Người luôn đau đáu với việc đưa văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Chia sẻ

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu vốn được biết đến như một con người của ngoại giao văn hóa, người luôn đau đáu với việc đưa văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Năm qua, trong dịch Covid-19, ông cùng các nhà ngoại giao Việt Nam ở khắp thế giới lại dồn sức cho việc bảo hộ công dân.

Đại sứ Sanh Châu luôn giới thiệu áo dài Việt Nam ra thế giớiĐại sứ Sanh Châu luôn giới thiệu áo dài Việt Nam ra thế giới (Ảnh: NVCC) 

Hành trình đưa người Việt về nước với Đại sứ Sanh Châu là những câu chuyện đầy cảm xúc của một năm lạ lùng, thử thách với nhân loại.

Gian nan đường bay thẳng

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu về thăm nhà vào cuối tháng 12/2020 trên một chuyến bay thẳng từ Ấn Độ. Đường bay thẳng này do ông dày công góp phần xúc tiến, mất gần một năm gặp gỡ các hãng hàng không Ấn Độ để vận động, mãi đến cuối 2019 mới được kết nối. Đường bay thẳng giữa hai nước là một trong những ưu tiên của Đại sứ Phạm Sanh Châu khi sang nhận nhiệm vụ ở Ấn Độ. Nhưng vừa khai trương thì dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, các nước lần lượt đóng cửa, giới nghiêm, cả Việt Nam và Ấn Độ cũng đều đóng cửa với các đường bay quốc tế. Vì thế, mãi đến cuối năm qua, lần đầu tiên Đại sứ Sanh Châu mới được trải nghiệm đường bay mà chính ông góp phần thiết lập nên.

“Tôi cảm thấy chuyến đi này thật vô cùng ý nghĩa. Đây là lần đầu tôi được bay thẳng. Chuyến bay chỉ mất hơn 3 tiếng rưỡi. Trước đây khi sang Ấn Độ phải quá cảnh ở Bangkok, cộng thêm cả thời gian chờ đợi có lẽ mất cả ngày, giờ tôi được bay thẳng, chuyến bay rất nhẹ nhàng” - Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.

Trên chuyến bay này, ông đưa khoảng hơn 50 người Việt bị kẹt ở Ấn Độ trở về nhà, gồm thuyền viên hết hạn hợp đồng lao động ở Ấn Độ và Sri Lanka, các sĩ quan quân đội hết hạn học tập tại Ấn Độ. Chuyến bay mà Đại sứ Phạm Sanh Châu về nước đó vẫn không phải một chuyến bay thương mại thông thường, mà là chuyến bay đặc biệt chở chuyên gia Ấn Độ sang Việt Nam trong bối cảnh dịch.

Trước đó, đã có 4 chuyến bay từ Ấn Độ đưa công dân Việt Nam về nước, những chuyến bay được Đại sứ Sanh Châu đặt tên theo các loài hoa. Nào là chuyến bay mang tên hoa kim tước - loài hoa rất phổ biến ở Ấn Độ, chuyến bay mang tên hoa đỗ quyên - quốc hoa của Nepal... Cả 4 chuyến bay đều được ông Sanh Châu gọi là “chiến dịch” - thực sự là một chiến dịch với tổ chức rất quy mô, vất vả. Việc sơ tán bà con từ Ấn Độ và các nước lân cận có điểm khó là bà con ở rải rác, từ các vùng xa xôi hiểm trở, đi lại lúc bình thường đã khó khăn, chưa nói lúc dịch thì mọi phương tiện giao thông công cộng đã đóng cửa. Vô số những cú điện thoại, những bức thư khẩn cầu từ bà con, những cuộc làm việc với phía bạn và trong nước để tổ chức chuyến bay, gia hạn visa, cứu trợ lương thực thực phẩm lúc cần… tất cả cán bộ Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán căng mình ngày đêm suốt hàng tháng trời.

Nghĩa đồng bào

“Người Việt ở Ấn Độ là nốt trầm so với nhiều địa bàn khác, nhất là ở Âu Mỹ” - Đại sứ Sanh Châu nói. Đây chính là dịp ông nhìn lại bức tranh toàn cảnh, đa dạng về người Việt đang mắc kẹt, hoặc đang sống ở Ấn Độ. Người giàu có, người nghèo có, người thành công có mà người bình dân cũng có. Nếu đã có câu chuyện hơn 100 gia đình Việt Nam có con du học ở một quốc gia phát triển, muốn thuê máy bay sang đó đón con về, như một ví dụ về “rich kid”, thì câu chuyện người Việt đang kẹt ở Ấn Độ rất tương phản và càng tìm hiểu sâu, càng lay động lòng người.

Đại sứ Sanh Châu đưa bà con người Việt trở về nước trong Covid-19.Đại sứ Sanh Châu đưa bà con người Việt trở về nước trong Covid-19.

Ở Ấn Độ, người Việt mắc kẹt chủ yếu là những người sang dự các khóa tu tập, học thiền, đi hành hương, các tăng ni phật tử, những người đã từ bỏ thế giới trần tục, người thì mất liên lạc với gia đình hàng năm trời... Hầu hết họ sống rất khiêm tốn, nhiều người rất nghèo, không có đủ tiền sinh sống đi lại, có những hoàn cảnh rất éo le. Đại sứ quán phải đứng ra vận động giúp đỡ bà con tá túc trong chùa Việt Nam tại Ấn Độ hay ngay tại Đại sứ quán trước ngày về nước, quyên góp mua một số vé máy bay nội địa và vé máy bay quốc tế về Việt Nam cho bà con

Bốn chiến dịch này đã đưa hơn 800 bà con mắc kẹt tại Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives về nước, đồng thời giúp đưa công dân Lào mắc kẹt tại Ấn Độ về Lào, và đưa công dân Ấn Độ tại Việt Nam về Ấn Độ. Trong danh bạ điện thoại của Đại sứ Sanh Châu, những cái tên người Việt đi kèm địa bàn nơi họ mắc kẹt, và vô số những tin nhắn gửi đến sau mỗi chuyến bay nói lời cảm ơn. Với ông và các cán bộ ngoại giao, việc bảo hộ công dân không chỉ là trách nhiệm, là công việc, mà còn là nghĩa đồng bào thiêng liêng lúc khó khăn nơi đất khách quê người.

Bí mật thót tim

Có một câu chuyện mà mãi khi về Việt Nam, ở trong khu cách ly, Đại sứ Sanh Châu mới kể, đấy là việc ông và một số cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ) cùng người thân của họ đã nhiễm Covid-19 hồi đầu tháng Chín.

“Lúc anh em cơ quan bị, tôi thực sự lo lắng. Lúc đó tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ khá cao, Ấn Độ đã trở thành một trong những nước đầu bảng về tử vong do Covid-19 trên thế giới. Thực ra chúng tôi đã tính trước các phương án, từ sắp xếp tài chính, khả năng thuê máy bay chở cán bộ về, đặt sẵn 4-5 giường trong bệnh viện để nếu có đưa người mình vào thì có giường, có máy thở, có thuốc. Đó là những ngày thót tim luôn”. – Đại sứ chia sẻ.

Tuyệt đối Đại sứ Sanh Châu và các cán bộ của ông không thông tin cho người quen bạn bè, chỉ báo cáo cơ quan ở nhà, và Bộ đã sắp xếp để có các buổi khám trực tuyến từ Việt Nam do bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và bệnh viện Bạch Mai thực hiện. Các bác sĩ hướng dẫn từng trường hợp một đo nhiệt độ, đo huyết áp, hỏi kỹ các triệu chứng, đưa ra phác đồ điều trị cho từng người. Rất may chỉ có một người phải vào bệnh viện và cuối cùng tất cả mọi người đều khỏi bệnh.

Về nước, Đại sứ Sanh Châu đi cách ly như mọi người ở Binh đoàn 11. Ông bảo, về đây mới hiểu đất nước bỏ ra nhiều nguồn lực công sức như thế nào để đón công dân về, mà nếu chỉ đọc báo, xem tivi thì sẽ không hình dung ra hết. “Các anh bộ đội đón tiếp, chăm sóc từng người về, từng bữa ăn, từng cữ đo nhiệt độ, từng nỗ lực nhắc nhở giữ gìn kỷ luật” – ông chia sẻ. Như vậy càng thấy việc đón người Việt từ nước ngoài trở về trong dịch đã thành một dấu ấn cho thấy vòng tay rộng mở bao dung và tin cậy của Tổ quốc, và thấy rằng mình đã được góp sức trong công cuộc đó như thế nào để càng cố gắng vượt qua khó khăn trong công việc. Năm qua, dù Covid-19, Đại sứ quán tại Ấn Độ cũng làm được nhiều việc, chẳng hạn như thúc đẩy hồ sơ xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại New Delhi, xây trụ sở mới, chỉ tiếc là du lịch, thương mại bị đình trệ.

Rất ý nghĩa trong chuyến về công tác này của Đại sứ Sanh Châu không chỉ là việc ông được trở về tham dự một sự kiện lớn của đất nước, mà còn là việc ông sẽ được gặp gia đình sau cả năm xa cách. Năm qua, đám cưới cô con gái mà cả gia đình đã chuẩn bị từ rất lâu trước đó, ông đã không về dự được. Những lời chúc mừng từ xa của ông gửi cho con gái tràn ngập những yêu thương, những kỷ niệm từ lúc cô còn nhỏ tới khi cô lớn lên, những chia sẻ với con trên những bước đường trưởng thành, những nuối tiếc của ông bố khi không được cầm tay con đặt vào tay chú rể. Công việc của cán bộ ngoại giao khắp nơi là như thế, thường xuyên vắng mặt cả những lúc gia đình cần họ nhất. Nhưng như Đại sứ Sanh Châu từng ví, ông, và các đồng nghiệp, là những người lính ngoại giao, luôn tận tụy phục vụ Tổ quốc và người dân, với tâm trí sáng suốt, bản lĩnh vững vàng, hành xử khéo léo và trái tim nhân ái. 

Việt Ân

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.