Những thầy thuốc xuyên đêm truy vết, khoanh vùng, dập dịch

Chia sẻ

Dịch bùng phát, gác lại niềm vui, niềm hạnh phúc riêng, lực lượng chống dịch, nhất là y bác sĩ tuyến y tế dự phòng cơ sở và tuyến điều trị không quản ngày đêm“đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nỗ lực chăm sóc người bệnh… để xây dựng “thành lũy” phòng, chống Covid-19, bảo vệ sức khỏe và sự bình yên của người dân.

Y bác sĩ TTYT quận Thanh Xuân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.Y bác sĩ TTYT quận Thanh Xuân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Dốc lòng vì sức khỏe nhân dân

Ngày thứ 7, Chủ nhật đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, trong khi nhiều người được ở nhà thư giãn sau một tuần khởi động trở lại với công việc thì chị Lê Thu Luyến - cán bộ Phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân) vẫn có mặt tại cơ quan từ 7 rưỡi sáng; đến là bắt tay ngay vào công việc, chẳng một phút nghỉ ngơi. Không riêng hai ngày này mà từ mùng 5 Tết tới nay, khi người dân khắp các tỉnh/ thành phố, nhất là khu vực có dịch trở lại Hà Nội, chị Luyến và đồng nghiệp thường xuyên phải làm việc với công suất gấp đôi, gấp ba ngày thường.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long:

Vững tin vào thành công trong công cuộc chống dịch của Việt Nam

Năm 2020 là một năm dài đối với cả nước và ngành Y tế, từ mồng 3 Tết Canh Tý, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi “chống dịch như chống giặc”. Trong lịch sử ngành Y, chưa bao giờ có một năm dài như vậy, chưa lúc nào phải đối phó với căn bệnh lan nhanh như vậy. Tuy nhiên, chúng ta tự hào vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch tốt, vừa làm công tác điều trị tốt, nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống... Các thầy thuốc của chúng ta đã không kể ngày đêm, không kể khó khăn và gian nan đi đến mọi địa điểm có dịch. Từ Sơn Lôi, Hạ Lôi (Hà Nội) đến Bình Thuận, Đà Nẵng, rồi hiện nay lại đón Tết tại Hải Dương... Nhiều y bác sĩ, điều dưỡng đã gác lại công việc riêng, nỗi lo riêng để chăm sóc cho người bệnh, dẫu biết sự lựa chọn đó là gian khổ, rủi ro nhưng vì người bệnh nên đã nỗ lực, không quản ngại. Nhiều đồng chí đêm hôm đi chống dịch, đi truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm... Tất cả những nỗ lực đó đã làm nên một bản hùng ca rất tự hào của ngành Y tế. Chúng ta có sức chiến đấu, có ý chí mạnh mẽ, có sự thừa kế truyền thống tốt đẹp của ngành nên mặc dù lần này chúng ta đối đầu với một trận chiến khó khăn, nhưng tôi tin rằng chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

“Đợt cao điểm từ 18-21/2, Trung tâm phải huy động toàn bộ nhân viên tham gia phân luồng, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm... vì lượng người đến khai báo quá đông. Chỉ riêng trong ngày 20/2, mình cùng 4 cán bộ xét nghiệm, lấy mẫu cho gần 2.000 trường hợp đến từ Hải Dương, làm nhanh mà vẫn đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn”- tranh thủ giờ nghỉ, chị Luyến chia sẻ vội đôi điều về công việc của mình.

Là thành viên trong đội phản ứng nhanh của Y tế quận Thanh Xuân, ngay từ những ngày đầu có dịch Covid-19 đến nay, chị Luyến đã quen với việc bất cứ ngày hay đêm, lúc nào cũng ở trạng thái sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chẳng đâu xa, “hôm thứ 5 (ngày 18/2), 10h30 tối mình mới rời cơ quan, về nhà kịp ăn đúng bát cơm thì 11h30 nhận cuộc gọi báo trên địa bàn có trường hợp F1. Lúc ấy mình chỉ kịp nhắn với chồng, con vài câu rồi lên đường ngay. Đến khi xong việc, nhìn đồng hồ đã gần 2 giờ sáng”.

Vất vả là thế nhưng những “chiến sĩ khoác áo blouse” như chị Luyến chưa khi nào than phiền hay nản lòng. Bởi lẽ, với chị, đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là vinh dự cao cả. Càng hiểm nguy, càng vất vả anh em càng quyết tâm, nhiệt huyết. Tất cả vì sự bình an của người dân và xã hội.

Chẳng thế mà khi nói về các đồng nghiệp của mình, chị Huỳnh Thị Dung (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân) không khỏi nghẹn ngào: “Nhìn anh em làm việc, tôi thực sự cảm động và tự hào lắm. Những giọt mồ hôi, công sức cán bộ y tế dự phòng bỏ ra không phải vì quyền lợi, mà hoàn toàn là tinh thần, trách nhiệm, sự cống hiến vì nhân dân. Ai cũng sẵn sàng gác lại việc riêng để thực hiện nhiệm vụ chung”.

Không riêng chị Luyến, những ngày qua, cán bộ y tế quận Thanh Xuân và cả Hà Nội đều dốc lòng, dốc sức, nhiều đêm thức trắng để kịp thời truy vết, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. Nhớ lại những ngày trong Tết Nguyên đán, do xuất hiện trường hợp F0 nên khi người dân vui xuân, cán bộ y tế dự phòng vẫn bám trụ, phối hợp cùng ban ngành, đoàn thể xuống từng cụm dân cư, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, điều tra dịch tễ; nắm bắt người có triệu chứng, báo ngay cho cơ quan y tế; tiếp tục rà soát xem còn sót ai đi từ vùng dịch về nhưng không khai báo; phát hiện kịp thời những người nhập cảnh trái phép…

Chính từ sự nỗ lực không mệt mỏi ấy, Hà Nội đã từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Liên tiếp 6 ngày qua (tính đến 22/2), thành phố chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Trong một thời gian ngắn, toàn thành phố đã rà soát và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho 34.600 người về từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), 46.460 người về từ vùng dịch khác.

BS Toàn kiểm tra tình hình sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 trong phòng ICU (chăm sóc tích cực).BS Toàn kiểm tra tình hình sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 trong phòng ICU (chăm sóc tích cực).

Có lệnh là lên đường

Ths.BS Vương Xuân Toàn (khoa Hồi sức tích cực – bệnh viện Bạch Mai) là một trong số ít những bác sĩ thuộc thế hệ 9x đã 2 lần chi viện cho điểm nóng là Đà Nẵng và Hải Dương.

“Trong tâm thế sẵn sàng, ngay khi khoa Hồi sức tích cực có thông báo rằng bất kỳ địa phương nào cần hỗ trợ, các bác sĩ hãy đăng ký để lên đường chi viện, tôi đã xung phong đầu tiên. Đến ngày 6/2, tôi nhận được thông báo lên đường tham gia chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 2 ở Hải Dương” - BS Toàn kể.

Hôm ấy, tại Bệnh viện dã chiến số 2 có hai bệnh nhân nặng đang được đề nghị chuyển lên phòng ICU (chăm sóc tích cực) và thiết lập hoạt động luôn trong đêm hôm đó. 23h15’, ngay khi có mặt cùng một chiếc máy thở oxy dòng cao (HFNC), chàng bác sĩ trẻ bắt tay ngay vào thăm khám và lắp máy thở cho bệnh nhân. “May mắn, bệnh nhân đáp ứng tốt với máy thở và sức khỏe ổn định lên từng ngày”.

Xác định chống dịch như chống giặc và y bác sĩ chính là một người lính trên chiến trường chống giặc Covid-19, BS Toàn cùng đồng nghiệp luôn dốc sức chữa trị cho bệnh nhân.

Đêm 29 Tết (tức ngày 10/2), một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tim đập nhanh, huyết áp cao, khó thở và toàn thân tím tái.“Tôi đang điều trị theo những khuyến cáo của Bộ Y tế nhưng bệnh nhân diễn biến cực kỳ nhanh, buổi sáng chỉ có biểu hiện khó thở, đến chiều chỉ số oxy trong máu trung bình chỉ còn 60%, so với 95% của người bình thường, đây là con số vô cùng thấp. Tôi và ê-kíp đã túc trực, “trắng đêm” cùng bệnh nhân. Sau 6 tiếng cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, dần ổn định và đáp ứng tốt phác đồ điều trị”.

Cùng tham gia chi viện cho Hải Dương còn có BS Trần Thị Dung - cán bộ của bệnh viện Bạch Mai tăng cường, phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương.

“Sáng sớm 28/1, trong lúc chồng tôi đi làm nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng, chỉ có hai mẹ con ở nhà, nhận được tin công tác, tôi vội vã gọi con dậy vệ sinh cá nhân rồi đưa cháu đi học. Tôi hoang mang vô cùng không biết phải gửi con ở đâu, chồng tôi lại không thể ra khỏi đơn vị, tôi cũng không mang bất kỳ đồ đạc gì theo… hàng trăm câu hỏi hiện ra trong đầu tôi lúc bấy giờ. Cuối cùng, ông bà ngoại cách nhà tôi khoảng 30km ra đón cháu về chăm sóc, khi đó tôi mới yên tâm phần nào” - chị Dung bồi hồi nhớ lại ngày nhận được quyết định công tác ở Hải Dương.

Tối muộn ngày 28/1, chị Dung được tạo điều kiện quay về Hà Nội sắp xếp chút đồ dùng cá nhân để chuẩn bị bước vào cuộc “trường kỳ kháng chiến” chưa biết ngày về. Với chị đó là một buổi tối thật nhiều cảm xúc, vì để giữ an toàn cho người nhà, chị không thể gặp được ai để chào tạm biệt, một mình lầm lũi dọn đồ trong nỗi nhớ con da diết.

Tâm sự về chút nỗi niềm riêng ở hậu phương, chị Dung kể: “Từ ngày gửi cháu về ông bà, ngày nào mẹ con cũng trò chuyện qua video. Cháu cứ luôn miệng hỏi: Mẹ đang ở đâu đấy, tối mẹ về ngủ với con. Con kéo tay mẹ ngủ với con, mẹ kể chuyện cho con nghe đi…Thi thoảng đang gọi, con gái lại khóc nhớ mẹ, thế rồi mẹ khóc, con khóc, không thể kìm nén được cảm xúc. Con hỏi, mình chỉ biết động viên: “Mẹ đi Hải Dương bắt con virus, khi nào mẹ bắt được thì mẹ về với con”.

Nhớ con và gia đình nhưng ngày 7/2 (tức 26 Tết), khi cả đoàn công tác của bệnh viện Bạch Mai họp báo cáo tình hình để phân bổ lại lực lượng hỗ trợ cho các điểm nóng khác, chị Dung quyết định ở lại Hải Dương. Dù khó khăn, chị vẫn mong cùng đồng nghiệp cống hiến chút sức lực nhỏ bé với hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi và cả gia đình lại được đoàn tụ, đón một cái Tết “bù” ấm áp sau đó.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.