Nữ phi công gốc Việt: Khát khao chinh phục bầu trời

Chia sẻ

Cùng gia đình đến Mỹ theo diện nhập cư, bằng nghị lực và quyết tâm cao độ, Nguyễn Anh Thư đã vượt qua rất nhiều khó khăn để trở thành một trong số ít 6% phi công toàn cầu là nữ giới. Không những thế, Anh Thư còn đặt mục tiêu trở thành nữ phi công gốc Việt đầu tiên một mình bay vòng quanh trái đất.

Nữ phi công gốc Việt: Khát khao chinh phục bầu trời - ảnh 1

Thành công nhờ nghị lực

Hồi mới đến Mỹ, Anh Thư chỉ là đứa trẻ 12 tuổi, không biết tiếng Anh và gặp khó khăn trong hòa nhập văn hóa. Nhưng, Thư luôn nhớ lời dặn của bố, vốn là một hiệu trưởng ở Việt Nam rằng phải nỗ lực học thật giỏi vì chỉ có học mới giúp những đứa trẻ trong các gia đình nhập cư như cô thay đổi cuộc đời. Vì thế, chỉ sau hai năm, Anh Thư đã có thể học cùng các học sinh bản xứ mà không cần bất kỳ sự ưu tiên nào.

“Hồi đó, tôi lao vào học tới mức quên ăn, quên ngủ. Ngoài giờ học ở trường, tôi còn học tới 1, 2 giờ sáng”, Anh Thư nhớ lại. Cuối cùng, cô đã tốt nghiệp Thủ khoa bậc Trung học và được nhận học bổng học ngành Toán tại đại học Purdue, bang Indiana. 4 năm sau, cô lại nằm trong top 10 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của trường.

Quê gốc ở Phú Yên, tuổi thơ của Anh Thư gắn với việc ngắm nhìn những chiếc máy bay bay ngang bầu trời. Từ lúc nào, Anh Thư mơ ước mình sẽ trở thành phi công để điều khiển những “con chim sắt” giống như thế. Nhưng, giấc mơ của Thư không được người thân, bạn bè ủng hộ. Lý do học làm phi công rất khó, học phí lại cao, có thể lên tới 200.000 USD, vượt quá khả năng chi trả của gia đình cô. Mọi người khuyên Anh Thư hãy “an phận”, ra trường, tìm một công việc ổn định liên quan tới lĩnh vực Toán mà cô được đào tạo, sau đó lập gia đình, sinh con.

“Nhưng, tôi không thể chọn cách sống ấy. Lúc nào tôi cũng tự nhủ, nhất định tôi sẽ trở thành phi công. Kể cả giấc mơ của tôi “cô độc” vì không được ai ủng hộ, tôi vẫn sẽ một mình hiện thực hóa nó”- Anh Thư nói.

Thời gian đầu, Anh Thư đi làm gia sư Toán để tích lũy tiền đóng học phí học làm phi công vào hai ngày cuối tuần. Sau đó cô tranh thủ ôn bài vào các buổi tối của ngày đi làm. Một khóa đào tạo phi công có rất nhiều môn học khác nhau về khí động học, thời tiết, pháp luật, cách điều khiển máy bay… Môn học nào cũng khó và đòi hỏi những phi công tương lai không được phép quên bất kỳ kiến thức nào dù nhỏ nhất. Cùng với học lý thuyết, học viên còn phải bay thực hành đủ số giờ quy định. Sự khắc nghiệt trong quá trình đào tạo đã làm nao núng tinh thần của không ít người. Trung bình một năm, ước chừng có khoảng 1.500 người đăng ký học làm phi công thì ngay sau môn học đầu tiên, chỉ còn khoảng 5% trong số đó trụ lại. Riêng Thư vẫn luôn bền bỉ hoàn thành từng chứng chỉ đào tạo dù thời gian học liên tục bị ngắt quãng do cô phải gom góp tiền đóng học. Cho tới sau khi được nhận chứng chỉ lái máy bay tư nhân, Thư mới có điều kiện chuyển sang làm kỹ sư không gian cho hãng Boeing với mức thu nhập cao hơn để lại tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành phi công.

Cứ như vậy, tính tới lúc được tổ chức Federal Aviation Administration chính thức cấp bằng Phi công quốc gia, Thư đã mất hơn 10 năm. Trong khi đó, những học viên học tập trung chỉ học trong khoảng 2 năm là hoàn thành chương trình.

Ước mơ một mình vòng quanh thế giới

Đến nay, nữ phi công gốc Việt Nguyễn Anh Thư, nghiên cứu sinh ngành Kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Học viện Công nghệ Georgia, đã trải qua hàng ngàn chuyến bay xa gần khác nhau. Chuyến bay nào cũng đem lại cho cô niềm hạnh phúc, cảm giác mới mẻ. Tuy nhiên, Anh Thư ấn tượng nhất là chuyến bay đến San Francisco, khi ngang qua Bay Area, từ trên cao nhìn xuống thấy bức tranh thiên nhiên hoàn hảo với cảnh núi hùng vĩ, biển xanh trải dài mà Thư muốn rơi nước mắt vì xúc động. Lúc đó, cô bỗng liên tưởng tới cảnh sắc của Việt Nam mà cô từng được thưởng ngoạn trong những lần về thăm quê hương.

Nguyễn Anh Thư muốn ghi tên mình trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên và nữ phi công thứ 9 thế giới một mình lái máy bay vòng quanh thế giới để truyền cảm hứng cho các phụ nữ và trẻ em gái (ảnh: NVCC)Nguyễn Anh Thư muốn ghi tên mình trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên và nữ phi công thứ 9 thế giới một mình lái máy bay vòng quanh thế giới để truyền cảm hứng cho các phụ nữ và trẻ em gái (ảnh: NVCC)

Năm 2017, Anh Thư trở thành giảng viên bay xuất sắc của Hiệp hội Phi công và Người sở hữu máy bay (AOPA) tại Atlanta, Georgia. Điều khiến cô trăn trở là trong các khóa học mà cô giảng dạy, gần như vắng bóng các học viên nữ. Anh Thư nhớ lại ngay cả khi đã làm nghề, không ít lần cô phải nhận những ánh nhìn hoài nghi tại sân bay. Nhiều nhân viên an ninh sân bay không cho cô qua cổng dành cho phi công vì không tin một phụ nữ gốc Á nhỏ bé lại có thể là phi công. Chính điều này đã thôi thúc Thư thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Phụ nữ trong Vũ trụ và Hàng không” (WAA) nhằm phá vỡ định kiến về phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ gốc Á làm việc trong lĩnh vực hàng không.

Anh Thư còn đặt ra mục tiêu sẽ một mình bay vòng quanh thế giới với quãng đường ước tính khoảng gần 50.000 km. Trong chuyến bay này, cô sẽ đến 25 quốc gia, thuộc các châu lục để truyền cảm hứng cho các phụ nữ và trẻ em gái. Trong 25 quốc gia này, tất nhiên, không thể thiếu quê hương Việt Nam yêu dấu. Ủng hộ ý tưởng của cô, các hãng điện tử Crew Dog Electronics, BOSE đã đồng tý tài trợ kinh phí khoảng 1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng). Nhiều người cũng lập quỹ quyên góp ủng hộ cho hành trình của Thư trên trang GoFundMe. Nhờ đó, đến nay, Thư đã trang bị được một chiếc máy bay mang số hiệu N49BX của riêng mình. Thư cho biết, cô sẽ phải xin giấy phép, visa vào các nước, chuẩn bị nhiên liệu, bảo trì, chuẩn bị các điều kiện bay tốt nhất trước khi khởi hành chuyến bay (dự kiến tháng 5 năm 2021). Nếu hoàn thành chuyến bay này, Thư sẽ trở thành người phụ nữ thứ 9 và là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên trên thế giới một mình bay vòng quanh thế giới.

Anh Thư cũng bật mí về kế hoạch mở một trường đào tạo phi công riêng sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm sau, ngay khi cô hoàn thành ước mơ bay vòng quanh thế giới trở về. Điều đặc biệt, ngôi trường này sẽ dành sự hỗ trợ đặc biệt cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có đam mê trở thành phi công. Trong số đó, Thư mong muốn sẽ có thể hỗ trợ cho nhiều phụ nữ Việt Nam. “Việt Nam luôn là quê hương của tôi và tôi luôn muốn sẽ làm những gì tốt đẹp nhất để các chị thực hiện ước mơ”.

Nhiều lần về thăm quê hương nhưng Anh Thư vẫn chưa lần nào được đón Tết cổ truyền của dân tộc. Vì thế, đây cũng là một kế hoạch lớn nữa được Thư ấp ủ và lên kế hoạch để hiện thực hóa.

LAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.