Tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển cả thể chất và trí lực

Chia sẻ

Phụ nữ là công dân có đặc thù riêng về giới tính và thiên chức người mẹ nên nhiều năm qua phụ nữ đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và trao cơ hội để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất vai trò, trọng trách của mình trên mọi phương diện.

Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CTTW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mớiHội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CTTW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới

Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Thực tế, phụ nữ cũng đã và đang nỗ lực, tích cực đóng góp tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào sự thành công chung của đất nước, địa phương và từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.

Đất nước đã bước sang giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thuận lợi cũng sẽ có không ít khó khăn từ chính những thành tựu đã đạt được và từ các tác động của tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng mạnh; của hậu quả do đại dịch Covid-19 mang lại, của già hóa dân số… Những thuận lợi và khó khăn đó cũng sẽ tác động và ảnh hưởng đến phụ nữ về nhiều mặt. Đồng thời, cũng đòi hỏi phụ nữ cần tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình đất nước tiếp tục sáng tạo, biến các khó khăn thành cơ hội và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Khi nói đến phát triển toàn diện con người là nói đến sự phát triển cả về thể lực, tâm lực và trí lực. Đối với phụ nữ cũng tương tự như vậy. Theo Lưu Song Hà (2015) tham khảo từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao trung bình của nữ là 153,4cm (thấp hơn chuẩn quốc tế về chiều cao trung bình của nữ10,7cm). Cân nặng trung bình của nữ là 46 kg. 90% phụ nữ có thai thiếu kẽm có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng và mắc các bệnh nhiễm khuẩn, các biến chứng thai nghén. 36% phụ nữ có thai thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ kém, giảm khả năng lao động, sinh non. Cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi… Các thông tin này cho thấy, nếu muốn chiều cao của trẻ 5 tuổi và thanh niên có thể thay đổi theo hướng tốt hơn và giảm được tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thì cần phải đầu tư trước hết cho người mẹ để cải thiện thể lực bản thân trước khi quyết định mang thai. Đồng thời, cũng cần trang bị cho phụ nữ tri thức dinh dưỡng cơ bản để cải thiện chiều cao và dinh dưỡng thực tế cho trẻ em.

Theo kết quả tổng điều tra dân số 1/4/2019, về giáo dục có 5,4% dân số nữ từ 15 tuổi trở lên chưa từng đi học (thành thị 2%, nông thôn 7,3%); 11,8% chưa tốt nghiệp tiểu học (thành thị 4,7%, nông thôn 12,5%). 81.9% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (thành thị 68,4%, nông thôn 87,6%). Các tỷ lệ này tuy có giảm so với các lần thống kê trước, nhưng không đáng kể, cơ bản vẫn ở mức cao. Về lao động, có 47,3% phụ nữ trong lực lượng lao động (giảm 1.5% so với năm 1989), trong số này có 3,6% chưa đi học, 8,5% chưa tốt nghiệp tiểu học. Phụ nữ có vị thế lao động gia đình chiếm 24,9%, so với nam giới cao hơn 1,6 lần vị thế làm chủ trong lao động nam giới cao hơn 6,4 điểm %.

Với thực tế trình độ và tình trạng lao động của một bộ phận phụ nữ như thống kê sẽ có một bộ phận trẻ em bị tác động và ảnh hưởng trong quá trình phát triển theo hai hướng hoặc sẽ không được mẹ quan tâm do mẹ không có thời gian; hoặc sẽ được mẹ quan tâm nhưng không toàn diện, không đúng cách do mẹ không có đủ năng lực và nguồn lực để trao cơ hội tốt nhất cho con.

Xuất phát từ giới tính thực tế, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng thế hệ tương lai, ở một phạm vi nhất định có thể thấy khi thể lực của phụ nữ tốt sẽ đồng nghĩa với việc thể lực và trí tuệ của trẻ em sẽ tốt và ngược lại. Phụ nữ có tri thức tốt, có kỹ năng, có hành vi và ý thức chính trị - xã hội hợp lý, hài hòa, đúng mực và nhân nghĩa sẽ trao truyền cho trẻ em để trở thành công dân tốt, mẫu mực, có khát vọng cá nhân, khát vọng dân tộc và khát vọng đất nước chân chính, mạnh mẽ.

Xây dựng người PNVN phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới

Theo đó, việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới cần được quan tâm theo hướng đặc biệt hơn cả về thể lực, tri thức, kỹ năng, hành vi và ý thức chính trị - xã hội:

Phó Chủ tịch Hội LHPN VN Trần Thị Hương (áo dài xanh) chia sẻ với các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực chính trịPhó Chủ tịch Hội LHPN VN Trần Thị Hương (áo dài xanh) chia sẻ với các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực chính trị (Ảnh: V.H)

Một là, về thể lực, phụ nữ cần được quan tâm đến dinh dưỡng; sức khỏe sinh sản và thể dục thể thao để vượt qua các giai đoạn thay đổi thể chất thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.

Hai là, về tri thức, phụ nữ cần quan tâm đến cơ hội đến trường, cơ hội học tập trình độ cao (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) và học nghề để có chuyên môn kỹ thuật.

Ba là, về kỹ năng, phụ nữ cần được bồi dưỡng kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật để biết cách tổ chức công việc hiệu quả; tổ chức cuộc sống gia đình hài hòa; tự cân bằng và biết cách giải quyết các vấn đề của bản thân và gia đình hợp lý.

Bốn là, về hành vi và ý thức chính trị - xã hội, phụ nữ cần được quan tâm phát huy sự năng động, sáng tạo, lối sống văn hóa, trách nhiệm và lòng nhân hậu, vị tha để tham gia, đóng góp ngày càng nhiều hơn theo nhiều hình thức khác nhau các lĩnh vực bản thân có khả năng.

Để hiện thực hóa khía cạnh này, phát triển toàn diện phụ nữ cần được thể hiện cụ thể là một phần trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Trong đó quan tâm nhiều hơn dưới các góc độ đào tạo, bồi dưỡng; tôn vinh và trọng dụng phụ nữ theo hướng công bằng, bình đẳng có tính đến đặc thù giới tính nữ, trao thêm nhiều sự lựa chọn tương đồng thay vì chỉ có duy nhất một sự lựa chọn. Trên cơ sở sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận tổ chức công việc từ tư duy nguồn lực hiện nay sang tư duy giá trị để đủ khả năng hỗ trợ phụ nữ một cách hiệu quả hơn, chú trọng thúc đẩy lợi thế giới tính và vị thế làm mẹ của phụ nữ.

Hội nên tập trung giúp phụ nữ nâng cao năng lực nhận diện được bản thân, biết cân bằng, biết điểm dừng; có thái độ và tinh thần trách nhiệm đam mê đối với công việc và thái độ ứng xử đúng mực với thu nhập; năng lực làm vợ hài hòa và làm mẹ thành công.

Đối với cán bộ nữ, năm 2019 Đảng và Nhà nước đã quan tâm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với xu thế già hóa dân số và lộ trình tiến tới bình đẳng về tuổi hưu so với nam giới. Tuy nhiên, với cách quy định mỗi năm tăng 4 tháng đối với nam giới và 3 tháng đối với phụ nữ từ năm 2021, nam giới không bị ảnh hưởng bởi lộ trình tăng tuổi. Bởi vậy, vẫn cần biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp dành cho phụ nữ trong suốt lộ trình từ năm 2021 trở đi đối với nhóm được quy định bởi khoản 2 và 4 Điều 169 Bộ luật Lao động. Phụ nữ cần được quan tâm về tuổi đào tạo, bồi dưỡng, tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, ứng cử, giới thiệu tham gia ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân… theo hướng tuổi quy định phụ nữ sớm hơn nam giới.

Đồng thời, cần tính đến việc phụ nữ phải dành thời gian thực hiện thiên chức người mẹ nên quy định tuổi đào tạo cho họ phải phù hợp so với nam giới, trao cơ hội được tham gia đào tạo liên tục ở các trình độ khác nhau để đạt học vị cao nhất là tiến sĩ nếu đi học vào thời điểm cuối cùng của tuổi quy định điều kiện được đi học.

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn cơ hội tham chính của phụ nữ

Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn cơ hội tham chính của phụ nữ để cho các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền, các chủ thể khác được hài hòa và bảo đảm công bằng, bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Để cơ hội này của phụ nữ có thể thành hiện thực, không thể không quan tâm toàn diện đến 3 điều kiện quan trọng gồm:

Thứ nhất, điều kiện đặc biệt là sự quan tâm, công tâm, vô nhân xưng của Đảng và Nhà nước trong việc tạo ra các quy định về tiêu chuẩn, về cách thức để phụ nữ và nam giới thể hiện năng lực trước khi được xem xét bổ nhiệm vào vị trí quản lý, lãnh đạo cụ thể; thay đổi nhận thức về bình đẳng giới; bảo đảm bình đẳng giới thực chất trong trong công tác cán bộ; đánh giá đúng, công tâm, hài hòa đối với phụ nữ và bảo đảm cơ hội bình đẳng có tính đến đặc thù giới tính nữ.

Thứ hai, điều kiện cần là vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất công tác cán bộ nữ phù hợp với yêu cầu ở từng giai đoạn phát triển đất nước, địa phương và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ.

Thứ ba, điều kiện đủ là bản thân phụ nữ phải tự phấn đấu về mọi mặt; biết hài hòa công việc, gia đình; biết thể hiện năng lực và chia sẻ, ủng hộ phụ nữ.

ThS. HÀ THỊ THANH VÂN
Ủy viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam -
Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.