Hơn 830 triệu đồng hỗ trợ lao động giúp việc gia đình vượt qua đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Hơn 350 lao động giúp việc gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, và Hải Phòng được nhận khoản hỗ trợ tiền mặt và đào tạo lên đến 830 triệu VND (tương đương khoảng 50.000 đô la New Zealand).

Đây là một sáng kiến hợp tác giữa Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ người lao động trong khu vực phi chính thức giải tỏa phần nào áp lực kinh tế và tăng cường khả năng ứng phó trong bối cảnh đại dịch kéo dài.

Ông Joseph Mayhew, Đại biện Lâm thời New Zealand tại Việt Nam cho biết, khoản hỗ trợ này sẽ giúp hỗ trợ giải tỏa một phần ảnh hưởng của Covid-19 đối với người lao động trong khu vực phi chính thức tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng và Đà Nẵng vượt qua khó khăn

Đại diện Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam trao tiền hỗ trợ cho các công nhân giúp việc gia đìnhĐại diện Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam trao tiền hỗ trợ cho các công nhân giúp việc gia đình trong mạng lưới JupViec.vn

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới cơ hội sinh kế của người lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là phụ nữ di cư. Gói hỗ trợ tiền mặt này sẽ giúp người lao động chi trả một phần chi phí sinh hoạt hàng ngày, trả tiền nợ thuê nhà, tiền khám chữa bệnh, đóng tiền học cho con, hay những áp lực tài chính khác.

Ngoài ra, trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác này, người lao động sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân trong bối cảnh kinh tế biến động để giúp họ có thể đưa ra những quyết định tài chính sáng suốt và gia tăng sức khỏe tài chính về dài hạn.Theo đánh giá về tác động kinh tế - xã hội của COVID-19 tại Việt Nam của Liên Hiệp Quốc, quá trình phục hồi sau đại dịch đang diễn ra không đồng đều giữa các nhóm dân số khác nhau. Những hộ gia đình do phụ nữ làm chủ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, cùng với các hộ gia đình dân tộc thiểu số có tốc độ phục hồi chậm nhất trên cả nước.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam về tình hình lao động việc làm Quý IV năm 2020  cũng cho biết mặc dù thị trường lao động đã bắt đầu phục hồi nhưng vẫn chưa trở lại trạng thái của cùng kỳ năm trước. Số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức đã tăng lên vào năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm, đạt 20,9 triệu người lao động vào quý cuối cùng của năm 2020.

“Chúng tôi tin rằng hỗ trợ lao động nữ trong khu vực phi chính thức là hỗ trợ một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhưng cũng là những người tiên phong trong công cuộc phục hồi kinh tế. Sức bền bỉ, khả năng ứng phó và tinh thần khởi nghiệp vi mô của họ là yếu tố quan trọng để nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ một cách toàn diện và công bằng.” - bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết.

Ông Joseph Mayhew, Đại biện Lâm thời New Zealand tại Việt Nam phát biểu tại buổi trao tiền hỗ trợÔng Joseph Mayhew, Đại biện Lâm thời New Zealand tại Việt Nam phát biểu tại buổi trao tiền hỗ trợ

Thay mặt cho các lao động giúp việc gia đình được nhận hỗ trợ, chị Bùi Thảo My, đại diện nhóm chăm sóc nhân viên giúp việc, Công ty JupViec.vn xúc động chia sẻ, năm 2020 là năm khó khăn cho các nhân viên giúp việc gia đình như chị. “Khoảng 80% nữ lao động giúp việc trong công ty là mẹ đơn thân. Đa số các chị đều thuê trọ, phải chăm sóc con nhỏ, khó khăn về kinh tế, nhất là khi dịch bệnh Covid bùng phát trở lại, nhiều gia chủ lo sợ dịch bệnh nên không thuê giúp việc theo giờ. Chính vì vậy, thu nhập của chúng tôi cũng bị giảm đi đáng kể. Khoản hỗ trợ này đã giúp đỡ rất nhiều cho chúng tôi trong cuộc sống, nhất là khi Tết đến, Xuân về” – chị Thảo My nói.

Ông Phan Hồng Minh, CEO của JupViec.vn cũng gửi lời cảm ơn Đại sứ quán New Zealand và CARE đã cung cấp gói hỗ trợ trực tiếp, kịp thời và đầy ý nghĩa cho nhân viên của chúng tôi không chỉ trong thời gian cao điểm của dịch mà còn xuyên suốt giai đoạn phục hồi. “Chúng tôi tin rằng một lực lượng lao động khỏe mạnh, có kỹ năng và năng lực bền bỉ thích ứng với khủng hoảng là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình hồi phục kinh tế đối với các doanh nghiệp như bản thân chúng tôi cũng như với nền kinh tế Việt Nam” – ông Minh cho biết.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.