“Năm Covid thứ 2”: Giá trị gia đình sẽ không bị lãng quên

Chia sẻ

Năm 2021 được nhiều người gọi vui là “năm Covid thứ 2”, và với các gia đình, cái Tết Tân Sửu vừa qua sự đoàn tụ không được trọn vẹn, nhưng các giá trị văn hóa gia đình vẫn được giữ gìn.

Vì dịch Covid, nhiều người phải đón Tết với người thân qua màn hình điện thoạiVì dịch Covid, nhiều người phải đón Tết với người thân qua màn hình điện thoại (Ảnh: minh họa)

Tết 2021 - Một năm Tết “lạ”

Năm nay, con đường về quê ăn Tết của những người con trở nên khó khăn vì dịch Covid-19, đặc biệt là với những ai đang ở nước ngoài, hay quê hương đang trở thành vùng dịch. Gọi Tết năm nay là năm Tết “lạ” vì ăn Tết xa quê trở thành tình hình chung của rất nhiều người, nhưng thay vì buồn bã thì họ đón Tết theo một cách khác.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đông Triều (Quảng Ninh), đây là lần đầu tiên Nguyễn Triển (SN 1994) không được về đón Tết bên gia đình sau 8 năm học tập và làm việc ở Hà Nội. Anh chia sẻ: “Sau nhiều ngày đắn đo, tôi đặt quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết. Bởi nếu về quê, hiện đang là “tâm dịch”, tôi sẽ phải cách ly 21 ngày, không thể trở lại Hà Nội làm việc đúng thời hạn, phần nữa là do hưởng ứng lời kêu gọi “Ai ở đâu, ở yên đấy”, nên tôi đã quyết định đón Tết một mình ở Thủ đô. Từ những ngày 23 tháng Chạp, tôi gọi về nhà để hỏi thăm ý tứ ông bà, bố mẹ... Thật may, gia đình động viên: “Dịch bệnh là điều bất khả kháng, không ai mong muốn”... Thấy bố tôi thay ảnh đại diện Facebook là hình hai bố con chụp với nhau, tôi càng thấm thía nỗi nhớ nhà, bố cũng đang rất nhớ con trai, chỉ biết dùng hành động này để biểu lộ. Càng buồn hơn khi mọi người trong khu nhà trọ đồng loạt về quê. Tết là dịp để trở về nhà, sum họp, đoàn viên, mong muốn con cháu về quê để đông đủ, đầm ấm, yên vui... nhưng năm nay tôi không về được, nỗi buồn rất khó diễn tả. Tuy nhiên, tôi cũng xem đây là một trải nghiệm cho bản thân, lần đầu tiên ăn Tết xa nhà cũng là một “bước đệm” để trưởng thành. Tết ở trong tim mỗi chúng ta. Dù có đi đâu thì gia đình vẫn có thể sum họp” - Triển tâm sự.

Năm nay là năm thứ 3 Đỗ Chu Thành (24 tuổi, sinh viên du học tại Nhật Bản) đón Tết xa nhà. Dù đã quen với cuộc sống và sự cô đơn nơi xứ người, nhưng riêng năm nay, Thành nhớ nhà kinh khủng. Bởi ông nội sẽ bước vào tuổi 90. Ở quê nhà, mọi người cũng đang náo nức lên kế hoạch chuẩn bị ngày mừng thượng thọ cho ông, nhưng đang phải gác lại vì dịch bệnh Covid-19. Những tiếc nuối ấy càng khiến nỗi nhớ nhà trong Thành thêm da diết. Bố mẹ mất sớm, chính ông bà và các cô chú trở thành mái nhà thứ 2, ông bà cũng chính là bố mẹ của Thành. Biết được tâm tình ấy, các cô chú ở nhà mua tặng ông một chiếc điện thoại thông minh, cài đặt các mạng xã hội để ông có thể chat video, nghe thấy tiếng và nhìn thấy cháu nội của mình, dù 2 ông cháu đang ở rất xa nhau. Cuộc gọi đầu tiên nhìn thấy nhau, cả 2 ông cháu đều rơi nước mắt.

Đón Tết bằng công nghệ

Khoa học công nghệ đã tạo ra một nền tảng mới cho việc thông tin, liên lạc và giao tiếp giữa con người với nhau được thuận lợi hơn. Đây chính là mặt tích cực tới đời sống xã hội và gia đình – nhất là trong thời điểm Tết Tân Sửu vừa qua, nhiều gia đình không thể quây quần bên nhau, chỉ có thể đoàn tụ qua… màn hình điện thoại.

Trên tay chiếc điện thoại thông minh cùng với sự kết nối công nghệ, người mẹ được dõi theo con mình đang ở cách xa hàng ngàn cây số, xem con gái khoe mâm cơm Tết tự nấu, nghe con trai kể về cách ăn Tết cùng hội bạn chung ký túc xá, một bên nói, một bên trả lời, tiếng cười giòn tan không còn xa cách. Thông qua sự kết nối của công nghệ, dù ở cách xa nửa vòng trái đất, người con vẫn có thể cùng gia đình mình ăn một bữa cơm ấm áp tình thân.

Chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng: Với công nghệ, khoảng cách địa lý đã được xóa nhòa. Có thể thấy, Tết không chỉ có ở nhà, Tết chính là ở trong tim, dù chúng ta có ở bất kỳ đâu đi nữa.

Khi những đứa con không thể về ăn Tết gọi điện hỏi thăm bố mẹ, ông bà ở quê nhà, khi những chiếc bánh chưng, cành đào được gửi cho nhau qua màn hình điện thoại, cách nhau hàng trăm, hàng nghìn cây số… thì chúng ta có thể thừa nhận, giá trị của Tết, của đoàn tụ, của gia đình trong trái tim người trẻ vẫn còn đó và càng trong lúc khó khăn, càng trở nên dào dạt. Đây chính là lời giải cho gìn giữ văn hóa truyền thống và gắn kết đời sống gia đình trong cuộc sống hiện đại. Những thành tựu, những thành quả của khoa học công nghệ đã được tận dụng vào cuộc sống hàng ngày một cách thiết thực, ý nghĩa.

“Khoảng cách đã không thể ngăn được những trái tim nóng. Tết năm nay, mặc dù phải xa nhà nhưng họ vẫn được “đoàn tụ” gia đình. Đoàn tụ không còn gói gọn bởi định nghĩa sum họp trực tiếp, đoàn tụ với họ giờ đây chính là được cùng gia đình chia sẻ niềm vui ngày Tết và thưởng thức mâm cỗ Tết đậm đà vị nhà. Thông qua sự hỗ trợ của công nghệ, mong muốn đó giờ đây đã được đáp ứng. Những giá trị cao đẹp của gia đình sẽ không bị quên đi”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung bày tỏ.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.