Tìm về hạnh phúc

Chia sẻ

“Cây đào nhà mình năm nay nở sớm, bông mẩy, cánh dày, như bà nội con vẫn nói thì năm mới nhà mình chắc có niềm vui mới”. Nghe mẹ hồ hởi vậy, Chiến thấy như có gì đó xôn xao trong tim. Anh quay đi, tránh không muốn mẹ nhìn thấy con trai đang ứa nước mắt...

Vượt qua bất hạnh, tìm thấy hạnh phúc

Nhiều năm rồi, Chiến không về nhà ăn Tết. Đơn giản là trong trái tim anh vẫn còn một nỗi ẩn ức, nỗi ẩn ức từ quá khứ đè nặng trái tim non nớt của anh từ ngày thơ bé. Có thời gian dài anh thấy hận bố mẹ. Tại sao bố mẹ lại bỏ rơi anh? Tại sao? Câu hỏi ấy nhiều năm xoáy trong lòng anh, không lời đáp. Đợt Tết bà nội gọi điện thoại, giọng bà yếu ớt, bà đã ngoài 80, lại ốm, bà mong cháu trai duy nhất của bà về nhà đón Tết, “để bà được nhìn thấy con cười, vui và tươi như dạo con lên sáu tuổi! Biết đâu những cái Tết khác không còn có bà nội trên đời nữa...”. Nghe câu nói và mong ước của bà, Chiến quyết định hủy bỏ tour cùng bạn bè “du lịch núi rừng đón năm mới với đại ngàn”. Anh xách balo về nhà.

Hơn 20 năm trôi qua rồi, nhưng câu hỏi “Tại sao bố mẹ lại bỏ rơi mình?” luôn xoáy trong lòng Chiến. Khi đó Chiến vừa tròn 6 tuổi, bố mẹ bận rộn đi vắng suốt ngày và Chiến do một tay bà nội chăm sóc. Còn nhớ, hôm đó sinh nhật 6 tuổi của Chiến, bỗng được bố mẹ tổ chức khác thường, cậu bé nhận được rất nhiều quà của bố, của mẹ, kèm theo những lời chúc khá “bí hiểm”: “Con trai mẹ từ hôm nay đã trưởng thành! Con nhất định phải thành đạt, hạnh phúc, con nhé!”; “Con trai bố từ nay sẽ là một người đàn ông vững bước trên đường đời!”... Đầu óc non nớt của cậu bé lúc đó đâu có hiểu những câu chúc như vậy của người lớn. Cậu chỉ thấy vui mừng vì nhận được nhiều món quà hấp dẫn từ bố mẹ, như là chiếc ô tô máy xúc, chiếc xe cảnh sát hú còi, và nhiều chú gấu bông xinh xắn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chiến đâu có ngờ, chỉ ít hôm sau ngày sinh nhật 6 tuổi, bố cậu dắt con ra bến ô tô, xách theo vali và đồ chơi lỉnh kỉnh mà cậu mới được tặng, đưa cậu đến một nơi xa lắc xa lơ. Ở đó cậu được bố bàn giao cho người quản lý một trường học nội trú. Rồi mặc cho cậu khóc ngất đi, đòi theo bố về nhà, nhưng bố cậu vẫn bỏ ra về, để con lại cho người quản lý. Từ đó, Chiến ở nội trú như các bạn nhỏ khác, ăn, ngủ, học... đều do nhà trường quản. Ngày nào Chiến cũng khóc đỏ mắt, mong bố hoặc mẹ đến đón về nhà. Nhưng không ai đón cả. Các bạn ở trường đã quen thì chê cậu là “mít ướt”. Cô quản lý học sinh thì động viên “Con cố ngoan, ăn khỏe, học giỏi, thì sớm được bố mẹ đón về”. Nhờ câu động viên đó của cô quản lý mà Chiến đã nỗ lực vượt lên, cậu nghĩ: “Mình phải ngoan, phải học thật giỏi, để bố mẹ tự hào thì mình mới được về nhà!”.

Bởi thế, cậu không bao giờ tranh đồ chơi với các bạn, kể cả những món đồ chơi đắt tiền của cậu cũng bị các bạn lớn hơn bắt nạt lấy mất, nhưng cậu không “chiến” lại. Cậu lặng lẽ chấp nhận hoàn cảnh mới, chỉ tập trung sao học thật giỏi. Kết quả học của cậu bao giờ cũng xuất sắc. Nhưng mỗi năm bố mẹ cũng chỉ đến thăm cậu 1-2 lần, mỗi lần thăm chỉ có một lát là bố mẹ vội vã về. Chiến lại càng ép mình phải nỗ lực hơn nữa. Cậu muốn được về nhà, học giỏi và thành đạt là con đường sớm nhất đưa cậu về lại ngôi nhà tuổi thơ thân thương.

Cuối cùng thì cậu cũng rời mái trường nội trú đó để vào đại học. Cậu lại ở nội trú, và vẫn phấn đấu học thật giỏi, nhưng là để chứng minh cho những người hàng xóm xì xào trong mấy lần nghỉ hè cậu được bố mẹ đón về nhà chơi, rằng: “Bố mẹ mày bỏ rơi con trai, có khi họ chỉ yêu con em gái mày hay là họ ích kỷ chỉ lo làm giàu, lo thăng tiến?”. Cuối cùng thì cậu lại tốt nghiệp ĐH loại giỏi và được học bổng nước ngoài học cao học. Xong cao học, cậu lại có học bổng 100% học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng cậu quyết định về nước vào làm giảng viên một trường ĐH. Cậu muốn về nước để tìm câu trả lời từ bố mẹ xem vì sao lại bỏ rơi đứa con trai duy nhất này? Đã mấy năm trôi qua, câu hỏi vẫn không được ai trả lời. Công việc ào ào cuốn đi, Chiến dần thấy tình cảm mà cậu dành cho bố mẹ ngày như càng vơi bớt.

Nhiều năm học ở nước ngoài, cậu cũng quên dần việc đón Tết ở quê hương. Vả lại trong lòng cũng có gì đó lạnh lẽo, trống vắng. Thế nhưng áp Tết, bỗng bà nội gọi điện về đón Tết với bà, Chiến lại thấy trái tim mình rưng rưng một cảm xúc kỳ lạ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Về nhà, Chiến nhìn cây đào cội già đã hơn 50 tuổi nhưng cành vẫn vươn cao, hoa nở rực rỡ ngay trong mảnh sân nhỏ hẹp, bỗng lòng anh thấy ấm áp lạ thường. Anh chợt nghĩ: “Những gì bố mẹ đã làm và anh đã phải trải qua, có cần phải tìm câu trả lời, có cần phải theo đuổi mãi một câu hỏi?”. Anh quyết định, sau Tết, anh sẽ lại ra nước ngoài học tiến sĩ để đáp ứng tiêu chuẩn cho công việc giảng dạy ĐH lâu dài, và sẽ đưa cô gái anh yêu về ra mắt bà và bố mẹ. Hạnh phúc chính là từ những yêu thương giản dị, chân thành của tình ruột thịt, đâu cần phải rạch ròi hỏi vì sao này, vì sao kia?”...

“Có qua hoạn nạn mới hiểu thấu lòng nhau”

Chị Bình đau đớn nhớ mãi ngày phải “bí mật” dắt con trốn khỏi ngôi nhà hạnh phúc xưa, thuê nơi ở khác, tránh xa người chồng bỗng trở nên vũ phu do làm ăn thua lỗ.

Khi ngỏ lời yêu rồi cưới Bình, anh Hòa là một doanh nhân sớm nổi. Tình yêu mà 2 người dành cho nhau cũng chân thành, đẹp đẽ như tuổi trẻ vốn nồng hậu, nhiệt thành. Khi có con trai đầu lòng, vợ chồng Bình mừng lắm, hẹn nhau khi cu tý được 5 tuổi thì sẽ sinh thêm, nếu được cô con gái thì tốt, cho có anh có em. Thật không ngờ, do Hòa quá cả tin trong làm ăn, anh đã nhận lời tham gia một dự án bất động sản rất lớn với chị kết nghĩa tên Thảo, kết cục bị lừa. Hai vợ chồng không chỉ trắng tay, mà còn làm mất gần 30 tỷ đồng bao gồm vốn vay và vốn của những thành viên công ty cùng tham gia dự án. Thế là lãi mẹ đẻ lãi con, vợ chồng Bình đã phải bán nhà để trả, nhưng chỉ trả được một phần cho người ngoài, còn anh chị em ruột và họ hàng 2 bên thì không thể có để trả. Thế là các anh chị em ruột bên nhà Hòa xông vào đòi nợ 2 vợ chồng. Ban đầu để cho êm thấm và giữ tình cảm ruột thịt, Hòa nói vợ vay tín chấp tại một số ngân hàng mà Bình có mối quan hệ tốt từ khi công ty còn ăn nên làm ra.

Nhưng tiền vay lãi để trả lãi, thì sao có thể giải quyết được gốc. Thế là 2 chị gái Hòa đến ăn ngủ luôn tại nhà vợ chồng Hòa để... đòi nợ. Lý do là các chị cũng cầm nhà vay ngân hàng để góp vốn với em, nay đến hạn không trả thì ngân hàng siết nhà. Nhà thuê đã chật chội, nay lại thêm người nhà và chủ nợ kéo nhau đến ăn cùng, ngủ cùng, rồi khóc lóc, rồi chửi bới vì vợ chồng Bình không trả nợ, khiến cho Bình và Hòa đều căng thẳng đến long cả óc. 2 vợ chồng chạy ngược chạy xuôi vay giật tứ tung cũng không vay đâu thêm được tiền. Thế là ông anh rể nhà Hòa nổi điên, đánh Hòa đến mức phải nhập viện.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tình thế căng thẳng như vậy thì Hòa lại đổ hết lỗi cho vợ: “Tại cô không biết tính toán, tại cô vay nặng lãi, nay mới bị lãi mẹ đẻ lãi con”. Bình uất ức cãi: “Tại anh yêu cầu tôi huy động vốn gấp cho anh góp vốn làm ăn, bảo anh làm nhỏ thôi thì anh không nghe, chê tôi là đồ đàn bà chỉ biết bàn lùi. Rồi anh bị lừa, anh lại hô tôi vay khẩn cho anh trả bớt nợ nóng. Giờ anh đổ lỗi cho vợ. Đàn ông thế có đáng mặt không!”. Bốp! Hòa nổi nóng xông vào đánh vợ. Thế rồi cái tát đầu tiên trong cuộc đời làm vợ đã xé rào cho những trận đánh mắng tiếp theo, nhiều hơn cơm bữa. Vì từ khi xảy ra sự việc vỡ nợ, nhà Bình làm gì có thời gian mà nấu cơm. Còn đâu những bữa ăn vui cười ấm áp, càng không còn những bữa tiệc sinh nhật 3 thành viên trong tổ ấm. Nhưng những trận đòn thượng cẳng chân hạ cẳng tay của Hòa xảy ra bất cứ lúc nào anh nổi nóng hoặc quá căng thẳng, đã khiến Bình ghê sợ mỗi khi nhìn thấy chồng. Bình quyết định bí mật thuê một căn hộ nhỏ, lặng lẽ đem một số quần áo và vật dụng tối cần thiết, rồi cô dắt theo con trai bỏ trốn... chồng.

Tẩu thoát thành công rồi, cô mới nhắn tin cho Hòa thông báo cô đã đưa con đi vì không thể để con nhỏ chứng kiến bố đánh mẹ và bố mẹ suốt ngày bị chủ nợ chửi mắng. Những ngày đầu thì Hòa cũng lồng lộn lên đòi vợ phải đưa con trở về. Bình kiên quyết không quay lại. Nhưng cô vẫn âm thầm giúp chồng, cô tìm cách bán dần một vài nhà đất đầu tư nhỏ lẻ, lấy tiền trả cho các chị gái chồng. Cô đi gặp các chủ nợ, trả cho họ mỗi người một ít, rồi thương thảo với họ bình tĩnh, từ từ cho vợ chồng cô nghĩ cách giải quyết. Cuối cùng thì cách Bình “rút củi đáy nồi” cũng thành công. Mọi người không ồn ào đòi nợ, cũng không đến ăn ngủ vạ vật tại nhà của Hòa nữa.

Sau một thời gian Hòa bình tâm lại, anh tiếp tục điều hành việc kinh doanh ở các dự án khác thành công. Hòa dần trang trải bớt nợ nần và lấy lại bản lĩnh, phong độ. Anh chợt ngẫm nghĩ về công lao và tình cảm của vợ, thấy nhớ con ghê gớm. Anh ngồi vào máy tính viết một bức thư dài, đó là “Thư xin lỗi vợ yêu”, gửi vào zalo của vợ. Bình đọc bức thư, rơi nước mắt xúc động trước những lời lẽ chân thành, hối lỗi và lời hứa của Hòa sẽ không để bất cứ nỗi khổ nào mà vợ con phải gánh chịu nữa. Tuy vậy, Bình vẫn sợ, cô chưa quên những ngày tận cùng đau khổ vừa trải. Cô không muốn quay lại cảnh đó nữa. Cô chấp nhận ở vậy nuôi con.

Sáng Chủ nhật, áp Tết, đã lâu lắm Bình mới tự cho phép mình ôm con “ngủ nướng”. Bỗng cô giật mình nghe tiếng bước chân quen thuộc. Hòa đến. Tay ôm một bó hoa hồng màu hồng phấn, loài hoa mà Bình thích nhất. Hòa giơ bó hoa vẫy vẫy ngoài song cửa sổ, gọi khẽ “Em yêu ơi”, y như hồi cô mới nhận lời yêu của anh vậy...

Thế rồi, cuối cùng họ đã có một cái Tết đoàn viên sau hơn 2 năm hoạn nạn tưởng đã mất nhau. Những ngày Tết êm đềm, Hòa khe khẽ hát: “Có qua cơn hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau”...

TRẦN HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.