Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội:

20 năm vẫn chưa về đích, người dân chưa thể an cư

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -17 hộ dân ở thôn 5, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) di dời từ nơi ở cũ đến nơi ở mới tại khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, họ đang sống trong điều kiện nhiều khó khăn từ đường giao thông, điện, nước sinh hoạt... Đây cũng là lý do khiến hàng trăm hộ dân đã bàn giao đất để thực hiện dự án nhưng “chưa dám” về ở tại khu tái định cư.

20 năm vẫn chưa về đích, người dân chưa thể an cư - ảnh 1
Đường vào khu tái định cư Đại học Quốc gia.

Nơi ở mới khó khăn tứ bề

Liên quan đến khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài “Dự án Đại học quốc gia Hà Nội: Hàng trăm hộ dân ở Thạch Hòa sống tạm vì chưa được tái định cư” đăng ngày 31/12/2022 và bài “Khắc khoải mong nước về” đăng ngày 5/4/2023 phản ánh về việc dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia chưa hoàn thiện nhiều hạng mục, nhất là các hạng mục thiết yếu như đường giao thông, điện, nước, trường học… nên người dân chưa thể về an cư. 

Theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô trở về xã Thạch Hòa, theo con đường nối từ Tỉnh lộ 84 vào khu tái định cư, vẫn là đường đất, gập ghềnh sỏi đá, đúng ngày trời mới mưa nên còn lầy lội, đã thấy sự khó khăn trong việc đi lại của người dân nơi đây. Vào nội khu tái định cư, đường trải nhựa chạy giữa, hai bên là những lô đất cỏ mọc cao vượt tầm mắt. Hai khu nhà được xây dựng làm trường học có dấu hiệu gần xong mà im ắng không một bóng người. Đi đến cuối con đường dài chừng hơn 1km mới đến nơi ở của những người dân thôn 5, xã Thạch Hòa mới di dời đến đây xây dựng nhà ở vì đã bàn giao nhà ở cũ để thực hiện dự án xây dựng Đại học Quốc gia.

Phấn khởi khi gặp phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Nguyễn Thị Thêm chia sẻ: “Ngôi nhà cũ của chúng tôi đã bàn giao cho dự án, nay chính là vị trí sân trường Đại học Quốc gia. Ngày 23/9/2021, gia đình tôi bàn giao mặt bằng cho dự án, đến 13/5/2022 thì nhận đất tái định cư này. Sau 6 tháng đi thuê nhà ở để xây dựng nhà mới tại đây, gia đình đã phải khắc phục nhiều khó khăn. Tháng 10/2022, là người đầu tiên “cắm dùi” ở đây, nhưng điện không, nước không, đường vào khó, chúng tôi đã phải mua điện với giá 3.000 đồng/kWh. Còn nước thì phải nói là gian truân, khoan đến 3 mũi khoan không có nước, phải đào giếng khơi được ít nước thì lại có mùi hôi, khoan mũi thứ 4 mới mò được nước”. 

Chỉ vào chiếc quạt, bà Thêm cho biết: “Ở đây chúng tôi đang phải dùng điện nhờ của Ban Quản lý dự án Đại học Quốc gia nên có giá 3.000 đồng/kWh. Cả nhà ưu tiên cho cháu nhỏ bật điều hòa, ông bà phải chịu nóng chứ tiền điện cao quá. Dùng tiết kiệm lắm mà mỗi tháng nhà tôi cũng phải trả tới 2 triệu đồng tiền điện. Với người dân lao động như chúng tôi thì số tiền đó quá cao”.

Cùng cảnh ngộ, từ tháng 7/2023, gia đình ông Phan Văn Đông xây dựng nhà ở vị trí được giao đất tái định cư. Lường trước việc khó khăn trong việc tìm nước giếng khoan, ông Đông đã thuê khoan giếng độ sâu 70m với giá 45 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 2 mũi khoan ở độ sâu 70m rồi mà không có nước, ông Đông phải đi xin nước để phục vụ việc xây dựng nhà. Điện thì phải mua lại giá 3.000 đồng/kWh, chạy nhờ Ban Quản lý dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia. Khi đi vào hoàn thiện nhà ở, ông Đông lo lắng về việc tới đây gia đình về ở trong tình trạng các điều kiện sống tối thiểu còn đang thiếu.

Dẫn chúng tôi đến các hố ga trong khu tái định cư, ông Đặng Quang Thanh (chồng bà Thêm) cho biết, ở đây cỏ mọc um tùm khó nhận biết, nếu không cẩn thận thì người dân sẽ bị mắc “bẫy” sa vào hố ga không có nắp như thế này rất nguy hiểm. Chỉ vào hố ga sâu tới hơn 3m, ông Thanh cho biết, mới đây trong khu tái định cư này đã có con bò to rơi xuống hố ga. Vì thế người dân phải rà soát và đánh dấu để cảnh báo nguy hiểm từ các hố ga giống như những “cái bẫy”.

“Chúng tôi đã đếm được 78 hố ga ở khu vực này không có nắp. Người dân phải làm các biện pháp thô sơ là che tạm, lấy cành cây rào chắn để cảnh báo, giảm bớt nguy hiểm”- ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng thôn 5, xã Thạch Hòa cho biết, thôn 5 có tổng số hơn 600 hộ thì có tới 317 hộ nằm trong vùng lõi Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Do khu tái định cư chưa hoàn thành nên hiện mới có 97 hộ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, còn lại vẫn chưa thể di chuyển bởi khu tái định cư chưa hoàn thiện. Gần 1 năm nay, 17 hộ lần lượt về xây dựng nhà nhưng gặp khó khăn tứ bề. Hạ tầng đường vào nối từ Cầu Sắt Hòa Lạc vào khu tái định cư chỉ hơn 1km nhưng vẫn là đường đất, nhiều ổ gà, ổ voi. Đường điện dù đã có nhưng người dân vẫn chưa được cấp điện, phải mua điện giá cao. Hai trường học xây chưa hoàn thiện sử dụng, rồi khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự cho người dân nơi đây... 

Dự án khởi công đã 20 năm, cần đẩy nhanh tiến độ về đích
Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất, có quy mô sử dụng đất khoảng 1.113,7ha, quy mô khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và 6.550 cán bộ, nhân viên. Dự án được khởi công ngày 20/12/2003, theo kế hoạch ban đầu, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2003-2007, giai đoạn 2 từ 2008-2015. Tuy nhiên, đã gần 20 năm triển khai, đến nay dự án này vẫn chưa về đích. Vì thế cũng đã 20 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Thạch Hoà nằm trong tình trạng chờ dự án. 

20 năm vẫn chưa về đích, người dân chưa thể an cư - ảnh 2
Các hộ dân ở Khu tái định cư dự án Đại học Quốc gia chia sẻ với phóng viên 
Báo Phụ nữ Thủ đô.

Dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 18/10/2013; Bộ Xây dựng phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1206/QĐ-BXD ngày 30/9/2014... Đến nay, dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất làm đại diện chủ đầu tư. 

Năm 2016, dự án khu tái định cư Đại học Quốc gia khởi công xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các gói thầu thuộc tiểu khu BC, BE phân khu phía Bắc dự án, do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng; giá cả vật tư, vật liệu tăng cao... nên tiến độ thi công một số công trình triển khai chậm.

Thông tin đến Báo Phụ nữ Thủ đô, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất Liêu Thị Nguyệt Anh cho biết, hiện tiểu khu BC đang triển khai 9 hạng mục công trình nhưng mới có 2/9 công trình là Trường Mầm non và Trường Tiểu học đã thi công xong, đang hoàn thiện để bàn giao đưa vào sử dụng; 7/9 công trình còn lại mới đạt 70-90% khối lượng thi công. 

Lý giải về tiến độ chậm, bà Liêu Thị Nguyệt Anh cho rằng do vướng mặt bằng. Cụ thể, gói thầu thi công san nền, kè đá, giao thông và thoát nước tiểu khu BC1 thi công xong toàn bộ phần diện tích đã bàn giao mặt bằng; nhưng hiện vướng mặt bằng của 3 hộ dân, diện tích khoảng 1.000m2 nên chưa triển khai thi công khoảng 60m đường giao thông thuộc tuyến số 9. 

Gói thầu ký hiệu XL-02 đã thi công xong phần hè đường, mặt đường, song do vướng đất của một đơn vị quân đội liên quan đến khu vực thi công nên gói thầu đang tạm dừng...

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đảm bảo các điều kiện cho người dân về xây dựng nhà ở khu tái định cư này, huyện Thạch Thất đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. 

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện dự án đã hết, UBND huyện Thạch Thất lại liên tục có văn bản gửi Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị điều chỉnh kéo dài thời gian để thực hiện Dự án từ 2018-2022 sang 2018-2025. Nhưng đến nay, UBND huyện Thạch Thất vẫn chưa nhận được văn bản phúc đáp của phía Đại học Quốc gia Hà Nội, do vậy chưa thể triển khai tiếp dự án.

Như vậy, mong muốn của người dân xã Thạch Hoà sau khi bàn giao đất để thực hiện dự án Đại học Quốc gia, được nhận đất ở khu tái định cư có được cuộc sống ở nơi ở mới đảm bảo các điều kiện tối thiểu rất cần sự phối hợp vào cuộc từ phía Đại học Quốc gia và UBND huyện Thạch Thất để tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này.

Về nội dung trên, Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.