Giữ yêu thương ngày Tết

Chia sẻ

Chiều cuối năm, dù là ngày làm việc cuối cùng của năm cũ nhưng đường dây tư vấn của văn phòng Tâm Giao vẫn liên tục bận. Những cuộc gọi xin tư vấn đều mang nặng tâm tư nỗi niềm liên quan đến Tết nhiều hơn lúc nào hết.

 Giữ yêu thương ngày Tết - ảnh 1 (Ảnh: minh họa) 

Những câu chuyện gỡ rối ngày xuân của văn phòng Tâm Giao (báo Phụ nữ Thủ đô) theo đó cũng "nóng" theo những câu chuyện gia đình ngày Tết.

Phận gái lấy chồng, làm dâu như nhau sao nỡ phân biệt

"Em lấy chồng, làm dâu đã 6 năm nay nhưng chưa một lần nào em được về quê ăn Tết cùng nhà ngoại. Trong khi năm nào, chị gái chồng em cũng được về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết vui vẻ đầm ấm. Em tủi thân lắm, nhưng không ai trong nhà chồng hiểu cho lòng em. Họ bảo thuyền theo lái, gái theo chồng, sống đâu thì phải theo đó, nhà chồng em không có "lệ" con dâu về lo Tết nhà ngoại mà phải toàn tâm gánh vác Tết nhà chồng. Năm nay, em có ý định sẽ "vùng lên" phá bỏ "luật lệ" của nhà chồng để về ăn Tết với bố mẹ đẻ một năm. Liệu sự "vùng lên" của em có khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ hay không?" - cô con dâu lấy chồng xa, mấy năm "mất Tết" nhà ngoại mở đầu câu chuyện của mình trên đường dây tư vấn.

Cô kể, với vai trò dâu trưởng trong một gia đình, ngày thường vợ chồng cô ở riêng gần nhà bố mẹ chồng. Nhưng, hàng năm trong mấy ngày Tết, vợ chồng cô nhất định phải về bên nhà bố mẹ chồng. Nói là về bên đó ăn Tết nhưng cô bảo về trực Tết nhà chồng thì đúng hơn. Bởi trọn vẹn trong mấy ngày Tết, vợ chồng cô hầu như không được đi đâu chơi mà chỉ quanh quẩn ở nhà tiếp khách và phục vụ người thân, họ hàng của nhà chồng về ăn Tết.

Bố mẹ chồng cô cũng là phận trưởng nên năm nào cũng có người thân ở xa về đón Tết cùng. Năm ít nhất là 1 gia đình, năm nhiều thì 2-3 gia đình. Vậy là vợ chồng cô cả ngày bận bịu với việc cỗ bàn, phục vụ mọi người chẳng còn thời gian để chơi Tết chứ đừng nói đi về nhà ngoại ăn Tết.

Cô quê ở Quảng Nam, mang tiếng con gái lấy chồng Hà Nội nhưng nhà ngoại chưa năm nào được đón tiếp con rể phố về ăn Tết cùng. Lòng hiếu hạnh của vợ chồng cô chỉ thể hiện bằng món quà Tết gửi về biếu bố mẹ. Dịp về thăm nhà ngoại thường là vào dịp hè, khi cô được nghỉ dạy học (cô làm giáo viên).

Mấy năm đầu không được về quê ngoại ăn Tết, nhớ nhà, nhớ người thân, cô phàn nàn với chồng nhưng anh “lực bất tòng tâm” bởi bố mẹ “quán triệt” con dâu trưởng ngày Tết phải ở nhà quán xuyến việc nhà chồng. Điều làm cô tủi thân nhất là chị gái chồng cũng phận gái làm dâu như cô nhưng năm nào cũng được về ngoại đón Tết.

Năm nay, cha mẹ cô già yếu lại trở bệnh nên cô muốn về đón Tết cùng họ. Nhưng, gia đình chồng vẫn không tạo điều kiện nên cô quyết “vùng lên” một lần.

Mẹ chồng nàng dâu “mất Tết” vì con riêng, con chung

Chị tốt nghiệp đại học, đi làm được 2 năm thì lấy chồng. Trước khi hai người đến với nhau, anh đã một lần đổ vỡ hôn nhân và có con riêng với người vợ trước. Sau khi ly hôn, con trai anh sống cùng vợ cũ. Chuyện đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc của vợ chồng chị. Bởi họ sống rất hạnh phúc, sinh được hai đứa con gái xinh xắn, khỏe mạnh. Là những người hiểu biết nên vợ chồng anh chị vẫn hạnh phúc với một bề con gái.

Nhưng bố mẹ chồng chị thì không như vậy, đứa con riêng của anh đang sống cùng với mẹ bên ngoài là đứa cháu trai đích tôn của họ. Năm nào, họ cũng đón cháu về ăn Tết cùng. Mấy năm trước, hai đứa con gái anh chị còn nhỏ nên mọi chuyện không phức tạp, nhưng từ khi chúng lớn hơn một chút thì biết so sánh cách đối xử giữa cháu trai và cháu gái của bà nội. Việc coi trọng, yêu chiều thái quá đứa cháu đích tôn bên ngoài về ăn Tết cùng và xem nhẹ hai đứa cháu gái hàng ngày gần gũi bên cạnh đã khiến mấy đứa trẻ nảy sinh bất hòa với nhau. Chị muốn các con có sự đối xử công bằng, mấy lần góp ý với mẹ chồng nhưng bà luôn cho rằng chị ghét con riêng nên mới nhìn nhận sự việc quá lên. Việc bà yêu chiều cháu đích tôn hơn một chút cũng là lẽ thường tình.

Đã 2 năm nay, chẳng năm nào gia đình chị được đón Tết cùng nhau bình yên, vui vẻ bởi mâu thuẫn chuyện con riêng, con chung của anh. Đứa cháu đích tôn về ông bà nội ăn Tết giống như vua con trong nhà, chồng chị muốn bù đắp cho con trai sống xa lâu ngày mới đoàn tụ nên cũng làm ngơ trước mọi nỗi ấm ức của vợ con. Thậm chí nhiều lần anh còn vào hùa với mẹ, trách móc vợ ích kỷ không muốn chấp nhận con riêng của chồng, cố tình làm lớn chuyện. Mấy ngày Tết, hai đứa con gái chốc chốc lại ấm ức khóc vì bị anh trai bắt nạt, bị bà nội mắng oan. Còn chị, nhiều lần nuốt giận vào trong bởi sự hỗn láo của con riêng chồng.

Tết năm nay, mẹ chồng chị lại có kế hoạch đón cháu đích tôn về ăn Tết sớm hơn do con dâu cũ có kế hoạch đi du lịch Tết cùng với gia đình chồng mới. Nghĩ đến mấy ngày Tết đầy giông bão sắp tới, chị chán nản, không biết làm thế nào để mẹ con được đón Tết an vui.

Mỗi một câu chuyện được chuyên gia tư vấn gỡ rối một cách khác nhau, để họ tìm được cách giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý nhất. Tết là để đoàn tụ, sum vầy, gia đình chồng hãy thấu hiểu con dâu, giảm nhẹ bớt những phong tục Tết rườm rà, vất vả, tạo điều kiện con dâu được về ngoại sum họp với người thân. Bởi Tết nội hay Tết ngoại đều quan trọng như nhau. Tình cảm con cháu mới là thứ quý nhất, quà cáp dù nhỏ hay to không quan trọng. Bố mẹ đừng vì vật chất khiến con cháu không có điều kiện bị tổn thương. Và những đứa cháu, dù trai hay gái, con chung hay con riêng đều được đối xử bình đẳng như nhau. Chúng ta bao dung, chia sẻ với người ngoài, với xã hội được, vậy tại sao lại nỡ ích kỷ, khắt khe với tình thân của mình, để Tết không còn an vui.

Trong không khí Tết đang về, Tâm Giao kể ra những câu chuyện này để đâu đó trong cuộc sống, những gia đình nào đã và đang có hoàn cảnh tương tự hãy tự rút ra cho mình một cách ứng xử thấu hiểu người thân của mình hơn để gia đình có cái Tết đầm ấm yêu thương.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.