Phụ nữ Ba Trại chung tay xây dựng thương hiệu sạch

Chia sẻ

Xuân về, trên những nương chè ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì, chị em lại ríu rít cùng nhau thu hái những búp non mơn mởn. Nhờ đổi mới từ giống, quy trình chăm sóc cho ra sản phẩm có giá trị cao hơn, giúp người dân thoát nghèo và đang mở ra hướng phát triển xây dựng thương hiệu chè sạch Ba Trại gắn với du lịch sinh thái vùng đồi núi này.

Chè ngon Ba Trại giúp dân ấm no

Trong không khí của mùa Xuân tiết trời vừa se lạnh vừa có ánh nắng ấm, trên khắp những nương chè ở xã Ba Trại, các chị, các mẹ, các em gái đang hăng say thu hái chè. Tại nương chè gần cuối thôn 3, chúng tôi gặp 3 chị đang tay hái, miệng cười, chuyện trò rôm rả ở vườn chè hơn 1 mẫu của gia đình chị Đinh Thị Quyên. Chị Quyên cho hay, trong các công đoạn trồng chè, phụ nữ làm là chính, với các công đoạn như nhổ cỏ, thu hái, sao chè và bán, còn đàn ông thì làm đất, trồng cây, thi thoảng hỗ trợ tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, với phương thức cũ, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, nay bà con không dùng nữa mà chuyển sang dùng thuốc sinh học nên an toàn cho sức khỏe hơn nhiều. Mỗi năm gia đình chị thu hoạch chừng 7-8 lứa chè, vào vụ thu hái thì thuê thêm người, ngày công chừng 100.000 đồng-120.000 đồng. Ngày đi thu hái, tối về chị lại sao chè, rồi bán cho thương lái hoặc mang ra chợ bán cho người mua buôn. Giá bán chè bình quân chừng 130.000-150.000 đồng/kg. Theo chị Quyên, đây mà mức thấp ở địa phương bởi ở vườn chè nhà chị hiện chưa chủ động được nước tưới (vì khoan giếng đều vướng đá) nên chè gia đình chị chỉ sinh trưởng nhờ nước mưa là chính.

Nương chè của gia đình chị Đinh Thị QuyênNương chè của gia đình chị Đinh Thị Quyên

Hơn nữa, chị Quyên không đóng gói mà bán sỉ cho người mua buôn, chủ yếu là người ở địa phương. Chị Quyên cho hay, chè ngon ở đây bán được giá 260.000-300.000 đồng/kg, chủ yếu là những hộ đầu tư giàn tưới tự động, sản xuất theo quy trình VietGap.

Chị Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Trại cho biết, toàn xã có hơn 500 hộ gia đình có phụ nữ tham gia trồng chè. Công việc này được chị em làm nhiều năm nay nên rất thạo việc, dày dặn kinh nghiệm. Bình quân hơn 1 tháng là thu hoạch một lứa chè, việc chủ yếu thủ công nên chị em dành nhiều thời gian cho chè. Những năm gần đây, nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn về giống mới, áp dụng mô hình VietGap nên năng suất chè cao hơn, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tại đồi chè hơn 1 mẫu của gia đình anh Đinh Mạnh Cường, ở thôn 3 đang có hai phần khác nhau. Phần giống cũ chè Trung du gia đình vẫn đang thu hái, còn phần chè mới trồng đang lên. Anh Cường cho hay, sắp tới gia đình tiếp tục chặt bỏ chè giống cũ để trồng sang giống mới, đồng thời đầu tư hệ thống phun tưới tự động để chăm chè tốt hơn.

Ông Đinh Công Phu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại cho biết, toàn xã có 9 làng nghề sản xuất và chế biến chè được công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều năm nay, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của người dân. Từ năm 2013, có sự trợ đỡ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, bà con trồng chè tích cực chuyển đổi và thay thế dần giống chè cũ (thường gọi là chè Trung du) bằng giống chè LDP1 cho năng suất cao, chất lượng tốt. Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích 471ha thì hơn 70% diện tích trồng giống chè LDP1 và 90% là trồng theo mô hình tập trung và hơn 40ha trồng theo mô hình VietGAP đã được cấp chứng nhận. Các vườn chè được kiểm soát chặt từ quy trình trồng, chăm tưới, bón phân tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Sau nhiều năm chuyển đổi, chất lượng chè được nâng lên, thương hiệu chè Ba Trại cũng được khách hàng biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay thương hiệu chè Ba Trại vẫn chưa đứng riêng mà vẫn đang trong thương hiệu chè Ba Vì là chính.

Vườn chè Ba Trại trồng theo tiêu chuẩn VietGapVườn chè Ba Trại trồng theo tiêu chuẩn VietGap

Xây dựng mô hình du lịch sinh thái

Theo ông Hoàng Văn Chuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại, năng suất bình quân chè Ba Trại năm 2020 đạt khoảng 8,5 tấn/ha, còn nhiều hộ đầu tư, chăm sóc tốt, sản lượng chè đạt vượt trội từ 10-12 tấn/ha. Tổng sản lượng chè xã Ba Trại ước đạt trên 5.000 tấn/năm, chiếm gần 50% sản lượng chè trên địa bàn huyện Ba Vì.

Trăn trở về việc xây dựng và phát triển thương hiệu chè Ba Trại, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại – Hoàng Văn Chuyền cho rằng, được thiên nhiên ưu đãi về không khí, thổ nhưỡng đất đồi gò vùng núi, chè Ba Trại còn được những đôi tay có kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết sao chè qua nhiều năm nay, chè Ba Trại đang dần chinh phục được khách hàng. Tuy nhiên, xã và người dân làm nghề vẫn đang loay hoay tìm cách để chè Ba Trại có bước phát triển đột phá.

Vợ chồng anh Đinh Mạnh Cường khá giả từ trồng chèVợ chồng anh Đinh Mạnh Cường khá giả từ trồng chè

Vài năm nay, ở thôn 3 cũng có các hộ áp dụng mô hình trồng chè VietGAP đã đón được nhiều lượt khách đến tham quan theo mô hình du lịch sinh thái như gia đình anh: Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn Chính, Bùi Văn... Nhiều du khách và các đơn vị tổ chức tour đã đặt vấn đề được trải nghiệm qua đêm, hái chè với người dân. “Chúng tôi cũng mong muốn đẩy mạnh xây dựng thương hiệu chè sạch Ba Trại gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Hiện xã đang tổ chức việc liên doanh, liên kết để phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng chè”- Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Chuyển chia sẻ.

Chị Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại cho biết: Để góp phần vào xây dựng thương hiệu chè sạch Ba Trại cũng như xây dựng nông thôn mới gắn với mô hình du lịch sinh thái, chúng tôi đã vận động bà con chỉnh trang đường làng, ngõ xóm để làng quê thêm tươi đẹp, trồng được 38 tuyến đường nở hoa với tổng số hơn 13.400m. Những năm gần đây, Ba Trại đã bước đầu đón những đoàn khách tới tham quan khu vườn trồng chè và trải nghiệm các công đoạn sản xuất chè thủ công. Những người phụ nữ ngoài sản xuất chè còn dần học cách làm du lịch. Tuy nhiên, vẫn cần có sự hỗ trợ của các cấp và ngành chức năng trong việc tập huấn, hỗ trợ những bước đi đầu trong làm du lịch cộng đồng.

Bước vào năm mới 2021, phụ nữ Ba Trại vừa tích cực phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa chăm lo lao động sản xuất nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu chè và đón được nhiều khách du lịch.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.