Sau Tết, hoa tươi giảm giá mạnh, nhà nông thất thu

Chia sẻ

Sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, nhu cầu hoa tươi trên thị trường giảm trong khi nguồn cung khá dồi dào khiến hoa tươi rớt giá mạnh.

Trao đổi với PNTĐ, nhiều nhà vườn tại các vựa hoa lớn của Thủ đô như phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), xã Đại Thịnh và Mê Linh (huyện Mê Linh)… đều khẳng định: chưa năm nào giá hoa giảm mạnh như năm nay. Trước Tết Nguyên đán, thời tiết nắng ấm, thuận lợi cho hoa sinh trưởng và nở rộ. Được mùa nhưng nhà nông không vui do hoa mất giá.

Giá hoa giảm, một số chủ vườn tại huyện Mê Linh không thu hoạch để hoa bung nở trên ruộngGiá hoa giảm, một số chủ vườn tại huyện Mê Linh không thu hoạch để hoa bung nở trên ruộng.

Anh Nguyễn Thành – một mối buôn ở chợ đầu mối hoa tươi Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết: Đến ngày 28 Tết, giá hoa tươi còn ổn định ở mức cao: hoa ly có giá từ 350.000 – 500.000 đồng/chục; hoa cúc, hoa hồng có giá 300.000 đồng/100 bông; hoa lan hồ điệp có giá từ 180.000 – 230.000 đồng/cành… Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 trong dịp Tết Nguyên đán khiến các hoạt động lễ hội, cơ sở thờ tự, đền chùa tạm dừng đón khách; một số tỉnh thành lân cận thực hiện giãn cách xã hội khiến giao thương kết nối bị ảnh hưởng, sức mua trên thị trường giảm mạnh. Sau Tết, các loại hoa được rao bán trên các kênh bán hàng trực tuyến chỉ còn 1/2 đến 1/3 so với trước Tết, trong đó giảm mạnh là hoa ly. Hiện, hoa ly loại đẹp (5-7 tai/cành) chỉ còn 100.000 - 120.000 đồng/chục; các loại hoa ly vàng, ly cam còn  75.000 – 90.000 đồng/chục; hoa cúc còn 50.000 đồng/100 bông; hoa layon từ 35.000 – 45.000 đồng/chục tuỳ loại…

Tại ruộng, giá hoa đổ buôn còn giảm thêm vài giá khiến nhà nông lao đao. Vừa lựa cúc, chị Hà – chủ vườn hoa ở Tây Tựu cho biết: với giá sau Tết chỉ còn 50.000 đồng/mớ cúc, tiền bán hoa không đủ trang trải chi phí trồng trọt, không ít nhà vườn chấp nhận bỏ không thu hoạch, để hoa nở bung và tự héo trên cánh đồng.

Đại diện Hội nông dân xã Mê Linh, huyện Mê Linh cho biết: trên địa bàn xã số lượng nhà nông trồng hoa cắt cành chiếm đa số; trong đó diện tích trồng nhiều là hoa cúc, hoa ly, hoa hồng – cũng là loại hoa thường có sức tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Những năm trước, nhà vườn trồng hoa thu khoảng 35 triệu đồng/ha/năm, còn năm nay mức thu này đã giảm còn 1/2 đến 2/3. Với mức thu nhập như vậy, nhà nông không có lãi.

Theo tính toán của cô Nguyệt – thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, tiền giống hoa ly ở mức  15.000 đồng/củ cộng với chi phí đầu vào trong quá trình trồng thì để có lãi, nhà vườn phải bán ở mức 180.000 đồng/chục nhưng sau Tết, giá hoa chỉ còn 60.000 đồng/bó, tính ra 6.000 đồng/cành. Tương tự như vậy là hoa cúc, đến mùng 5, 6 Tết – thời điểm các gia đình du xuân lễ chùa, hoa tươi thường “được giá” thì năm nay chỉ còn 30.000 – 40.000 đồng/chục. Mức giá này, nhà nào như nhà cô Nguyệt, trồng cả cúc lẫn ly đều lỗ vốn.

Tại xã Đại Thịnh trên địa bàn huyện Mê Linh, theo thống kê có khoảng 12 hộ có diện tích trồng hoa nhiều (3-4 sào hoa/hộ). Giá hoa mọi năm thu hoạch được từ 35 – 40 triệu đồng/sào nhưng năm nay giảm chỉ còn từ 8-10 triệu đồng/sào.

Xót xa trước cảnh “hoa cười, người héo”, thông qua mạng xã hội, những ngày qua, nhiều chị em đã kêu gọi nhau “giải cứu” hoa tươi. Không rầm rộ như giải cứu nông sản, nhiều loại hoa được rao bán với giá rẻ trên mạng đã được chị em hưởng ứng nhiệt tình. Chị Thuỷ ở ngõ 10 Láng Hạ vừa bán được hơn 3.000 cành hoa layon cho người nhà với giá 45.000 đồng/chục. Nhiều chị em ở các chung cư, cơ quan kêu gọi nhau mua hoa để hỗ trợ nhà nông.  

Hơn 10 ngày nay, trong nhà chị Thu Hằng ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai lúc nào cũng có 2-3 bình hoa tươi truyền thống của ngày Tết, từ hoa layon, violet, thược dược đến hoa cúc, hoa hồng… “Có những ngày tôi mua bó hoa hồng tỷ muộn chỉ có 10.000 đồng, rẻ như mua rau. Hoa rất tươi và đẹp vừa để trang trí làm đẹp cho nhà mình vừa góp phần hỗ trợ bà con tiêu thụ hoa” – chị Hằng cho biết.  

Để vớt vát thu nhập, những ngày qua, với những lứa hoa đến kỳ thu hoạch mà tiêu thụ chậm, giá thấp, các nhà vườn đã chấp nhận chi thêm khoản tiền để bảo quản một số loại hoa trong kho như hoa hồng, hoa ly, hoa loa kèn… Anh Mạnh – chủ vườn ở Tây Tựu cho biết: trước mắt là ngày rằm tháng Giêng rồi đến dịp 8/3, nhu cầu hoa trên thị trường dự báo sẽ tăng, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay, một số lễ hội, đền chùa có thể được xem xét mở cửa. Đây là thời thời điểm thuận lợi để tiêu thụ hoa. Hiện nay, từ mức chạm đáy, giá hoa trên thị trường đã nhích dần lên một vài giá. Vì vậy, nhiều nhà nông đều mong muốn thời gian giãn cách xã hội mau qua để có thể buôn bán bù lỗ.

 HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.