Những “thủ lĩnh” tuổi teen

Chia sẻ

Các học sinh trong CLB “Thủ lĩnh vì sự thay đổi” tại một số trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội đã thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, từ đó thay đổi hành vi và tuyên truyền lại cho người thân, bạn bè và cộng đồng.

Các em trong CLB Thủ lĩnh vì sự thay đổi thuyết trình xây dựng mô hình sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em tại Hội LHPN TP Hà NộiCác em trong CLB "Thủ lĩnh vì sự thay đổi" thuyết trình xây dựng mô hình sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em tại Hội LHPN TP Hà Nội.

Thay đổi từ… chính mình

Từ một cô bé nhút nhát, sau 1 năm tham gia CLB “Thủ lĩnh vì sự thay đổi”, Nguyễn Hiếu Anh (học sinh lớp 7A, trường THCS Cổ Loa) đã mạnh dạn hơn rất nhiều. Hiếu Anh tự tin biểu diễn trên sân khấu, cùng các bạn sáng tạo, triển khai các chương trình tuyên truyền về bình đẳng giới (BĐG), từ những câu chuyện nhỏ như bạn nam cũng làm vệ sinh lớp học giống bạn gái, hay ở nhà, con trai cũng có thể làm việc nhà, bố có thể nấu cơm khi mẹ bận...

Hiếu Anh kể, ông nội em luôn cho rằng, đàn ông “xây nhà”, đàn bà “xây tổ ấm”. Những việc chợ búa, dọn dẹp… là do phụ nữ phải đảm nhiệm. Khi nhà có cỗ hay tiệc, phụ nữ là người phải lo toan việc bếp núc, sắm sửa, dọn rửa. Trong khi đó, nam giới chỉ việc “ngồi ăn cỗ”. Từ ngày được tham gia CLB, Hiếu Anh chia sẻ những điều được học từ việc “con gái thì có quyền gì?”, hay “con trai làm gì để chia sẻ việc nhà” với ông… Dần dần, ông nội Hiếu Anh không còn khó chịu khi thấy cháu trai giặt đồ và phơi quần áo… “Giờ nếu mẹ em bận thì bố giúp mẹ việc nhà, ông nội cũng vào bếp nấu cơm. Thi thoảng, ông còn bảo, nam nữ bình đẳng như nhau nên việc nhà có thể giúp” - Hiếu Anh cho biết.

Trẻ em góp phần xây dựng môi trường sống an toàn

Trẻ em được nói lên tiếng nói để thúc đẩy BĐG, xây dựng môi trường sống an toàn cho chính mình được Hội LHPN Hà Nội và các quận, huyện, thị xã khuyến khích, đẩy mạnh trong dự án “Thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái”. Dự án được triển khai tại 5 quận, huyện là: Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Ứng Hòa từ năm 2019, trong đó huyện Đông Anh là đơn vị thí điểm từ năm 2014. Đến nay mô hình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận đặc biệt là trong đề xuất chính sách tại địa phương. Trong năm 2020, vận động xã hội hóa từ tổ chức Plan International bàn giao 10 sân chơi an toàn cho trẻ em và trao tặng 10 tủ sách pháp luật cho các khu dân cư thuộc 5 quận, huyện trên. Mô hình “Làng quê an toàn” dành cho phụ nữ và trẻ em được thực hiện thí điểm tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, đặc biệt là nam giới về việc tạo dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em và hỗ trợ phụ nữ khó khăn an tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, thúc đẩy BĐG…

Mới đây, với dự án “tấm kính chống giọt bắn”, Nguyễn Trần Khánh Vy (lớp 8A trường THCS Cổ Loa) vinh dự được bằng khen “Người tốt việc tốt”của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Vy cho biết, sáng kiến tạo ra các tấm kính chống giọt bắn bắt nguồn từ việc em trai bị sốt cao phải đưa đi khám. Thời điểm đó, các bác sỹ đã có khẩu trang nhưng không có phần bảo vệ mắt, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể xảy ra. Sau một đêm trăn trở, Vy chia sẻ với mẹ về việc tạo ra các tấm kính chống giọt bắn để tặng cho bác sỹ tại các bệnh viện và được mẹ ủng hộ. Chỉ trong nửa tháng, cả gia đình em làm được hơn 1.000 cái để tặng cho bệnh viện Đa khoa Đông Anh và các chốt kiểm dịch.

Thấy hiệu quả, đợt bùng phát dịch thứ hai ở Đà Nẵng, Vy cùng CLB “Thủ lĩnh vì sự thay đổi” trường THCS Cổ Loa làm hơn 300 tấm kính chống giọt bắn trong 1 ngày để gửi vào bệnh viện Đà Nẵng hỗ trợ các bác sỹ chống dịch,

Ngô Thị Linh Chi (lớp 11I, thành viên tích cực của CLB tại trường THPT Vân Nội) cho biết, trước đây, Chi từng nghe một bạn trong lớp chia sẻ rất thích chơi bóng đá nhưng gia đình không cho, có bạn chứng kiến cảnh chú ruột xâm hại cháu nhưng gia đình nạn nhân lại muốn giấu giếm… Ngay cả trong gia đình, ông bà và các bác lớn tuổi cho rằng, con gái có giỏi cũng chỉ về “nhì”. Bố mẹ Chi sinh hai con gái nên cũng chịu áp lực về việc có con trai. “Cuối tuần, ông bà lại gọi gia đình các bác về ăn bữa cơm chung. Thế nhưng, việc nấu nướng đều các bác gái phải làm, còn rửa dọn lại chỉ có em và một em gái nữa trong khi có đến 7 anh trai” - Chi nói.

Từ khi tham gia CLB, Chi nhận thức phải chia sẻ để thay đổi tư tưởng của mọi người trong gia đình. Chi mở các chương trình văn nghệ, tập huấn về BĐG, chống bạo lực, xâm hại trẻ em… mà mình tham gia cho bố mẹ, ông bà nghe. Khi tham gia các diễn đàn, Chi vận động bố mẹ tham gia các hoạt động về tạo môi trường an toàn và bình đẳng cho trẻ em gái phát triển.

“Em đã chứng minh được, con gái giỏi cũng có thể về “nhất” bằng thành tích học tập lúc nào cũng đứng đầu hơn so với các anh. Hàng xóm khen ngợi có hai con gái đều giỏi, bố mẹ cũng bớt mong mỏi con trai và tự hào hơn” - Chi nói.

Bình đẳng giới để trẻ em gái có cơ hội phát triển

Đó là 4 trong số gần 1.000 trẻ em trai, em gái vị thành niên tham gia CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 26 trường học THCS và THPT trên địa bàn huyện Đông Anh. Các em được cung cấp kiến thức về BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và kỹ năng để trở thành các thủ lĩnh của thanh thiếu niên, truyền thông điệp về BĐG. Có rất nhiều em trưởng thành từ CLB “thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đông Anh đã tiếp tục là các nhân tố tích cực lan tỏa thông điệp đến bạn bè và thầy cô khi các em trở thành sinh viên của trường đại học.

Một số thành viên tích cực trong CLB Thủ lĩnh vì sự thay đổi trường THCS Cổ Loa, Đông Anh, Hà NộiMột số thành viên tích cực trong CLB Thủ lĩnh vì sự thay đổi trường THCS Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

Các trường học nơi có sự hoạt động của CLB đều có những hoạt động tương tác với giáo viên như chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của con cho phụ huynh nắm được, từ đó quan tâm đến các con hơn; các trò chơi tương tác các thành viên trong gia đình với mục tiêu hướng đến tuyên truyền BĐG, chống bạo lực gia đình.

Cô Trần Thị Quyên, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Cổ Loa, đơn vị đầu tiên thực hiện dự án, cán bộ tham vấn dự án Thành phố an toàn cho trẻ em gái cho biết, từ một hoạt động chia sẻ nguyện vọng của mình, CLB đã nắm bắt tâm tư, chia sẻ cho các phụ huynh để quan tâm đến con hơn như muốn bố mẹ dành thời gian cho con, được đối xử công bằng với anh trai, cảm thấy thiếu an toàn khi đi học qua đường vắng… Nhờ đó, nhiều phụ huynh đã bắt đầu quan tâm con hơn.

“CLB phối hợp với Hội LHPN xã Cổ Loa tổ chức buổi khảo sát các đoạn đường thiếu an toàn cho trẻ em, từ đó đề xuất với Đảng ủy, UBND xã để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, nhiều đoạn đường có bụi rậm, thiếu sáng, ao hồ chưa rào chắn, biển báo… được sửa chữa, lắp đèn chiếu sáng. Bãi rác sau trường học đã được bỏ…” - cô Quyên nói.

Cô giáo Phạm Thị Lan, dẫn trình viên CLB “Thủ lĩnh vì sự thay đổi” trường THPT Vân Nội cho biết, từ các hoạt động tập huấn, các thành viên CLB có kiến thức vững chắc về các khái niệm về giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới, bạo lực giới… Ngoài ra, các em còn học được kỹ năng tổ chức sự kiện, xây dựng ý tưởng, truyền thông và thuyết trình dự án… từ đó truyền thông điệp về BĐG đến tất cả mọi người.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Chương trình và đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập trong khuôn khổ thực hiện Dự án Thành phố an toàn cho trẻ em gái do Tổ chức Plan phối hợp với các đối tác triển khai tại Hà Nội, với kỳ vọng những thành viên CLB sẽ là những người dẫn dắt, truyền cảm hứng và thu hút các bạn mình và cộng đồng trong các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi. Tại mỗi trường dự án, có 1 CLB Em Gái - Thủ lĩnh thay đổi và 1 CLB Em Trai - Thủ lĩnh thay đổi, mỗi CLB có 30 thành viên. Các em tham gia vào CLB trên cơ sở tự nguyện, đều cam kết hành động vì BĐG. Thông qua việc tham gia các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB và các lớp tập huấn, các em sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng để có thể tự tin thể hiện quan điểm của mình về BĐG với tất cả mọi người.

“Các em đã nhận ra rằng, BĐG không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ em gái mà còn cho cả trẻ em trai nữa. Ý thức được về vai trò của mình trong việc lên tiếng và cùng hành động để xóa bỏ những định kiến, những khuôn mẫu giới đang cản trở các em phát huy hết các tiềm năng của mình, hay những quan niệm đang củng cố cho vấn đề bạo lực giới và bất bình đẳng trong xã hội. Các em đã làm chủ các sự kiện truyền thông, truyền cảm hứng cho bạn bè, cho bố mẹ, người thân và cộng đồng để cùng thay đổi tích cực và tạo môi trường an toàn, bình đẳng trong gia đình, trường học và tại cộng đồng” - bà Lan cho biết.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Đảm bảo thuận lợi, an toàn cho thí sinh đăng ký dự thi

Đảm bảo thuận lợi, an toàn cho thí sinh đăng ký dự thi

(PNTĐ) - Từ ngày 2/5 đến 17h00 ngày 10/5, thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 đăng ký dự thi chính thức trên Cổng đăng ký trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, năm nay, Bộ GD-ĐT đã có những sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo an toàn cho kỳ thi từ khâu đăng ký thi đến ra đề thi, coi thi…
 Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024 có chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi Số và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo định hướng giáo dục thông minh” diễn ra từ ngày 4-5/5/2024, tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông.
Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn Thành phố

Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn Thành phố

(PNTĐ) - Chiều 7/5, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2024 và Ban Chỉ đạo  thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2024 - 2025 đã họp phiên thứ nhất, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng 02 Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.