Tiết xuân Hà Nội còn mãi

Chia sẻ

Dù ngược xuôi, tất bật, người Hà Nội cũng không bao giờ quên cúi đầu thành kính trước các bậc tiền nhân khai thiên lập quốc, trước đức Phật từ bi và ông bà tổ tiên để cầu mong tâm an, thanh thản.

Mỗi miền đất, mỗi địa danh nơi ta đi qua và ở lại, nơi dung dưỡng ta những tháng ngày dù dài lâu hay mỗi chốc cũng đều đọng lại những dư vị đặc biệt của đất và người. Tất cả như cóp nhặt tạo ra cái tổng hòa để làm hành trang cho mỗi con người. Hà Nội cũng vậy, miền quê này có ý nghĩa đặc biệt hơn bởi là trái tim của Tổ quốc, nơi chắp cánh ước mơ cho biết bao người đi dựng xây quê hương từ Bắc chí Nam, cũng là nơi gieo niềm tin và hy vọng cho người ở lại bồi đắp nên một Thủ đô ngày càng văn minh, giàu mạnh. Hà Nội, bởi vậy luôn đọng lại trong trái tim mỗi người dân Việt Nam theo những cách thức rất riêng, và tôi cũng vậy.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
                          (Chế Lan Viên)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Bởi với mỗi người, Hà Nội lại có cách cuốn hút rất riêng, có khi là lối kiến trúc pha trộn đậm chất Pháp cổ hòa quyện cùng kiến trúc đương đại, có khi là văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng năm châu, có khi lại là con người Hà thành hiếu khách, tinh tế và nhiều nhiều hơn thế. Với tôi, Hà Nội lắng đọng lại những dư vị đặc biệt về tiết trời với những đặc trưng riêng có của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Những ngày này, Thủ đô đang bước vào những ngày đông để ấp ủ, thai nghén trong đó nhựa sống căng tràn, chực chờ ngày bung tỏa khi tiết xuân sang.

Hà Nội vào xuân đặc biệt lắm! Cả đất trời và lòng người như cuộn tròn lại, được bao bọc trong cái se lạnh còn vương lại của mùa đông, thi thoảng phảng phất những làn mưa bụi như động lực hùn đẩy con người xích lại gần nhau hơn, gác lại cái bộn bề, hối hả của cuộc sống ngoài kia. Hà Nội vì thế luôn ấm áp tình người. Tiết xuân của đất trời luôn có ý nghĩa biểu tượng cho những khởi đầu mới, biểu tượng cho sự phát triển, sinh sôi. Với Thủ đô ngàn năm văn hiến, ta càng cảm nhận được rõ nét trạng thái sục sôi nơi từng góc phố, từng căn nhà, từng con người.

Tiết xuân Hà Nội thật biết cách làm vấn vương lòng người! Để mỗi lữ khách đến và đi hay ở lại đều chẳng thể quên. Tất cả đều toát ra từ “sắc xuân” và “khí xuân” riêng có ở nơi này. Hà Nội rộng lớn là thế, quanh co là thế, cũng tấp nập nhộn nhịp là thế, nhưng “sắc xuân” của Thủ đô như quy tụ cả vào những gánh hàng hoa. Để cảm nhận sắc xuân của Hà Nội có lẽ không ai là không biết đến những con phố “lộc xuân” nổi tiếng. Nơi đó, nhà nối nhà những sắc thắm của hoa Tết và cây cảnh. Đó là chợ hoa Hàng Lược, phố hoa Thụy Khuê, con đường ngập tràn sắc đào hương quất Lạc Long Quân, hay chợ hoa Quảng Bá, vườn hoa Tây Tựu, vườn đào Nhật Tân… đều là những địa danh nổi tiếng của không chỉ người mua kẻ bán mỗi dịp Tết đến xuân về mà còn là điểm đến của những người yêu sắc xuân Hà Nội, muốn trải nghiệm và ngắm nghía vẻ đẹp của muôn cây và hoa, lưu lại cho mình những bức hình về Thủ đô, để rồi tình yêu về nơi này cứ thế đong đầy mỗi độ xuân sang.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sắc xuân Hà Nội còn đặc biệt nơi những gánh hàng hoa. Những phố nhỏ, ngõ nhỏ còn đọng lại hơi thở của thời gian, từng gánh hoa xuân vẫn bung tỏa khắp nẻo đường, mang hương sắc của mùa xuân đến với từng nhà, mang theo cả hy vọng về cuộc sống tương lai đủ đầy hơn, ấm áp hơn. Ở nơi đây, không khó để ta bắt gặp những gánh hoa nhỏ trên đôi vai gầy của người phụ nữ vẫn rảo bước rong ruổi khắp con ngõ, hay những chiếc xe đạp chở hoa thô sơ nhưng thật khéo léo chuyên chở đủ những sắc màu tươi tắn, ngát hương. Nào cúc vạn thọ vàng óng, thược dược, đào phai, hồng môn… Mùa nào thức ấy, có khi lại là những chùm hoa bưởi trắng tinh khôi, thơm ngào ngạt đầu phố. Có ai mà không nhớ, không thương, không ngoái nhìn khi bắt gặp những gánh hoa như thế. Bởi thế, xuân Hà Nội đâu có ở một nơi, xuân đến với từng nhà, hòa vào cùng nhịp sống không ngừng chảy của phố phường.

“Khí xuân” Hà Nội cũng rất đỗi đặc biệt, vừa thân thuộc tự hôm nào lại vừa mới mẻ như vừa đây thôi. Tất cả được bao trọn ở những làng nghề truyền thống, quanh năm tất bật với những sản vật gia truyền. Đặc biệt, vào dịp cận Tết thì không khí sản xuất ở các làng nghề lại khẩn trương hơn, hối hả hơn. Đây cũng là nét đặc trưng hiếm có của Thủ đô, nơi quy tụ nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước, như: Làng miến Cự Đà, làng bánh chè lam Thạch Xá, làng lụa Vạn Phúc, làng Cót chuyên làm đồ mã… Ngoài việc vẫn còn lưu giữ được những giá trị truyền thống trong sản xuất, các làng nghề còn không ngừng phát triển, mở rộng theo hướng chuyên môn hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho người dân Thủ đô mà còn tỏa đi muôn nơi trong và ngoài nước.

Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, các làng nghề đều tập trung tối đa nguồn lực sản xuất, mang tinh hoa của địa phương hòa vào văn hóa ẩm thực đặc sắc của Thủ đô. Không những thế, du lịch làng nghề tại Hà Nội đang trên đà phát triển, trở thành những địa điểm du xuân, trải nghiệm văn hóa thu hút khách du lịch gần xa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Giữa Thủ đô hào hoa, tráng lệ và nhộn nhịp, ta vẫn có lúc cảm nhận được không gian như đọng lại, thời gian như chùng chình. Đó chỉ có thể là Hà Nội trong không gian tĩnh mịch, thiêng liêng với văn hóa tâm linh, về nguồn của con người. Có lẽ ít có Thủ đô nào trên thế giới lại có nhiều không gian thờ cúng như Hà Nội. Đền, chùa, miếu trở thành những địa điểm sinh hoạt tâm linh không thể thiếu trong nếp sống của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt vào những dịp cận Tết cuối năm và đầu xuân năm mới. Tết đến xuân về cũng là thời điểm muôn người kết thúc lại một năm lao động vất vả, khởi đầu cho một năm mới bình an. Bởi thế, dù ngược xuôi, tất bật, người Hà Nội cũng không bao giờ quên cúi đầu thành kính trước các bậc tiền nhân khai thiên lập quốc, trước đức Phật từ bi và ông bà tổ tiên để cầu mong tâm an, thanh thản.

Thế mới thấy, thứ làm ta quấn quýt với tiết xuân Hà Nội không chỉ là “Sắc xuân”, “Khí xuân” mà còn là văn hóa tâm linh đậm chất Á Đông, nhưng lại được thi triển một cách rất riêng, rất “Hà Nội”. Đó là sự hòa trộn và đa dạng của văn hóa tâm linh, sự kết tinh của những giá trị Nho - Phật - Đạo được người dân Thủ đô lưu giữ với lòng thành kính vô bờ.

Cuộc sống luôn chảy trôi không ngừng, quê hương đất nước đang từng ngày đổi mới và phát triển. Song, Hà Nội - Trái tim của cả nước, nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi vẫn luôn ở đó. Không chỉ là trung tâm tài chính - kinh tế của cả nước mà còn là trung tâm văn hóa, giáo dục. Mỗi mùa xuân mới đến, lòng người lại xao xuyến, rạo rực hướng về thủ đô cũng như muôn trái tim của thủ đô hướng về đồng bào cả nước, để mùa xuân của Hà Nội cũng chính là mùa xuân của cả nước. Bước chầm chậm trên con phố Phan Đình Phùng xào xạc xác lá, tôi thấy trong rét mướt những mầm xanh của hàng sấu già đang trổ lên mạnh mẽ - Xuân đã về Hà Nội ơi! Quả đúng là “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

Hà Nội, ngày 27/12/2020
PHẠM HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.