“Thần dược” của bà

Chia sẻ

Bà tôi không phải là dược sĩ, bác sĩ, nhưng, trong nhà bà luôn có một chai “thần dược”. Hễ cháu nào mắc bệnh, bà lại lôi chai “thần dược” đó ra rồi tẩn mẩn chữa cho cháu. Bà luôn tin, “thần dược” sẽ giúp các cháu của bà khỏe mạnh trở lại.

Chúng tôi gọi đó là “thần dược” vì nó có thể chữa được bách bệnh. Còn thực ra, “thần dược” của bà đơn giản là rượu ngâm với một loại lá cây hái trong vườn ở quê. Bà tỉ mỉ ngồi nhặt, rửa sạch từng cọng lá, thân cây rồi bỏ vào một chiếc lọ thủy tinh to, đổ đầy rượu vào. Xong việc, bà tỏ ra rất mãn nguyện cứ ngắm mãi thành quả rồi bảo: “Vậy là từ nay bà yên tâm rồi. Lọ thuốc này quý lắm các cháu ạ. Thuốc tốt mà chẳng có phản ứng phụ vì được ngâm từ lá trong vườn nhà. Ngày trước, bố mẹ của bà cũng toàn chữa bệnh cho bà từ loại lá cây này đấy”.

Bà để lọ “thần dược” ở một nơi cao vì sợ các cháu chạy qua chạy lại sẽ làm vỡ lọ thuốc quý. Sau mấy tháng, nước trong lọ bắt đầu ngả sang màu vàng óng ánh, bà tấm tắc vậy là “thần dược” có thể sử dụng được rồi.

Từ đó, hễ cháu nào có vấn đề gì về sức khỏe, bà lại mang“thần dược” ra điều trị. Cháu bị viêm da, bà bôi một lớp “thần dược” lên tay cháu, quả quyết là bệnh sẽ khỏi. Rồi bà còn chắt “thần dược” sang một chai nhỏ, đưa cháu mang về nhà. Bà dặn, cứ đôi tiếng là cháu lấy “thần dược” ra bôi một lần. Độ tuần sau, cháu sang chơi nhà bà nội. Việc đầu tiên của bà là kiểm tra xem tay cháu thế nào. Thấy đôi tay đã mịn màng, bà cười: ”Đấy, quả nhiên là nhờ thuốc tốt của bà”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cháu mải chơi đá bóng, bị ngã, sưng ở đầu gối. Tất nhiên, bà nội lại dùng thần dược xoa bóp chân cháu. Bà kể, bà cũng từng bị ngã tím ở tay, nhờ có “thần dược” mà vết tím cũng bay mất. Rồi bà chìa tay mình ra cho cháu làm chứng, quả nhiên, trên tay bà không có vết tích gì của vụ ngã cả.

Lần khác, cháu đau răng, bà liền pha loãng “thần dược” rồi cẩn thận bôi bên ngoài má cháu. Trong mắt bà ánh lên niền tin rằng “thần dược” của bà tốt hơn mọi thứ thuốc trên đời, sẽ giúp cháu “giết chết” con sâu răng. Rồi cháu bà sẽ không còn phải nhăn nhó, đau đớn nữa.

Cứ như vậy, bà nội đã trở thành y bác sĩ của cả đại gia đình từ lúc nào. Hễ con, cháu nào mắc bệnh lại tìm đến bà để được bà mang “thần dược” ra chữa cho. Phản hồi sau đó là các cháu đều lành bệnh nên bà càng thêm phấn khởi.

Chỉ có một điều mà bà không biết, đó là sau khi chữa bằng “thần dược” của bà, các cháu đều lần lượt được bố mẹ đưa đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tại các bệnh viện tư vấn, điều trị. Vì thế, khả năng bệnh của các cháu được chữa khỏi là nhờ có thuốc đặc trị nhiều hơn.

Nhưng không sao, đó là bí mật của riêng các cháu thôi. Thực lòng, cháu nào cũng thích thú được bà chữa và đều công nhận bệnh khỏi là nhờ “thần dược” của bà. Chai thuốc tưởng chừng rất bình thường, có thể không có nhiều công năng nhưng lại đã trở thành thần dược khi được gửi vào đó tất cả tình cảm, sự yêu thương của bà dành cho các cháu. Là con, cháu, chúng tôi đều hạnh phúc, tự hào vì có bà trên đời này.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.