Người dân kêu cứu vì bị “ôm” 21 dự án treo

Chia sẻ

Hơn 12 năm từ khi xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất sáp nhập về Hà Nội “ôm” theo 25 dự án đã được quy hoạch. Song đến nay mới có 4 dự án được triển khai ở các mức độ khác nhau, còn 21 dự án vẫn “treo lơ lửng” khiến người dân có đất ở và đất nông nghiệp khổ sở, còn chính quyền rơi vào thế khó.

Ông Đinh Hồng Quân, Trưởng thôn 1, xã Tiến Xuân giới thiệu cánh đồng trong quy hoạch dự án hơn 10 năm chưa thực hiện khiến người dân và chính quyền khó  khăn tổ chức sản xuất.Ông Đinh Hồng Quân, Trưởng thôn 1, xã Tiến Xuân giới thiệu cánh đồng trong quy hoạch dự án hơn 10 năm chưa thực hiện khiến người dân và chính quyền khó khăn tổ chức sản xuất.

Khổ vì dự án “nằm im” hơn 12 năm nay

Trên cánh đồng xóm Trại Mới, thuộc thôn 6, bà Nguyễn Thị Kim đang thăm đồng, gặp chúng tôi bà như được trải lòng: “Nhà tôi có gần 1 mẫu ruộng, đều vào quy hoạch hơn 12 năm rồi dự án chưa làm gì cả. Chúng tôi muốn hiến đất làm đường bê tông nội đồng hay dồn điền đổi thửa để phát triển kinh tế nông nghiệp cũng không được. Khổ hơn nữa là đất thổ cư, chúng tôi sinh sống bao đời nay, giờ muốn sang tên cho con cháu cũng không được, chỉ vì vướng quy hoạch”.

Cũng có 7 sào ruộng ở 5 thửa khác nhau đều “dính” quy hoạch, ông Quách Đình Phi ở thôn 6 cho biết: Chúng tôi làm nông nghiệp mà không được đầu tư cơ giới hóa hay dồn các mảnh manh mún về một thửa để đầu tư cấy trồng tăng năng suất. Đất ở nhà tôi có 2.000m2, tôi có 3 con trai muốn chia tách cho các con mà cũng không được. Chúng tôi muốn thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư làm ăn không được, xây sửa nhà cửa cũng không dám, vì nhỡ sửa nhà xong mà bị thu làm dự án.

Theo bà Kim, ông Phi, hiện nay, toàn bộ giấy tờ đất đai của nhiều gia đình vẫn giữ nguyên cơ quan ký cấp là huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Ông Phi cho biết thêm, vì nằm trong quy hoạch nên đất nhà ông chỉ có giá khoảng 3-4 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với đất không nằm trong quy hoạch hiện ở thôn 7 (giá chừng 10 triệu đồng/m2). “Chúng tôi đã có ý kiến trong những lần tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp song đều nhận được lời an ủi “chờ” rồi lại im lìm kéo dài. Tôi mong muốn cấp trên giải quyết, nếu không có dự án thì gỡ quy hoạch để bà con yên tâm đầu tư làm ăn. Về đất ở, cho chúng tôi được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được hay chia tách sổ cho tặng các con…”.

Nhiều cấp ngành đều kiến nghị tháo gỡ

Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long cho biết: “Hơn 12 năm, trên địa bàn xã có tới 29 dự án mà chỉ khoảng 4 dự án khởi động, còn các dự án đều trong tình cảnh “án binh bất động”, chờ rà soát rồi điều chỉnh quy hoạch. Hiện tại, các dự án vẫn chưa có quyết định rõ ràng. Toàn xã có hàng nghìn hộ dân có đất ruộng và đất ở nằm trong quy hoạch, bị ảnh hưởng do chờ đợi thu hồi đất. Vì vậy, những quyền lợi của người dân gắn với quyền sử dụng đất như: Chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng đều không thể thực hiện, bởi có những dự án đã có quyết định thu hồi đất… Do dự án bị “treo” nên phát triển kinh tế xã hội của xã cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp muốn có đất để sản xuất, đầu tư đều lo ngại không dám làm. Nhiều công trình nhà văn hóa thôn, đường giao thông nội đồng cũng chưa được xây dựng vì dự án treo. Ngay cả trụ sở UBND xã cũng không được đầu tư xây dựng và cán bộ vẫn làm việc trong điều kiện công trình xuống cấp. Nhiều năm nay, chúng tôi cũng có ý kiến lên cấp huyện và thành phố mong sớm được tháo gỡ”.

Theo các báo cáo, các dự án này được phê duyệt đầu tư chủ yếu từ thời điểm trước khi Tiến Xuân sáp nhập về Hà Nội và đều do UBND tỉnh Hòa Bình ký chứng nhận/cấp phép/quyết định đầu tư. Các dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có các dự án khu đô thị, biệt thự nhà vườn, nghỉ dưỡng như: Khu biệt thự nhà vườn An Lạc (hơn 54,5ha); Xanh Villas Xuân Cầu (45,2ha); Khu đô thị Sudico (gần 1.200ha); khu biệt thự nhà vườn nghỉ dưỡng, sinh thái Việt Nam (38ha); khu dân cư Đại Xuân (33,8ha); khu đô thị sinh thái Lũng Xuân (199ha); khu đô thị Việt Hà (97,5ha)…

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất Vũ Thị Lệ Quyên cho biết, nhiều năm nay Hội cũng đã có ý kiến tại các hội nghị, các buổi làm việc với lãnh đạo thành phố đều bày tỏ mong muốn thành phố, Chính phủ quan tâm tạo điều kiện tháo gỡ các dự án treo trên địa bàn huyện cũng như tại xã Tiến Xuân, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, chị em được yên tâm sinh sống và lao động sản xuất nông nghiệp và sử dụng các quyền trên đất nông nghiệp và đất ở như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sử dụng vay vốn phát triển kinh tế; được xây dựng nhà…

Theo ông Nguyễn Đức Lượng, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất, huyện cũng đã có nhiều văn bản đề nghị thành phố và các sở, ngành sớm giải quyết dứt điểm, tháo gỡ các dự án đã treo nhiều năm nay ở Thạch Thất nói chung và Tiến Xuân nói riêng.

Hơn chục năm qua, người dân ở xã miền núi Tiến Xuân vốn chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp lại bị kiềm chế bởi 21 dự án quy hoạch treo, người dân và chính quyền đều trong tình trạng mòn mỏi trông chờ được tháo gỡ để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đề nghị các cấp thẩm quyền liên quan sớm có chính sách để tháo giỡ cho cả chính quyền lẫn người dân nơi đây.

MINH ĐẠT

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.