh Quân và Đỗ Thị Hằng đã mang mai từ Nam Định về trồng. Ông Thơ nhớ lại: “Khi đó biết rằng cây mai trắng thuộc diện “khó tính”, khó chăm và nhiều năm mới có thu nhưng tôi cứ quyết mang lên núi trồng thử 100 gốc”. Những tháng năm sau là cả sự nỗ lực lớn, mày mò chịu khó của ông Thơ cùng gia đình và “người quân tử” ấy đã ưng cái không khí trong lành, chịu cái thổ nhưỡng của miền cao này mà nhanh chóng bám rễ, nở hoa.

Ông Thơ cho biết: “Phải mất 4 năm từ cây phôi nhỏ như ngón tay út, cây mới lớn gốc to gần như cổ tay thì đưa vào uốn, tạo thế. Tiếp theo, kiên trì trồng và khéo uốn tạo thế, thêm 2-4 năm cây mai mới lên vóc lên hình để tự tin ra thị trường, lọt vào tầm mắt của người chơi”. Trong cả quá trình 6-8 năm đó là hàng nghìn ngày người nông dân chăm từ tưới nước phải sạch, bón phân sinh học, đặc biệt là bắt bệnh, trị bệnh cho cây. Theo ông Thơ, cây mai khó nhất là theo dõi xử lý các loại bệnh, tỷ lệ mai hỏng vẫn chiếm đến 30%. “Việc chăm cây cũng như con mọn, phải biết đặc tính của từng cây, nếu chăm quá thì cây không cứng cáp được, nước tưới cây phải sạch, lượng nước vừa phải, nếu để úng thì cây dễ hỏng. Mỗi cây có đường nét, thân, cành khác nhau, người chăm mai cũng phải như một nghệ sĩ, có con mắt chỉnh, uốn sao cho mai “nghe lời” vào dáng” – ông Thơ thủ thỉ.

Ông Đỗ Văn Thơ đang đưa mai bồn chuẩn bị công đoạn tuốt láÔng Đỗ Văn Thơ đang đưa mai bồn chuẩn bị công đoạn tuốt lá

Mai trắng còn có tên là nhất chi mai. Hoa mai có hồn theo cung bậc thời gian, nụ màu tím hồng dần chuyển sang trắng muốt. Cánh hoa có nhiều lớp, từ 5, 6 lớp đến 10, 12cánh... Cây nhỏ bé mà gốc, cành cứng cáp, thân gầy guộc, xù xì mà tủa ra những lộc chồi xanh mướt. Người chơi sành ngắm cây mai trọng thế, tuổi mai, yêu những cánh hoa, yêu cả thân, gốc, bộ rễ cổ kính của mai nhiều năm tuổi. Ông Thơ cho biết, thường thì mai ở độ 7-10 tuổi là rất đẹp còn có những cây mai lên tới 20 năm thì quý và hiếm. Mai được định giá bao nhiêu tùy theo thế, có 4 dáng mai thường thấy là: Dáng “Trực” mang cốt cách của người anh hùng hiên ngang, cứng cỏi; dáng “Siêu” mang vẻ mặc khách day dứt cuộc đời; dáng “Huyền”là nét mềm mại của người con gái đẹp người, đẹp nết; dáng Hoành là sự an nhàn viên mãn, đủ đầy. Người thưởng mai tinh tế nhìn dáng mai có thể đoán bắt được cách đối nhân, xử thế của gia chủ.

Làng mai tỷ phú

7 năm, là thời gian lứa mai đầu khởi nghiệp đầy thử thách của ông Thơ, mai đã nhận mồ hôi, tâm sức của những người nông dân vùng non thiêng Tản Lĩnh. Không phụ công lao ấy, nhất chi mai đã rất “quân tử” làm hài lòng khách và đem lại nguồn thu nhập cao. Thấm thoát hơn 20 năm trôi qua, ông Thơ cùng gia đình đã gắn bó với vườn mai trắng và thu nhập ngày càng tăng qua mỗi vụ Tết. Bây giờ, ông cũng không phải chở cây đi bán bằng xe máy nữa mà thương lái về tận nhà đặt hàng bán đi khắp nơi. Hiện nay, giá mỗi cây mai từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, cao nhất là 15-20 triệu đồng/cây. Từ thu nhập vài chục triệu đồng đến khoảng 4-5 năm nay, mỗi năm ông thu được 1-2 tỷ đồng.

Cơ ngơi gia đình ông Thơ là ngôi nhà ba tầng cao rộng, xung quanh là vườn mai trắng, tổng diện tích trồng mai là hơn 2ha (trong đó, 4 mẫu trồng cây phôi và 8 sào trồng cây thế). Mỗi năm ông xuất bán chừng 2.000 cây thế và vài nghìn cây phôi (các nhà vườn không có diện tích ươm cây phôi mua về trồng tạo thế). Lão nông nghèo năm xưa, nay đã trở thành tỷ phú. Ông Thơ nói: “Tôi vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng vườn mai, cùng con cháu và người địa phương trồng để vừa có việc làm, có thu nhập để cải thiện cuộc sống”.

Từ ngày 6 anh em gia đình ông Thơ mang mai trắng về trồng, cho thu thập, bà con trong thôn An Hòa cũng học tập, làm theo. Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Hòa Nguyễn Đức Tề hồ hởi cho hay: Toàn thôn An Hòa có 240 hộ thì hơn 60% trồng cây mai trắng từ tận dụng vườn nhà đến thuê thầu, nhà nào nhà nấy đều có thu nhập cao hơn, đời sống được cải thiện, nhà cửa khang trang hơn, các phong trào xã hội ở địa phương cũng tốt hơn.

Ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, hiện bình quân thu nhập của xã là 50 triệu đồng/người/năm song riêng ở thôn An Hòa, các hộ trồng mai đã có thu nhập cao hơn, ước mỗi hộ thu từ 300 triệu đồng/năm đến 1- 2 tỷ đồng/năm. Nhiều gia dình xây được nhà to, sắm ô tô, tiện nghi sinh hoạt... đang góp phần thay đổi diện mạo làng quê.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.