Về với Tết quê cha, quê mẹ

Chia sẻ

Trong hành trình cuộc sống, chúng ta lớn lên rời xa quê lập nghiệp, mưu sinh, nhưng trong tâm khảm mỗi người vẫn hoang hoải nỗi nhớ về quê - nơi cha mẹ sinh ra ta. Để rồi mỗi dịp Xuân về, nỗi mong muốn trở về quê đón Tết lại thôi thúc ngày đêm trong lòng. Về với Tết quê cha, quê mẹ vẫn luôn ấm cúng và thiêng liêng lạ kỳ…

Ảnh minh họa. Nguồn: IntẢnh minh họa. Nguồn: Int

Ký ức Tết quê có lẽ là thứ ký ức “sống lâu” nhất trong tiềm thức của mỗi người. Bất cứ ai, mỗi khi nhắc đến Tết quê đều có thể kể “vanh vách” những kỷ niệm trong mỗi lần đón Tết. Dù là thời thiếu thốn hay lúc no đủ thì Tết quê đều in dấu những kỷ niệm ấm áp, thiêng liêng trong lòng mỗi người. Để rồi khi lớn lên, trưởng thành, có dịp bôn ba, trải nghiệm cuộc sống muôn phương, ăn Tết, đón Tết ở nhiều nơi, nhưng nỗi nhớ Tết quê vẫn cứ định hình trong lòng, không nguôi nhung nhớ. Để rồi đến một lúc nào đó, nó trở thành niềm mong ước, sự chờ đợi được quay trở về quê sống lại không khí Tết ấm cúng, đoàn viên, lắng lòng với tình cảm cha mẹ, anh chị em một thời cùng nhau gắn bó trong những cái Tết gia đình quây quần.

Bởi vậy, với những người vẫn còn cha mẹ ở quê là có chốn, có nơi để trở về quê đón Tết. Nhà cửa ở phố có khang trang đến mấy thì họ vẫn đóng cửa để cùng nhau trở về đón Tết quê cha, quê mẹ. Trong văn hóa của người Việt, Tết là phải quây quần, Tết là phải bên cha, bên mẹ, bên người thân. Và, cha mẹ cũng chỉ “có Tết” thật sự khi con cháu ở xa về đoàn tụ, sum vầy. Tết chỉ mấy ngày ngắn ngủi nhưng lại khiến cho tất cả mọi thành viên trong nhà đều rộn ràng, náo nức chuẩn bị cả tháng trời.

Sáng 29, 30 Tết, con cháu theo chân ông bà, cha mẹ đi chợ Tết. Chợ quê ngày Tết bán đủ thứ, rộn ràng từ ngoài cổng chợ, người ta mua bán trong tâm thế vui vẻ, hạnh phúc nhất. Những phiên chợ Tết cứ thế trở thành nỗi hoài niệm của mỗi đứa con khi lớn lên, bởi được đi chợ Tết là một niềm hạnh phúc lớn, dù đôi lúc chỉ đi để ngắm hơn là để mua. Cả khu chợ rộn rã tiếng mời mua, trả giá, hàng hóa bày bán đủ màu sắc, thể loại đến nỗi đứa trẻ nào cũng có chung ao ước là có nhiều tiền để có thể mua hết những thứ mình thích đang bày bán hấp dẫn trước mắt kia. Người mẹ sẽ nhẹ nhàng ướm thử những chiếc áo mới lên người đứa trẻ để mua cho con mặc Tết, trong niềm hạnh phúc lâng lâng đang trào dâng trong lòng cả hai. Những người cha trả giá cây cảnh, cành đào Tết, hay lựa những câu đối, chiếc đèn dầu về thắp trên ban thờ Tết…

Chợ Tết quê bây giờ khá giả hơn xưa nhưng không vì thế mất đi những nét riêng trong phiên chợ mà chỉ Tết đến mới có. Ngoài cổng chợ, người ta vẫn bán những bó hoa mùi để về nấu nước tắm tẩy trần năm cũ, những bức tranh Đông Hồ dành cho người yêu Tết hoài niệm mua về treo trang trí đón năm mới… Sự no đủ, khá giả vẫn không thể át đi được nét văn hóa truyền thống xưa cũ trong mỗi gia đình. Và đi chợ Tết vẫn là niềm háo hức của người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Sự đầm ấm không khí gia đình cùng nhau chuẩn bị các món ăn ngày Tết, trang hoàng nhà cửa để đón năm mới tài lộc, và hơn hết là tình cảm yêu thương, quây quần của những người vốn xa nhau cả năm nay mới được đoàn tụ, sum vầy bên nhau chỉ có Tết quê mới có. Bởi vậy, tìm về đón Tết quê cha, quê mẹ vẫn là nét văn hóa truyền thống, là niềm mong muốn của nhiều người. Đó là lý do hàng năm cứ đến dịp Tết, cả đất nước như bước vào một cuộc dịch chuyển của những chuyến xe, chuyến tàu chở mọi người về quê đón Tết.

Những năm gần đây, tôi thường nhận được sự “nhờ vả” của bạn bè đã “thoát ly” nơi chôn rau cắt rốn trên dưới 30 năm nhờ mua đất ở quê để làm một căn nhà nhỏ. Căn nhà đó xây dựng xong vắng chủ nhân quanh năm và chỉ dùng vào đúng dịp Tết để con cháu, anh em có dịp tìm về, sống lại với không khí, tình cảm Tết quê. Trong số những người có mong muốn tìm về đón Tết quê ấy, có người sống ở các thành phố lớn trong nước, có người đã và đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. Họ đã từng sinh ra và lớn lên gắn liền với những cái Tết ở quê. Trưởng thành sinh sống ở nơi khác, có người, để cho tiện việc phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ già đã đón họ lên sống cùng với mình, nhà cửa đất đai bán để phụ thêm mua nhà phố. Có người, sau khi song thân mất, nghĩ không còn lý do để về quê nữa nên cũng chẳng giữ lại cơ ngơi của cha mẹ. Cứ ngỡ, khi không sống ở đó nữa thì chẳng còn nhớ nhung gì. Nhưng trong sâu thẳm của mỗi người, cứ mỗi dịp xuân về, nỗi nhớ Tết quê lại dào dạt trong lòng. Và sự tìm về cứ thôi thúc mãi không thôi.

Có rất nhiều người nhờ tôi hỏi mua lại nhà đất xưa của cha mẹ mà họ đã từng bán đi trước đó. Nếu không mua lại được hết, họ “xin” mua một vài chục mét vuông trong khuôn viên đó đủ để làm một căn nhà nhỏ, lấy chốn trở về đón Tết quê. Nếu không mua lại được nhà đất xưa của nhà mình thì mua đất trong làng, trong xóm, nơi mình từng gắn bó tuổi thơ, có họ hàng vẫn còn sinh sống quanh đó. Cha mẹ họ, tuổi già cậy con cháu nên phải xa quê nhưng trong lòng vẫn luôn nhung nhớ mảnh đất mình đã gắn bó cả đời, nơi có nhà thờ tổ tiên, có phần mộ hương hỏa ông bà. Người Việt không chỉ lo Tết cho người sống mà còn phải chăm sóc Tết cho những người đã khuất nên việc về quê đón Tết còn là một cách tìm về với sự hiếu hạnh. Vì vậy, với một số người mua đất xây nhà ở quê để cha mẹ về đón Tết mỗi dịp năm mới như một cách… báo hiếu. Để rồi, lòng hiếu hạnh ấy lại nhân lên trong mỗi người con, khi cha mẹ không còn, mỗi năm họ vẫn tìm về quê đón Tết, vẫn giữ một nếp nhà ở đó để các thế hệ có thêm một rường cột giữ Tết đoàn viên.

Tết đang đến, và ngoài kia, những cuộc hành trình tìm về đón Tết quê cha, quê mẹ rộn ràng hơn bao giờ hết. Ở mỗi miền quê, trong mỗi nếp nhà, sự sum vầy, đoàn tụ bỗng chốc trở nên thiêng liêng trong lòng mỗi người. Và đâu đó trong cuộc sống, vì điều kiện hoàn cảnh, những người không thể trở về đón Tết quê cha, quê mẹ lại ngậm ngùi nhớ, ngậm ngùi thương.

DUY BÌNH

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.