Lấy phải chồng nghiện

Chia sẻ

Nửa đêm, đang ngon giấc thì vợ chồng bà Nhuần bị đánh thức bởi tiếng xe ô tô rú ga ở ngay cổng nhà. Làng ngoại thành vốn yên tĩnh mà có tiếng động gì thì vang rất to. Bà Nhuần chợt thấy lo: “Không biết có phải con gái bà từ ngoài phố về không? Sao số nó khổ thế không biết...”.

Bà Nhuần đang nghĩ thế, thì bỗng tỉnh hẳn khi nghe tiếng gọi cổng của Thư. Đúng con gái bà về thật. Bà lật đật ra mở cổng, chưa kịp hỏi con có chuyện gì mà về nhà giữa đêm, lại phải đi taxi, thì Thư đã bật khóc tức tưởi, tiếng khóc có lẽ phải kìm nén đã lâu:

- Mẹ! Hu hu... Anh Thịnh đánh con, đuổi con ra khỏi nhà... hu hu...

Bà Nhuần buồn nẫu ruột, nhưng vẫn nhẹ nhàng an ủi con gái:

- Con cứ vào nhà đã, đêm khuya thế này con cứ ngủ đi, mai có gì mẹ con mình nói chuyện sau nhé.

Ông Nhuần đứng đấy tự khi nào, ông bực bội:

- Thằng mất dạy, nó dám đánh, dám đuổi con à? Nó chỉ là thằng nghiện chứ là cái thá gì? Thôi con ly hôn quách nó đi cho nhẹ nợ!

Bà nhẹ nhàng:

- Thì bố cứ để con nó ngủ với mẹ, mai có gì nói chuyện sau...

Con gái ôm mẹ khóc một lát, được mẹ vỗ về, an ủi cũng đỡ tủi, rồi mệt quá ngủ lúc nào không hay. Chỉ bà Nhuần là không ngủ được. Bà thương con gái, xót con gái, nước mắt cứ ứa ra, chảy ướt đẫm cả cuộc đời đã tưởng hạnh phúc trọn vẹn của bà...

Ảnh minh họaẢnh minh họa.

Vợ chồng bà đều là giáo viên PTTH, con trai là dược sĩ, có vợ đẹp con khôn, mua được nhà ngoài phố. Con gái tốt nghiệp ĐH ngành tài chính, rồi cũng đi làm một cơ quan. Vợ chồng bà cả mừng nghĩ rằng bõ bao tháng năm vất vả nuôi con ăn học thành người. Một hôm con gái cho mẹ xem ảnh một thanh niên tuấn tú, đang du học ở nước ngoài, bố mẹ cũng làm cơ quan nhà nước, nhà ở quận trung tâm. Thư khoe quen nhau qua mạng, thấy nhà Thịnh cơ bản, bố ngày xưa cũng du học Liên-Xô, nên Thư nhận lời, đợt này Thịnh tốt nghiệp rồi sẽ về nước làm đám cưới. Bà Nhuần bán tín bán nghi: “Quen trên mạng có tin được không con?”. Thư cười: “Thì đợt này anh về, mẹ cứ tìm hiểu, con sẽ đến nhà anh gặp bố mẹ và chị gái anh xem sao, mẹ yên tâm”.

Thịnh về nước, Thư dẫn về nhà giới thiệu. Vợ chồng bà Nhuần thấy Thịnh cũng ngoan, hiền, mặt mũi sáng sủa thật, chỉ có hơi gầy hơn trong ảnh trên facebook. Nhưng ai cũng dễ dàng thông cảm, vì lý do mà Thịnh đưa ra: “Học hành vất vả, lại lười nấu ăn”. Ít hôm sau, bố mẹ Thịnh vào đặt vấn đề cưới hỏi cho 2 trẻ, thấy ông Thịnh cũng là người học cao, phong độ gia giáo, bà Thịnh cũng là giáo viên tiểu học, nên ông bà Nhuần cũng thấy gần gũi, tin tưởng. Thế là đám cưới chỉ sau đám hỏi có 2 ngày.

Cưới xong Thư về nhà chồng trong phố. Bà Nhuần cũng buồn vì con gái vốn sống rất tình cảm, nhưng đi lấy chồng rồi đến mấy tháng mới ghé về thăm bố mẹ một chốc lát lại đi ngay. Đến bữa cơm trưa Chủ nhật cũng ăn vội với mẹ để về lo việc nhà chồng. Bà nhìn mắt con gái thấy buồn buồn, không vui vẻ vô tư như ngày trước, bà gặng hỏi thì con nói tại con bầu bí mệt nên thế thôi, mẹ đừng lo.

Ngày Thư sinh con trai đầu lòng, bên ông bà Thịnh mừng ra mặt. Nhưng một hôm bà Thịnh có việc về quê, bà Nhuần ra nhà thông gia chăm con gái đẻ, bà choáng váng khi nhìn thấy Thịnh đang lén lút sử dụng ma túy. Thì ra con gái bà buồn khổ, lén thở dài và thưa dần về thăm bố mẹ đẻ chính là nguyên nhân này đây. Lúc này Thư mới tâm sự thật với mẹ, cô không biết Thịnh nghiện cho đến khi có bầu được hơn 3 tháng, hạnh phúc thực sự tưởng như tan vỡ, Thư tuyên bố chia tay chồng nghiện, nhưng Thịnh van xin cho cậu đi cai, cậu hứa sẽ vì vợ con mà cai nghiện. Nghĩ đến đứa con trong bụng, Thư lại cố hy vọng chồng sẽ đi cai được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng trước đây Thịnh đã đi cai mấy lần đều không thành, đợt đi nước ngoài cũng là bố mẹ bỏ tiền cho cậu “đi du học”, nhưng thực ra để tránh xa bọn bạn ma túy. Thịnh khóc: “Anh đã cai thành công rồi, nhưng hễ cứ ra đường, chỉ cần người đi lướt qua anh mà nghiện là bắt được mùi đặc trưng ngay. Thế là cơn nghiện nó trỗi dậy tức thì, và nó thôi thúc phải sử dụng ma túy ngay lập tức. Mắc nghiện này anh cũng khổ lắm. Xin em đừng bỏ anh...”. Quả thực con nghiện lúc “hót” thì “con kiến trong lỗ cũng bò ra”, nên Thư đã rất hy vọng sau khi cô sinh con, chờ cho bé cứng cáp thì sẽ động viên chồng đi trung tâm cai cho dứt điểm.

Nghe Thư nói vậy, bà Nhuần cũng tạm an lòng. Sau đó ít lâu, Thịnh vào trung tâm cai thật. Sau cai, Thư đưa chồng con về ngoại, nhờ bố mẹ có vườn tược, cho con rể lao động chân tay, trồng chuối, chăm bưởi, tỉa cành mít, nuôi gà vịt... miễn là có lao động để ăn được ngủ được, quên đi quá khứ. Nhưng tiếc quá, tỉ lệ cai nghiện ma túy thành công rất thấp, Thịnh nhanh chóng tái nghiện. Thư lại ôm con theo chồng quay về nhà bố mẹ chồng. Vợ chồng bà Thịnh cũng kiệt quệ vì nuôi con nghiện đã lâu, đã đưa con đi cai khắp nơi, đầu tư cả bạc tỉ cho con ra nước ngoài. Mẹ Thịnh nghỉ hưu, phải mở quầy bán bánh mì thịt xiên nướng, nhưng cũng chỉ thêm nếm tiền đưa cho Thịnh mua ma túy. Nay bà Thịnh không còn chu cấp cho con được nữa. Đồng lương của Thư thấp vì mới đi làm được vài năm, cũng không chu cấp nổi cho chồng, thì Thịnh ăn cắp đồ đạc trong nhà bán dần, kể cả dây chuyền, nhẫn cưới của vợ chồng, rồi đến giật dây chuyền của mẹ và chị gái. Tất cả bán để thỏa cơn nghiện, mà nghiện ngày càng nặng. Người Thịnh ngày càng héo khô, hầu như chỉ còn da bọc xương, 2 con mắt thô lố trong 2 cái hốc sâu hoắm.

Thế rồi một hôm, Thư nhận được điện thoại của Công an quận, yêu cầu cô đến ngay, Thịnh bị bắt quả tang vì vào quầy sửa điện thoại trộm điện thoại cũ. Thư tưởng như đất trời sụp đổ. Cũng may bị hại là hàng xóm trong khu phố, biết ông Thịnh là người tốt, không may có con trai nghiện, lại thương Thư khóc lóc van xin, đã rút đơn kiện, nhờ thế mà Thịnh được xóa tội. Ông Nhuần biết chuyện, thở dài, khuyên Thư nên ly hôn, ôm con về ở với bố mẹ đẻ cho sướng, tội gì phải khổ thế. Nhưng bà Nhuần nghĩ khác, bà động viên con gái, thôi thì số con khổ, đã trót “sa ruộng lầy” nhưng nếu con bỏ nó thì tội cho con của con, nếu con trẻ lớn lên không thành người tốt thì con có tội với tổ tiên, với xã hội; con cố gắng thì bố mẹ sẽ hỗ trợ con, từ nay sẽ giúp con thêm thắt để Thịnh đi cai lần nữa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thịnh đi cai lần này rất quyết tâm. Hết thời hạn cai trong trung tâm, cậu về nhà tự nguyện nhốt mình trên tầng 3, cửa khóa ngoài do bố cầm chìa khóa. Ngày 3 bữa cơm có mẹ và vợ bê lên đưa qua cửa sổ. Được một thời gian như vậy, cả 2 họ đã mừng vì Thịnh đã có da có thịt trở lại. Thịnh đã trở lại sinh hoạt trong nhà, không cho ra đường, không cho tiếp xúc kẻ nghiện. Cứ thế thấy yên tâm. Thế là Thư lại có thai rồi sinh con thứ 2 cũng là trai. Nội ngoại 2 bên làm tiệc chẵn tháng tưng bừng, cũng là ngầm mừng cho Thịnh cai thành công.

Nhưng oái oăm chả ai học hết chữ ngờ! Toàn bộ tiền mừng bé chẵn tháng đã không cánh mà bay. Thư hốt hoảng hỏi chồng, Thịnh chối không biết. Thư òa khóc: Anh nói thật đi, anh lấy tiền trả ma túy phải không? Thịnh cúi đầu nhận. Thì ra trong thời gian Thịnh tự nhốt mình trên tầng 3, bọn xã hội rình rập, móc nối, dùng súng cao su bắn ma túy bọc trong bã kẹo cao su, cho dính vào cửa sổ phía tường ngoài, Thịnh cứ thế lấy vào sử dụng. Toàn bộ tiền ma túy chúng cho nợ, đến nay thấy nhà có tiệc mừng, chúng đến đòi. Thịnh sợ lộ, nên ăn cắp tiền trả cho chúng, nhưng còn nợ chúng nhiều lắm, chỗ tiền mừng của con chả thấm tháp gì! Thịnh van xin vợ đừng làm ầm lên khiến bố mẹ biết. Xin cho anh cơ hội khác, để anh được sống với vợ và 2 con.

Thư gần như sụp đổ hoàn toàn. Cô không còn khóc nổi nữa. Thư nghĩ thương bố mẹ cô, đã âm thầm trợ giúp con gái biết bao tiền bạc, hy vọng giúp con rể cai nghiện được để làm người lương thiện. Có thằng rể mắc nghiện mà cả nhà bố mẹ vợ cũng gần như khánh kiệt theo, bởi tất cả mọi người đều mơ tưởng một ngày Thịnh thoát nghiện. Ai ngờ bọn nghiện bám riết lấy con mồi, chúng săn và “chăm sóc” con mồi bằng mọi giá! Trước đây khi Thịnh là con nhà khá giả thì chúng săn rủ đi ăn chơi, cho dùng “miễn phí”, khi dính vào mắc nghiện rồi thì chúng thu lời trên con người Thịnh, ban đầu 1 liều/1 ngày, sau đó 2 liều và hiện nay là 3 liều dùng/ ngày. Mỗi liều khoảng 300.000-500.000đ, bình quân Thịnh phải chi cho ma túy từ 1.000.000 đến 1,5 triệu đ/ngày, tiền có là núi cũng sụp, huống chi đồng lương của bố mẹ 2 bên!

Bọn xã hội thường xuyên đến ép trả nợ. Cả nhà Thịnh lại quay như chong chóng tìm tiền trả nợ cho chúng. Thư không còn sức nên mất sữa, cũng không còn tiền mua sữa cho con, cô đã phải vay mượn bạn bè, đồng nghiệp. Đã thế mẹ chồng bị côn đồ đe dọa ép phải trả nợ tiền mua ma túy cho Thịnh, bà dồn ép con dâu xin hoặc vay mượn tiếp của bố mẹ đẻ. Thư nói cô không thể ép thêm vì bố mẹ ruột cô cũng đã gần như khánh kiệt vì Thịnh. Thấy vợ “dám cãi”, Thịnh lao vào đấm đá rồi đuổi vợ ra khỏi nhà lúc nửa đêm. Thư đành thuê xe chạy về nhà bố mẹ ruột...

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.