“Rằm tháng Giêng” và quá trình tiếp biến văn hóa

Chia sẻ

Câu tục ngữ “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, cho thấy ý nghĩa của việc cúng lễ vào dịp rằm tháng Giêng quan trọng đến mức nào trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo quan niệm truyền thống, “ngày rằm, mùng một” không chỉ mang ý nghĩa linh thiêng, mà còn chứa đựng những điều tốt lành, may mắn. Chính vì vậy người ta đã chọn những ngày này làm thời điểm thích hợp để bày tỏ lòng thành kính, khát vọng của mình với tự nhiên. Khái niệm “tự nhiên” ở đây được hiểu là chốn linh thiêng nơi có thần, Phật và các bậc tiền nhân đã thuộc về tự nhiên.

Người phương Đông nói chung, người Việt nói riêng quan niệm tháng giêng là khởi đầu cho một năm mới, tháng đầu tiên của năm có ý nghĩa “đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Rằm tháng Giêng (còn được biết đến như là Tết Nguyên tiêu) là đêm trăng tròn đầu tiên khởi đầu một năm mới, đích thực mang những ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Phải chăng đây chính là lý do khiến một số quốc gia châu Á chủ động tiếp nhận những giá trị tích cực của Tết Nguyên tiêu để rồi biến nó thành một sự kiện lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Theo một số tài liệu, Tết Nguyên tiêu “rằm tháng Giêng” là lễ hội cổ truyền ở Trung Quốc, nó được phổ biến và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong quá trình giao thoa văn hóa ấy Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực đã tiếp nhận và biến đổi Tết Nguyên tiêu theo cách của riêng mình. Tại Trung Quốc xưa, Tết Nguyên tiêu còn được gọi là Tết Trạng nguyên. Ngày nay, “rằm tháng Giêng” vẫn được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới đối với cả cộng đồng người Hoa đang sinh sống và làm việc trong và ngoài lãnh thổ. Tết Nguyên tiêu ngày nay ở Trung Quốc có tên “Lễ hội Đèn hoa” hay “Lễ hội Hoa đăng” với rất nhiều hoạt động văn hóa phong phú đa dạng.

Tại Hàn Quốc lễ hội “rằm tháng Giêng” có tên “Daeboreum”, là dịp để người dân quốc gia này hướng đến tự nhiên bày tỏ kính ngưỡng đối với sự linh thiêng nơi “mặt trăng”, cầu mong có được sự may mắn, tốt lành. Trong dịp lễ hội này, người dân Hàn Quốc cùng nhau tổ chức các trò chơi truyền thống, ở một số vùng quê người ta còn trèo lên núi cao với mong muốn là người đầu tiên nhìn thấy mặt trăng mọc, với niềm tin sẽ có một năm mới nhiều may mắn và những điều tốt đẹp.

Ở đất nước Nhật Bản xưa, vào ngày rằm tháng Giêng theo lịch âm, người Nhật tổ chức Lễ hội “Koshōgatsu”, nội dung chính của Lễ hội là nghi lễ cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu… Ngày nay ở Nhật Bản, lễ hội này được cử hành vào ngày 15 tháng 1 dương lịch hằng năm.

Trong quá trình hội nhập và giao thoa văn hóa, lịch sử dân tộc Việt từng chứng kiến những đợt du nhập của văn hóa Trung Hoa, trong đó có cả hình thức cưỡng bức ở thời kỳ Bắc thuộc cùng những ảnh hưởng có tính áp chế từ quốc gia phương Bắc. Với ý chí độc lập tự chủ, cùng sức mạnh nội sinh tiềm tàng, cho dù phải tiếp nhận dưới hình thức cưỡng chế hay tự nguyện thì người Việt luôn biết cách lựa chọn những gì phù hợp với dân tộc mình. Đi cùng với tiếp nhận có chọn lọc, là sự sáng tạo không ngừng trong quá trình dung nạp để biến đổi những yếu tố ngoại sinh trở thành những giá trị nội sinh đậm bản sắc dân tộc.

Nếu như Tết Nguyên tiêu ở Trung Quốc, các triều đại phong kiến xưa dành “Tết Trạng nguyên” cho một số ít những “ông Trạng” đến Vườn thượng uyển ngắm trăng, làm thơ… thì ở Việt Nam, nội dung này được biến đổi cả về hình thức lẫn nội dung để trở một ngày hội lớn của tất cả những người làm thơ, yêu thơ trong cả nước. Công chúng yêu thơ, bất cứ ai, ở đâu, cũng có thể tận hưởng cái không khí lễ hội của đêm thơ “Tết Nguyên tiêu”. Đêm Nguyên tiêu của “Ngày thơ Việt Nam” đã  từng bước hình thành như nếp sinh hoạt thường xuyên, một sân chơi lành mạnh, tao nhã và trí tuệ. Hiện nay, Ngày thơ Việt Nam đã và đang được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng nhân rộng.

Tuy nhiên sự tiếp biến đáng kể nhất trong lễ “rằm tháng Giêng” chính là việc người Việt đã hình thành một nếp văn hóa tâm linh độc đáo. Đây là dịp mọi người tìm đến các ngôi chùa, đền miếu, di tích lịch sử trong những ngày đầu năm. Ở nơi thanh tịnh này, con người có dịp suy nghĩ về mình, về mọi người nhiều hơn, sâu sắc hơn; qua đó thấy cuộc đời bình an hơn, thánh thiện hơn, nhân ái hơn. Những giá trị tâm linh này có thể coi là hành trang để con người vững tin bước vào một năm mới với những điều tốt đẹp. Một giá trị nhân văn nữa mà lễ cúng rằm tháng Giêng có được trong quá trình Việt hóa, là sự gắn kết bền vững giữa các thành viên trong mỗi gia đình khi đứng trước ban thờ gia tiên, nhớ đến công đức của các bậc sinh thành, nhớ về cội nguồn. Cũng trong ngày này, các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm cỗ cúng để mọi thành viên có dịp ngồi lại với nhau, cầu mong một năm bình an, may mắn.

Tết Nguyên tiêu tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng các quốc gia bên ngoài trong quá trình tiếp nhận đã có sự chọn lọc và sáng tạo phù hợp để lễ hội “rằm tháng Giêng” trở thành một sự kiện văn hóa, tâm tinh của chính dân tộc mình. Trong xu thế hòa nhập văn hóa thế giới, việc tiếp nhận và chịu ảnh hưởng từ bên ngoài là tất yếu. Vấn đề nằm ở chỗ một dân tộc ứng xử và thực hiện sự tiếp biến văn hóa như thế nào để giữ được bản sắc!

Nhà nghiên cứu văn hóa HOÀNG TIẾN THẮNG

(Theo baochinhphu.vn)

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.