Tranh chấp tài sản thừa kế, chị em đưa nhau ra toà

Chia sẻ

Phiên xét xử phân chia tài sản thừa kế mà bố mẹ không để lại di chúc vừa diễn ra tại TAND TP Hà Nội mới đây khiến nhiều người bức xúc. Vụ án kéo dài 7 năm chưa có hồi kết, tình cảm chị em lâm vào cảnh tương tàn.

Tranh chấp tài sản thừa kế, chị em đưa nhau ra toà - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Có mặt tại Toà, bà Hoà (SN 1950) kể, bố mẹ bà sinh được hai con gái, bà là con đầu. Năm 1972, bố bà mất. Một năm sau, em gái bà tên Sen (SN 1954) cũng thoát ly lên Sơn La làm công nhân, định cư ở đó đến nay, thi thoảng mới về quê dịp lễ, Tết. Bà Hòa ở cùng mẹ ruột. Khi bà Hòa kết hôn, không nỡ để mẹ già sống cảnh côi cút, không nơi nương tựa, chồng bà chấp nhận ở rể, sống chung với mẹ vợ trong căn nhà cấp bốn trên nền đất rộng hơn 1.000m2 mà bố bà để lại.

Quá trình chung sống, vợ chồng bà Hoà hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Do căn nhà cũ lâu ngày không sửa sang nên bị dột nát, vợ chồng bà đã đập đi xây lại thành căn nhà cấp bốn rộng ba gian để ở. Năm 2003, con trai lấy vợ, vợ chồng bà tiếp tục sửa sang, cải tạo căn nhà ba tầng khang trang, đồng thời xây dựng thêm một số công trình phụ trên đất. Bà Hoà còn tính để lại thêm một căn phòng trống để mỗi khi em gái về chơi hay giỗ Tết còn có chỗ nghỉ ngơi.

Thế nhưng, năm 2013, khi mẹ mất, em gái bà về quê đoạn tang mẹ. Biết bố mẹ không để lại di chúc thừa kế, em gái bà yêu cầu phải chia đất cho mình. Sự việc khiến bà Hoà choáng váng, bởi từ trước đến nay, em gái bà đã yên bề gia thất, ổn định cuộc sống ở khu kinh tế mới, nay lại về đòi đất đuổi anh chị ra đường. Trước đơn khởi kiện của em gái, bà Hoà gạt nước mắt, cùng em ra chia tài sản thừa kế trước công đường.

Năm 2014, Toà án cấp huyện đưa vụ án ra xem xét và nhận định toàn bộ nội dung vụ án như trình bày là đúng sự thật. Tuy nhiên, do bố bà mất từ năm 1972 không để lại di chúc nên đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản của cụ. Đối với phần di sản của mẹ bà còn thời hiệu thì chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế của bà Sen, chia cho bà Sen 200m2 phần thừa kế của mẹ để lại. Do không chấp nhận phán quyết của Toà, bà Sen đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Mới đây, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp tài sản thừa kế cha mẹ để lại này. Trước toà, bà Hoà nghẹn ngào nói, khi bố mất, lẽ ra, bà phải theo chồng về quê chồng sinh sống làm ăn. Nhưng nghĩ cảnh nhà chỉ có hai con gái, em gái đã làm ăn xa, bà cũng đi nốt thì mẹ cô đơn không ai chăm sóc. Bà đành bàn bạc với chồng để hai vợ chồng cùng ở chung với mẹ để chăm sóc mẹ. “Khi mẹ tôi mất, việc lo tang lễ cho mẹ cũng do vợ chồng tôi quán xuyến. Em gái ở xa về cũng chẳng lo lắng được gì cho mẹ. Mấy lần mẹ tôi ngỏ ý cho các con cháu để giữ đất làm nơi thờ tự. Giờ em về đòi chia đất ra thì nơi thờ tự các cụ để ở đâu. Không chia đất trả tiền thì tôi lấy tiền đâu mà trả” – bà Hoà nghẹn ngào nói.

Đáp lại, con trai bà Sen thay mặt cho mẹ trước Toà nói, theo lời kể của mẹ anh, trong quá trình xây dựng cải tạo đất, vợ chồng hai bác không hỏi ý kiến hay thông tin gì cho mẹ anh biết về việc này. Mãi đến khi xây dựng xong, mẹ anh về quê mới biết. “Bố mẹ tôi đã già, nên mong muốn hai bác chia cho phần đất trống để xây nhà về an dưỡng tuổi già. Cả đời bố mẹ tôi làm lụng vất vả quá rồi” - con trai bà Sen nói.

Toà xét thấy, do gia đình bà Hoà xây dựng nhà trên di sản thừa kế chưa được chia nhưng không hỏi ý kiến em gái là hoàn toàn là lỗi phía bà Hoà. Toà xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm và các căn cứ liên quan, quyết định chia cho bà Sen một phần diện tích đất trong phần di sản thừa kế của cụ ông để lại tại vị trí gia đình bà Hoà đã xây dựng ngôi nhà 3 tầng, bà Sen phải thanh toán toàn bộ giá trị sử dụng còn lại của ngôi nhà cho gia đình bà Hoà theo biên bản định giá tài sản. Xét về công sức tu tạo tài sản thì gia đình bà Hoà có công trông nom, tu tạo thửa đất. Do vậy mặc dù bà Sen và bà Hoà cùng hàng thừa kế, nhưng cần xác định phần di sản chia cho bà Sen ít hơn bà Hoà để đối trừ công sức trông nom di sản của bà Hoà cùng gia đình từ trước đến nay.

Rời toà, bà Hoà thở dài, sự việc kéo dài suốt hơn 7 năm mới có hồi kết. Nhưng đáp lại, tình cảm chị em không còn như trước nữa. “Giá như lúc mẹ tôi nói cho vợ chồng tôi nhà đất, chúng tôi bảo bà làm di chúc, thì có lẽ, đến giờ, tình cảm chị em không bị rạn nứt như thế này” – bà Hoà tiếc nuối.

Việc con cái tranh giành tài sản khi bố mẹ qua đời không còn xa lạ trong các vụ án tranh chấp tài sản hiện nay. Theo luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc công ty luật The Light, khi tranh chấp xảy ra, có thể người này, người kia đạt được nguyện vọng của mình nhưng hậu quả của việc tổn thương tình cảm gia đình là rất lớn. Thông thường, trước, trong và sau những vụ án chia tài sản thừa kế, các bên kể cả nguyên đơn bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều sứt mẻ tình cảm nghiêm trọng. Vì vậy, anh em ruột thịt trong nhà, được lớn lên cùng nhau, được ba mẹ yêu thương đùm bọc thì đừng vì lợi ích nhỏ mà đánh mất tình cảm gia đình. Do đó, để loại bỏ những tranh chấp về tài sản thừa kế có thể xảy ra, các con trong gia đình có thể giải quyết bằng việc họp gia đình, lập văn bản khai nhận di sản thừa kế, được các tổ chức công chứng làm chứng, lập vi bằng, giải quyết ký nhận thay đổi chủ sở hữu… Hãy giữ lấy tình cảm gia đình làm trọng, người này có thể thiệt thòi về vật chất hơn người kia nhưng tình thân thì không thể mua được bằng tiền.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.