HĐBA lên án các hành vi bạo lực, tấn công và bắt cóc nhằm vào thường dân tại Haiti

Chia sẻ

Chiều ngày 22/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã họp trực tuyến thảo luận về tình hình tại Haiti và hoạt động của Văn phòng Phối hợp của LHQ tại Haiti (BINUH).

Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ, Trưởng Văn phòng BINUH Helen La Lime và Chủ tịch tổ chức Plurielles (Tổ chức đấu tranh giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh do phụ nữ trẻ lãnh đạo) Vivianne Roc đã tham dự và trình bày báo cáo của TTK LHQ tại cuộc họp. Tổng thống Haiti Jovenel Moise cũng được mời tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, các báo cáo viên đánh giá tình hình Haiti tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan bầu cử và sửa đổi hiến pháp. Dự kiến Chính phủ sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp vào tháng 4/2021 và tổ chức bầu cử vào tháng 9/2021.

Các báo cáo viên nhấn mạnh các vụ bạo lực, bắt cóc tống tiền của các băng đảng, nhóm tội phạm đang có dấu hiệu gia tăng, gây mất ổn định đến an ninh, xã hội.

HĐBA LHQ họp trực tuyến thảo luận về tình hình tại Haiti và hoạt động của Văn phòng BINUH.HĐBA LHQ họp trực tuyến thảo luận về tình hình tại Haiti và hoạt động của Văn phòng BINUH.

Các nước thành viên HĐBA nêu quan ngại về bế tắc chính trị giữa Chính phủ và các đảng phải chính trị đối lập trong tổ chức trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp và tổ chức bầu cử.

Các nước lên án các hành vi bạo lực, tấn công và bắt cóc nhằm vào thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đồng thời, đề nghị chính phủ và các đảng phái chính trị đối lập nỗ lực đối thoại để đạt được đồng thuận chính trị cho cuộc bầu cử sắp tới.

Các ý kiến đều đánh giá cao vai trò hỗ trợ của BINUH trong hỗ trợ Chính phủ Haiti đối thoại chính trị và cải cách hiến pháp. Các nước đề nghị cộng đồng quốc tế và các nước tiếp tục hỗ trợ Haiti giải quyết những thách thức hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà bày tỏ lo ngại về những khó khăn, bất ổn tại Haiti và lên án các hành vi bạo lực, bắt cóc tống tiền của các bang nhóm tội phạm gây bất ổn chính trị, xã hội tại Haiti.

Đại diện Việt Nam kêu gọi các bên tăng cường đối thoại, xác định thời gian bầu cử và xây dựng kế hoạch chuẩn bị tốt để các cuộc bầu cử diễn ra công bằng và minh bạch. Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước trong khu vực, tiếp tục ủng hộ tiến trình chính trị tại Haiti và hỗ trợ người dân Haiti khắc phục các khó khăn hiện nay.

Đại diện Việt Nam hoan nghênh BINUH triển khai các biện pháp hỗ trợ Haiti thời gian qua, tiếp tục đề nghị BINUH và Nhóm làm việc của LHQ xác định các biện pháp cụ thể hỗ trợ Haiti giải quyết các vấn đề bức xúc đặt ra, đặc biệt là công tác chuẩn bị bầu cử và những vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh cho người dân.

Văn phòng Phối hợp của LHQ tại Haiti (BINUH) được thành lập theo NQ 2476 (2019) ngày 25/6/2019, chính thức thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt (SPM) tại Haiti từ ngày 16/10/2019 và có hiệu lực trong 12 tháng. BINUH có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ Haiti thúc đẩy và tăng cường ổn định chính trị và quản lý nhà nước; hỗ trợ Chính phủ Haiti xây dựng và thực hiện bầu cử tự do, công bằng và công khai; tăng cường năng lực cho lực lượng Cảnh sát Quốc gia Haiti. Từ 2019 đến nay, HĐBA LHQ duy trì họp định kỳ 4 tháng/lần để nghe báo cáo về hoạt động của Văn phòng.

 HOÀNG PHONG

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.