Đi lễ an toàn trong mùa dịch

Chia sẻ

Mùa lễ hội xuân Tân Sửu 2021, lời hẹn “đến hẹn lại lên” đã không được thực hiện khi hàng loạt lễ hội lớn, nhỏ đều dừng tổ chức nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngay những ngày đầu năm mới, lượng du khách tới các đền, chùa giảm mạnh.

Giao diện chùa online phục vụ người hành lễ trực tuyếnGiao diện chùa online phục vụ người hành lễ trực tuyến (Ảnh: minh họa)

Tham gia khóa lễ, cầu an bằng hình thức online

Chưa bao giờ câu nói “đi lễ an toàn trong mùa dịch” lại được tuyên truyền mạnh mẽ như bây giờ. Tại các điểm di tích trên địa bàn Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, từ 0h ngày 16/2, các di tích, cơ sở thờ tự đã đồng loạt đóng cửa nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Tại chùa Hương, từ trước khi có chỉ đạo chính thức đóng cửa di tích từ UBND TP Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức, BQL Khu di tích và danh thắng chùa Hương, BTC lễ hội đã thông báo rộng rãi về việc dừng đón khách về trẩy hội chùa Hương năm 2021.

Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cũng chia sẻ, mặc dù việc dừng tổ chức các hoạt động của lễ hội và không đón tiếp du khách sẽ khiến cho nhân dân địa phương chịu thiệt hại về kinh tế nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, quyết định dừng đón khách vào thời điểm này là cần thiết. Qua đó, UBND huyện đã thành lập 9 chốt trực với các lực lượng chức năng được bố trí từ khu vực đường giao thông trung tâm xã Hương Sơn vào đến bến Thiên Trù, ứng trực 24/24 giờ, có trách nhiệm thông báo cho người dân biết việc dừng tổ chức lễ hội; đồng thời kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình đưa khách đi “chui” vào trong chùa Hương.

Ghi nhận tại các địa điểm như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Bộc, đền Bia Bà, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh… đều đồng loạt đóng cửa. Tại di tích Gò Đống Đa, UBND quận Đống Đa cũng niêm yết công khai quyết định dừng tổ chức lễ hội 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021).

Thay bằng việc trực tiếp đến di tích, người dân có thể tham gia các khóa lễ, cầu an thông qua hình thức online tại các trang web... Đây là hình thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích người dân, Phật tử thực hiện để phòng, chống dịch Covid-19.

Tìm kiếm cơ hội vượt khó

Lễ tại tâm. Có lẽ cũng chưa khi nào hình dung về một khái niệm thực hành nghi lễ trong một bối cảnh dịch bệnh lại trở nên rõ ràng như vậy. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nhận thức rõ sẽ giúp mỗi người dân có tinh thần tốt hơn, thoải mái và nhẹ nhàng hơn trước những khó khăn như dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Về phía các di tích, việc buộc phải đóng cửa không đón khách vào đúng mùa cao điểm lễ hội hằng năm thực sự đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Bài toán biến khó khăn thành cơ hội, tập trung triển khai các kế hoạch dài hơi, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại… đang là giải pháp được nhiều di tích hướng đến.

Đơn cử, tại Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau khi đóng cửa di tích theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Trung tâm đã tiến hành tập trung dọn dẹp, chỉnh trang, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Thời gian này, Trung tâm tranh thủ việc tạm dừng đón khách để tập trung cho việc nghiên cứu trưng bày trường Quốc Tử Giám, phục dựng các sinh hoạt tại trường, dự kiến ra mắt công chúng vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng công nghệ để số hóa 3D hệ thống bia tiến sĩ tại đây nhằm vừa nâng cao hiệu quả lưu trữ, vừa phát huy giá trị rộng rãi.

Tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, trong thời gian tạm dừng đón khách, trung tâm tập trung nghiên cứu chuyên sâu các nghi lễ, nghi thức cung đình để phục vụ khách tham quan, xây dựng sản phẩm du lịch đêm để ra mắt trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó là các hoạt động tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên; cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ, nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng dịch… cũng sẽ được triển khai trong thời gian này.

Với quan điểm không thụ động ngồi chờ, BQL di tích làng cổ Đường Lâm tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương; Bảo tàng Hà Nội cũng sử dụng thời gian đóng cửa để đẩy mạnh làm việc trực tuyến giữa các chuyên gia trong nước, đơn vị tư vấn thiết kế với các chuyên gia bảo tàng tại Pháp về nội dung trưng bày.

THẢO MỘC

Tin cùng chuyên mục