Xây dựng “gia đình toàn mỹ” vì hạnh phúc của con thơ

Chia sẻ

Nhiều gia đình, trong đó có các đức lang quân tại một số tỉnh, thành đã thay đổi tư tưởng, hành vi của mình khi tham gia vào dự án xây dựng mô hình “Gia đình toàn mỹ” của tổ chức World Vision Việt Nam thực hiện.

Hạnh phúc vì… chồng thay đổi

Trong câu chuyện của mình, chị N.T.N (trú tại tỉnh Yên Bái) cho biết, vợ chồng chị kết hôn sau 6 tháng tìm hiểu, cả hai đều làm nghề nông. Chồng chị tuy là người sống tình cảm nhưng lại rất khó tính. Sau khi kết hôn, đặc biệt là khoảng thời gian chị sinh con đầu lòng, chị không giúp đỡ được chồng và gia đình chồng việc đồng áng được. Do đó, chồng chị chịu trách nhiệm là lao động chính trong gia đình để kiếm tiền. Áp lực công việc, lại có con nhỏ khiến vợ chồng chị nảy sinh xích mích, to tiếng với nhau.

Chị được biết đến khóa học “Hướng đến Gia đình toàn mỹ”, được chia sẻ và cùng trao đổi về cách xây dựng một gia đình hạnh phúc, bao gồm sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, sự tha thứ… Nhờ đó, chị N áp dụng những bài học trên lớp với chính gia đình mình. Chị chủ động dành thời gian chia sẻ tâm tư nhiều hơn với chồng. Chị nói về cảm xúc, nguyện vọng, thậm chí cả những khó khăn bản thân đang gặp phải khi sinh và chăm sóc con trai thứ hai. Chồng chị được vợ chia sẻ, cảm thấy được tin tưởng nên cũng mở lòng mình, kể những chuyện trước đây anh chưa từng nói tới. Hai vợ chồng lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với nhau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chồng chị đi làm bận rộn cả ngày, về tới nhà đã biết phụ vợ cho con ăn, tắm cho con, hay thỉnh thoảng nấu cơm để vợ được ngơi tay một chút. Được chồng ủng hộ, chị tham gia nhiều hoạt động xã hội, văn hoá, thể thao, khiến đời sống tinh thần luôn phong phú.

Là thành viên CLB “Gia đình toàn mỹ” tại tỉnh Yên Bái, anh B.V.T cho rằng, mỗi gia đình luôn có lúc “canh chẳng ngọt, cơm không lành”. Mấy năm trước, anh khá gia trưởng, luôn cho rằng mình đúng trong mọi hoàn cảnh, chồng là người có quyền quyết định mọi việc khiến vợ chồng mâu thuẫn. Mọi chuyện cứ thế vượt qua ngoài tầm kiểm soát lúc nào không hay. Anh biết đến mô hình “Gia đình toàn mỹ”, và bật khóc khi được học về bài học “Dấu hiệu của sự đổ vỡ và trọn lành”. “Thật lòng lúc đó, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà, nói lời xin lỗi vợ và 2 con. Tôi cảm thấy có lỗi vô cùng khi nhớ lại những lần to tiếng với vợ vì nghĩ rằng mình luôn đúng. Tôi biết sự nóng giận của mình đã bao lần đẩy gia đình vào bế tắc, khiến vợ con tôi lo sợ rồi một ngày tôi sẽ rời bỏ họ” – anh cho biết.

Càng học chuyên sâu về khoá học “Gia đình toàn mỹ”, anh T càng nhận ra nhiều sai lầm của bản thân, đã khiến gia đình không hạnh phúc. Kết thúc lớp học và trở về với gia đình, anh mang hết cam đảm để chia sẻ thật lòng với vợ và hai con. Vợ chồng anh xác định sẽ tiếp tục đi cùng nhau và bỏ lại phía sau mọi nỗi buồn trong quá khứ, sống hạnh phúc trong phút giây hiện lại, hướng đến tương lai đầm ấm hơn.

Gia đình hạnh phúc, trẻ phát triển toàn diện

Theo chị Nguyễn Thuỳ Anh, điều phối viên chương trình “Gia đình toàn mỹ”, tổ chức Would Vision, mọi người thường nói: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” - cứ lấy nhau thì tự nhiên biết cách yêu thương mà không cần ai phải dạy dỗ, hướng dẫn. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều cặp vợ chồng kết hôn khi không có sự chuẩn bị trước, bản thân cũng không nỗ lực để tìm hiểu và vun đắp tình yêu trong hôn nhân nên dẫn đến những cuộc chia tay chóng vánh và đáng tiếc.

Vợ chồng có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu thương trong cuộc sống, đặc biệt là trong các mối quan hệ gia đình, mối quan hệ giữa những người yêu thương nhau nhưng lại rất dễ làm tổn thương nhau. Nhận biết mong muốn của những thành viên trong gia đình không những giúp chúng ta hiểu mà còn khuyến khích chúng ta bày tỏ tình yêu theo cách mà họ mong muốn nhất. Bên cạnh đó, xác định được ngôn ngữ tình yêu của mình và chia sẻ cho người thân cũng là một bước tiến để giúp duy trì và xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Do đó, dự án “Gia đình toàn mỹ” được thực hiện từ năm 2016 với đối tượng là các nhóm cha mẹ nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, hướng tới cải thiện đời sống an sinh và bảo vệ trẻ em, giúp trẻ sống trong môi trường an toàn, yêu thương, dù đó là gia đình khiếm khuyết. Từ năm 2017, dự án được thực hiện tại 36 vùng miền, chủ yếu là miền núi và nông thôn. “Toàn mỹ là sự yêu thương, an toàn cho trẻ. Do đó, gia đình toàn mỹ tức là trọn lành, yêu thương và an toàn cho trẻ. Mô hình này thực hiện miễn phí cho các nhóm cha mẹ nhưng đối tượng được hưởng lợi là trẻ em. Các tư vấn viên sẽ làm việc với bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ về các chủ đề: Hạt giống thiện lành, lý do để biết ơn, không gian để yêu thương và bao dung và cơ hội để tha thứ. Các bố mẹ và người chăm sóc trẻ trải qua một số hoạt động gồm 4 bước: Xử trí về quá khứ trong chăm trẻ, trải nghiệm chăm sóc trẻ của gia đình từ quá khứ, giúp họ nhận ra hành vi tích cực và tiêu cực, từ đó có những ứng xử đúng mực, mang đến niềm vui cho các thành viên khác trong gia đình” – chị Thuỳ Anh cho biết.

Hiện nay, dự án đã có hơn 8.000 gia đình toàn mỹ. Các bố mẹ khi tham gia khoá học miễn phí của dự án sẽ được tặng 1 cuốn sổ để “nhắc” các chủ đề và thực hiện các cam kết trong gia đình như không đánh con, sống bình đẳng, thấu hiểu người mình yêu… Nhiều người đã chấm dứt việc dạy con bằng bạo lực, vợ chồng ghi nhận điểm tốt của nhau, biết nói lời yêu thương, giúp cho gia đình hạnh phúc, bền vững.

Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình bằng “năm ngôn ngữ tình yêu”

Chị Nguyễn Thuỳ Anh – Phụ trách Chương trình “Gia đình Toàn mỹ”, cho biết có 5 ngôn ngữ tình yêu là 5 cách mà vợ/chồng cảm nhận và thể hiện tình cảm với nhau. Tuỳ trong từng trường hợp để vợ/chồng có thể thể hiện tình yêu thương bằng các cách khác nhau.

1. Lời nói động viên, khích lệ: Lời nói sức nặng đặc biệt. Được nhận những lời khen ngợi và trân trọng sẽ khiến lòng người vui vẻ, thoải mái. Ngược lại, những lời chỉ trích, xúc phạm hoặc đòi hỏi thái quá sẽ khiến một người bị tổn thương sâu sắc. Do đó, vợ/chồng đừng tiết kiệm những lời khen ngợi. Hãy thường xuyên động viên người ấy mỗi khi họ làm một việc tốt và hãy nói hàng ngày!

2. Hành động phục vụ chân thành: Trong nhiều trường hợp, hành động lại “mạnh” hơn lời nói. Bất kỳ hành động quan tâm, chăm sóc cụ thể nào bạn làm để giúp đỡ hoặc san sẻ với người ấy đều chứng minh tình yêu của bạn dành cho họ. Nhưng nếu bạn thất hứa hoặc đùn đẩy công việc sẽ khiến người ấy cảm thấy bị tổn thương. Do đó, bạn có thể kèm theo hành động chân thành, câu nói mà người ấy muốn nghe nhất là “Để anh/em làm cho em/anh”.

3. Quà tặng: Đừng vội quy kết người ấy thực dụng. Đơn giản là người ấy cảm thấy họ thật đặc biệt và đáng yêu khi bạn tặng quà và bày tỏ sự trìu mến. Quên tặng quà vào những dịp quan trọng như kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật sẽ làm tổn thương người ấy. Bạn hãy quan sát và tìm hiểu những nhu cầu hoặc những món quà mà người ấy yêu thích, tìm dịp tiện để tặng sẽ làm người bạn đời vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Lưu ý: Không cần lúc nào cũng phải là những món đồ đắt tiền, thái độ chân thành và cử chỉ yêu thương của bạn luôn là món quà vô giá!

4. Thời gian chất lượng: Sự hiện diện “trọn vẹn” của bạn – không tivi, không điện thoại… - chắc chắn sẽ làm người ấy cảm thấy được yêu thương và có ý nghĩa. Thái độ mất tập trung, không lắng nghe hoặc bỏ lỡ cuộc hẹn sẽ làm người ấy tổn thương, thất vọng. Bạn hãy đặt lịch hẹn cụ thể với người ấy và dành thời gian cùng nhau thực hiện những hoạt động mà người ấy yêu thích. Đừng lỡ hẹn nhé.

5. Cử chỉ âu yếm: Ở đây, những cử chỉ vuốt ve âu yếm là quan trọng nhất, đó đều có thể được hiểu là sự bày tỏ sự phấn khích, mối quan tâm, sự chăm sóc và tình yêu thương. Ngược lại, sự thờ ơ hoặc lạm dụng là nguyên nhân gây tổn thương cho người ấy. Do đó, hãy thường xuyên thể hiện tình yêu bằng những cái nắm tay, vỗ vai, ôm vào lòng, vuốt tóc… trong những hoàn cảnh thích hợp. Nếu đây là ngôn ngữ của người ấy, chắc hẳn họ sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.

Những hành động trên tuy đơn giản nhưng không phải tất cả mọi người trong chúng ta đều cảm thấy thoái mái và tự tin để thể hiện. Bởi lẽ điều này phụ thuộc vào môi trường mà chúng ta được nuôi dưỡng, giáo dục, những trải nghiệm chúng ta có được trong quá khứ. Nhưng nếu đó là những gì mà người bạn đời hoặc con cái hoặc cha mẹ, hoặc bạn bè thân thiết… của chúng ta cần và khao khát nhận được, thiết nghĩ cũng đáng để chúng ta để tâm và thực hiện mỗi ngày.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

“Bông hồng thép” góp sức vì bình yên cho Thủ đô

(PNTĐ) - Là nữ trinh sát duy nhất của Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, Trung tá Đinh Thị Huyền Diệu đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những chiến công lập nên, chị là minh chứng cho những phẩm chất đặc biệt của người nữ chiến sĩ công an.
Tưng bừng chào đón ngày 20/10

Tưng bừng chào đón ngày 20/10

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, trong những ngày tháng 10, các cấp Hội Phụ nữ toàn quốc đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa. Đây cũng là dịp để chị em cán bộ Hội được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc

Tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc

(PNTĐ) - Với chủ đề “Duyên dáng Áo dài Hà Nội”, Carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô vừa khép lại với nhiều thành công. Carnaval đã góp phần lan tỏa tình yêu, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài dân tộc.