Chương Mỹ phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới năm 2021

Chia sẻ

Sáng 7/4, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; trọng tâm là công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ, đoàn đã thăm mô hình sản xuất tại Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn) và thăm mô hình chế biến thịt gia súc, gia cầm của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ về công tác xây dựng nông thôn mới.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ về công tác xây dựng nông thôn mới.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa báo cáo: Trên địa bàn huyện đã có 30/30 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%). Về tiêu chí huyện nông thôn mới, đối chiếu với quy định, huyện Chương Mỹ tự chấm đạt 95/100 điểm. Cụ thể, huyện có 6/9 tiêu chí đạt; 3/9 tiêu chí cơ bản đạt. Huyện phấn đấu năm 2021 đạt chuẩn huyện nông thôn mới và có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu đến 2025, có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm là 5,31%/năm. Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 67,1%, trồng trọt chiếm 32,9%. Huyện đã dồn điền đổi thửa được hơn 10.521ha, bằng 98,7% so với kế hoạch của huyện và 100,75% so với kế hoạch thành phố giao.

Đối với phát triển kinh tế, huyện có 64 hợp tác xã nông nghiệp; 1 khu công nghiệp (Phú Nghĩa); 10 cụm công nghiệp (theo quy hoạch), trong đó có 4 cụm đã hình thành và đi vào hoạt động; 36 làng nghề đã được công nhận, 175 làng có nghề, 720 doanh nghiệp và trên 8 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…

Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đề xuất, kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; có cơ chế đặc thù hỗ trợ đối với các xã đăng ký đạt nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố cũng sớm có văn bản chính thức bàn giao công trình thủy lợi cho cấp huyện quản lý theo Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 24-9-2020 và hướng dẫn việc thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với công trình do cấp huyện quản lý. Huyện cũng đề nghị thành phố có cơ chế để lại toàn bộ số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với các khu vực đấu giá có diện tích từ 5.000m² trở lên cho cấp huyện để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội...

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương đề xuất thành phố quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa cho các thôn, xã của huyện khó khăn, chưa cân đối được ngân sách đầu tư để đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới; nâng cấp hệ thống giao thông vào các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch như chùa Trầm, chùa Trăm Gian... Huyện Chương Mỹ cũng cần khai thác thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, tâm linh... để phát triển kinh tế - xã hội.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Là huyện có diện tích lớn, có nhiều làng nghề, nhưng Chương Mỹ cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, huyện cần xây dựng phương án phòng chống lũ, đặc biệt là cho vùng hữu Bùi nhằm tăng cường khả năng thoát lũ. Về kiến nghị của huyện, hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh những kết quả đạt được của huyện trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, chỉ ra một số hạn chế của huyện như: Tăng trưởng nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện; hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân; một số thôn chưa có nhà văn hóa, nhiều nhà văn hóa xuống cấp, nhỏ hẹp chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu huyện Chương Mỹ rà soát lại các quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển thị trấn Chúc Sơn, Xuân Mai trong tương lai. Huyện cũng cần rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu, nghị quyết năm 2021; tập trung thu ngân sách; quan tâm đến quản lý đất đai; mở rộng cụm công nghiệp Phú Nghĩa và hoàn thành giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Đông Phú Yên. Huyện Chương Mỹ cần hoàn thành các tiêu chí trở thành huyện nông thôn mới năm 2021 và xây dựng tốt chương trình hành động thực hiện 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của huyện Chương Mỹ; đồng thời, giao các sở, ngành tham mưu thành phố giúp huyện tháo gỡ khó khăn, tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Tiếp thu ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và các đồng chí lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng khẳng định, huyện quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.