“Vành đai thép” siết đường mòn lối mở

Chia sẻ

Đến với lực lượng biên phòng tỉnh Điện Biên thời điểm này, quân số của các đồn đều căng mình bám trụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19, tạo nên “vành đai thép” siết đường mòn, lối mở, bảo vệ “phên dậu” biên cương của Tổ quốc.

Cán bộ đồn biên phòng Thanh Luông tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và công tác bầu cử tại chi bộ bản Hua Pe, xã Thanh LuôngCán bộ đồn biên phòng Thanh Luông tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và công tác bầu cử tại chi bộ bản Hua Pe, xã Thanh Luông

Chiến sỹ trực chốt kiểm soát dịch Lếch Cuông, Đồn BP Thanh Luông đo thân nhiệt cho người dân khi đi qua chốtChiến sỹ trực chốt kiểm soát dịch Lếch Cuông, Đồn BP Thanh Luông đo thân nhiệt cho người dân khi đi qua chốt

Vững vàng trên tuyến đầu chống dịch

Để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đều luôn thấm nhuần tư tưởng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, đồng bào các dân tộc là người thân, ruột thịt. “Điểm tựa lòng dân” ấy đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và động lực để các anh hoàn thành nhiệm vụ.

Với hơn 450km đường biên giới tiếp giáp hai nước Lào và Trung Quốc và 3 cửa khẩu, tỉnh Điện Biên có khu vực biên giới địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, đồng bào hai bên biên giới thường xuyên qua lại, ý thức chấp hành các quy định về xuất nhập cảnh còn hạn chế, làm tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan qua biên giới.

Chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc tại Bộ đội Biên phòng Điện Biên hết sức khẩn trương, hối hả. Từ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, các đồn, trạm, chốt lán đều tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng duy trì 100% quân số và các chốt, lán; tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh biên giới, khóa chặt các đường mòn, lối mở, nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp xuất nhập cảnh trái phép và các hoạt động buôn lậu qua biên giới.

Đại tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, đơn vị đã tổ chức đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc và Lào để nắm chắc thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình xuất nhập cảnh trái phép để thống nhất biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh ngăn chặn.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, siết chặt biên giới, rà soát chặt chẽ tạm trú, tạm vắng trên địa bàn, quyết liệt cùng cả nước ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với cấp uỷ chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch”- Đại tá Trần Nam Trung cho hay.

Tính đến hết tháng 2/2021, các đơn vị của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 324 trường hợp vượt biên, nhập cảnh trái phép, tiếp nhận 146 trường hợp xuất cảnh trái phép do phía Lào và Trung Quốc trao trả, bàn giao cơ quan chức năng đưa đến khu cách ly phòng dịch. Từ đó ngăn ngừa có hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.

Mệnh lệnh của trái tim

Đã qua hai mùa xuân, khi nhà nhà đoàn viên, sum họp thì hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn bám trụ trên đường biên, cột mốc, trên các tổ, chốt, thực hiện ba nhiệm vụ: Phòng chống dịch, đấu tranh với các loại tội phạm và tổ chức nhiều hoạt động cho người dân biên giới.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ vượt qua hơn 20km đường với liên tiếp các khúc cua tay áo đến chóng mặt, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Thanh Luông. Đi thêm 10km nữa là đến chốt kiểm soát, ngăn chặn dịch Lếch Cuông, một trong 3 chốt kiểm soát dịch do BĐBP Thanh Luông tổ chức. Dưới cái nóng như đổ lửa của vùng biên giới, thiếu tá Trần Tiến Lực, nhân viên trinh sát chỉ huy chốt chia sẻ, từ lúc lập chốt đến nay là hơn 1 năm, anh em dựng nhà bạt ở tạm một thời gian, đến Tết vừa rồi được dựng thành lán, quây tôn kiên cố. Hàng ngày, tại chốt phòng dịch khu vực Mốc 105 nằm trên trục đường tuần tra biên giới Việt Nam – Lào này, các chiến sỹ đo thân nhiệt và kiểm tra phương tiện quanh khu vực biên giới, nếu phát hiện hành vi vượt biên trái phép sẽ giữ lại, báo cáo chỉ huy để có phương án xử lý.

Tình hình dịch bệnh phức tạp càng tạo thêm thách thức cho biên phòng nói riêng và lực lượng liên ngành nói chung. Cũng vì nhiệm vụ, mà ở đồn biên phòng Si Pha Phìn, cách TP Điện Biên Phủ hơn 80km và là điểm nóng trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, nhiều cán bộ chiến sỹ đã 6, 7 tháng chưa được về nhà.

“Cách đây mấy tháng, chúng tôi đã phát hiện một số đối tượng định vượt biên, anh em tuần tra truy đuổi gắt gao vì đối tượng ngoan cố, đã đi sâu vào đất bạn. Cứ 2 - 3 tuần sẽ tổ chức lực lượng gồm 4 cán bộ biên phòng và 2 dân quân kiểm tra đường biên 1 lần. Mùa này gió Lào rất mệt, anh em luôn cố gắng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”- thiếu tá Trần Tiến Lực nói.

100% cán bộ, chiến sỹ trực chốt tại Lếch Cuông đều trong cảnh xa nhà. Nhớ lại thời điểm đón Giao thừa tại chốt, thiếu tá Lực bồi hồi: “Tết đến, xuân về ai chẳng nhớ thương gia đình, vợ con nhưng tôi và các đồng đội xác định tư tưởng, dù thời chiến hay thời bình, khi Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng có mặt. Vậy là khi ấy càng thấy anh em gắn bó, “ăn lán, ngủ rừng” quyết tâm chặn dịch”.

Quê nhà tận Thái Bình, anh Lực cũng đã lâu rồi chưa được gặp vợ con. Vợ ở nhà còn lo cho 2 con đi học, nên có khi cả năm mới lên thăm chồng 1 lần. “Cũng may giờ đây có sóng điện thoại, gia đình tuy xa mà gần. Ở giữa núi rừng hùng vĩ, nghe giọng vợ động viên, các con ríu rít hỏi thăm bố, chúng tôi như được tiếp thêm rất nhiều dũng khí”- anh Lực nói.

Dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, phòng, chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ, một cuộc chiến gian khổ và ròng rã. “Ở nhà, vợ con lo lắng lắm chứ! Nhất là mùa rét vừa qua, chỉ cảm cúm thôi cũng có thể gây hoảng loạn. Rồi cả vất vả ở vùng biên, cám dỗ nhiều, hiểm nguy cũng lắm. Có đến tận đây, nhìn tận mắt cán bộ, chiến sỹ không màng khó khăn để chấp hành nhiệm vụ, mới thấy có được sự bình yên thì phải đánh đổi nhiều thế nào. Với chúng tôi, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim và là trách nhiệm của người lính biên phòng”- thiếu tá Phạm Ngọc Tuyên, Chính trị viên đồn biên phòng Thanh Luông tâm sự.

Chưa dạn dày sương gió như chỉ huy, Sùng A Tô năm nay mới bước vào tuổi 21. Nhiệm vụ của người chiến sỹ này là tuần tra mỗi tuần 1 – 2 lần, từ trạm kiểm soát Lếch Cuông lên mốc quốc giới 105. Tô kể, mỗi ca trực, cậu đi bộ hết 6 tiếng đồng hồ. Nhập ngũ được hơn 1 năm, những ngày đầu còn mệt thì đi chậm hơn các chú, các anh một tí. Càng ngày càng dạn dĩ, được chỉ bảo nhiều, “giờ em đi vượt các chú rồi!”…

Nhà Sùng A Tô ở Mường Nhé, cách Thanh Luông 200km. Chiến sỹ nghĩa vụ người H’Mông này chưa có người yêu nên lâu lâu chỉ gọi điện về nhà, hỏi thăm bố mẹ và 2 em, 1 trai 1 gái. Tô kể rằng, không phải lớn lên, học xong mới chọn đi bộ đội, mà từ nhỏ, em thấy các chú ở đồn biên phòng quê nhà làm nhiệm vụ, thấy các chú vào nhà chơi rất thân tình nên khi đi nghĩa vụ, em rất mong được trở thành bộ đội biên phòng như các chú ngày ấy. Bước vào môi trường quân ngũ, Sùng A Tô tự xác định nhiệm vụ tuần tra cột mốc gian khổ nhưng luôn lấy tấm gương các chú để phấn đấu.

“Bố mẹ em ở nhà luôn động viên, nhắc nhở em vâng lời cấp trên, không ngại khó ngại khổ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, em sẽ cố gắng học để thi vào chuyên nghiệp, được như các chú các anh bây giờ”- Tô vui vẻ trải lòng, quên ngay những mệt mỏi của lần tuần tra vừa kết thúc.

Trong điều kiện làm nhiệm vụ và sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng những người lính nơi biên cương này vẫn toát lên vẻ lạc quan, yêu đời và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài trồng rau, bộ đội tại các điểm chốt còn nuôi gà để cải thiện đời sống và có những chú chó cảnh giới làm bạn, giúp phát hiện người xâm nhập biên giới bất hợp pháp. Hàng tuần, luôn có cán bộ đồn biên phòng Thanh Luông lên kiểm tra động viên tinh thần anh em.

“Thêm cả tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, chúng tôi xác định tập trung hết cho nhiệm vụ tăng cường và luôn động viên gia đình để có sự đồng cảm”- Trung tá Lương Hoàn Hiển, Đồn trưởng Đồn biên phòng Si Pha Phìn chia sẻ.

Người cán bộ dạn dày sương gió cho rằng, ở với dân, làm việc gần dân, hòa vào dân, bộ đội biên phòng được ví như người cán bộ tổng hợp. Vừa là người làm công tác dân vận, tuyên truyền nhưng phải xác định, nhân dân và địa bàn chính là gia đình mình, quê hương thứ hai của mình. “Có như vậy thì mới tạo sự gần gũi. Bản thân phải tham gia như một thành viên gia đình thì khi nói dân mới nghe, phải làm được thì dân mới thấu hiểu”. Bởi thế, cùng với công tác tuyên truyền của báo chí, những đóng góp của người lính biên phòng qua tiếp xúc, trò chuyện tâm sự với người dân đã đưa các thông điệp phòng chống dịch được truyền tải đúng đắn tới bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn đóng quân.

Dù chỉ là những chấm phá rất nhỏ, nhưng được gặp gỡ, tiếp xúc và chứng kiến các cán bộ, chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ tại các chốt chặn và cửa khẩu, chúng tôi càng thấu hiểu hơn công việc tuần tra biên giới bảo vệ an ninh chủ quyền, chống xâm nhập, xâm lấn trái phép. Những chiến sỹ quân hàm xanh ấy đang ở tuyến đầu, đối diện với nguy cơ đầu tiên phơi nhiễm, nhưng họ đều sẵn sàng chấp hành nhiệm vụ vì Tổ quốc, vì đồng bào, không ngại khó, ngại khổ, “nặng tình quê hương canh giữ trên miền đất mẹ”.

Bài và ảnh: MAI CHỊ

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.