Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội:

9 năm, người dân chưa được cấp sổ đỏ

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho gia đình, bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo ở số 32, khu tập thể F361 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã mất 9 năm mà vẫn chưa xong. Bà Thảo liên tục khiếu nại UBND quận Tây Hồ đề nghị giải thích rõ về nghĩa vụ nộp thuế để được cấp sổ đỏ bởi nội dung giải quyết khiếu nại vẫn chưa thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của gia đình bà.

9 năm, người dân chưa được cấp sổ đỏ - ảnh 1
Cổng nhà bà Thảo (cổng sắt bên phải), gia đình sinh sống ổn định, không có tranh chấp từ tháng 2/1993 đến nay.

Hồ sơ nộp đủ, bị om 3 năm 4 tháng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo cho biết, ngày 1/2/1993, bà mua một ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 151m2 của ông Nguyễn Quang Minh, ở số 32, đường 1, khu tập thể F361 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Từ đó đến nay, gia đình bà Thảo sinh sống liên tục ở đây và không có bất kỳ tranh chấp nào. 

Ngày 23/8/1997, gia đình có nhu cầu xây dựng nhà ở, bà Thảo làm đơn xin phép xây dựng gửi đến UBND quận Tây Hồ và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội. Ngày 8/11/1997, gia đình bà Thảo được Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 266/GPXD trên diện tích đất 150m2, với các hạng mục: Cải tạo nhà cũ 1 tầng cấp 4 thành nhà ở cao 3 tầng.

Ngày 5/7/2011, bà Thảo nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp sổ đỏ. Nhưng đến 3 năm 4 tháng sau, qua nhiều lần trả đi trả lại, kiến nghị, đối thoại, đến ngày 28/11/2014, UBND phường Yên Phụ xác nhận bà Thảo đã đăng ký kê khai và nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Trước đó, ngày 24/11/2014, UBND quận đã có Quyết định số 3701/QĐ-UBND về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho gia đình bà Thảo. Điều đáng nói là, quyết định lại căn cứ theo khoản 2, khoản 4, Điều 19 và khoản 2, Điều 46 theo Quyết định 24/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, về việc “Xử lý những trường hợp có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 1/7/2004”. Theo đó, gia đình bà Thảo phải nộp 50% tiền sử dụng đất cho diện tích 90m2 và 100% tiền sử dụng đất nhân hệ số K vượt hạn mức cho diện tích 58,7m2.

Gia đình bà Thảo không đồng ý với quyết định của UBND quận Tây Hồ, nên ngày 3/12/2014, tiếp tục có đơn kiến nghị gửi UBND quận đề nghị giải thích rõ các nội dung trong quyết định đó. Đến ngày 10/2/2015, bà Thảo mới nhận được trả lời của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Tây Hồ (Văn bản số 341/TN&MT ghi ngày 24/12/2014).

Gia đình bà Thảo không đồng tình với nội dung UBND quận quy kết thuộc trường hợp lấn chiếm, hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép…, nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Từ đó đến nay, nhiều văn bản của UBND quận Tây Hồ lại đưa lý do “đã hết thời hạn khiếu nại” để không giải quyết đơn của bà Thảo, nên gia đình rất bức xúc.
Văn bản “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Qua 9 năm ròng rã khiếu nại 2 văn bản gồm Quyết định 3701/QĐ-UBND của UBND quận Tây Hồ và trả lời số 341/TN&MT của Phòng TN&MT quận, gia đình bà Thảo đã gửi nhiều đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Các cơ quan này đều có văn bản trả lời, tiếp nhận và chỉ đạo xác minh làm rõ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

Hồ sơ vụ việc trong quá trình giải quyết và xác định nguồn gốc đất của gia đình bà Thảo giữa UBND phường Yên Phụ và quận Tây Hồ lại không khớp nhau. Đơn cử như, tại công văn số 999/UBND-TN&MT ngày 26/9/2013 của UBND quận Tây Hồ, phường Yên Phụ phải liệt gia đình bà Thảo vào trường hợp đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng sau ngày 15/10/1993 và trước ngày 1/7/2004.

Tuy nhiên, văn bản số 254/CV-UBND, ngày 27/9/2014 của UBND phường Yên Phụ phản bác lại văn bản của UBND quận Tây Hồ khi cho rằng: Căn cứ Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn luật, hồ sơ kê khai bổ sung của gia đình bà Thảo thì “việc áp dụng hướng dẫn tại Công văn số 999/UBND-TN&MT của quận Tây Hồ là không phù hợp”. 

Tại các văn bản ngày 28/2/2022 và ngày 18/3/2022 của UBND phường Yên Phụ báo cáo gửi UBND quận Tây Hồ về việc xác minh, kiểm tra nguồn gốc đất đều cho thấy, diện tích đất của bà Thảo được xác định là “mua bán và có tài sản trên đất từ trước ngày 15/10/1993”.

Tại Văn bản số 201/UBND-ĐC, ngày 26/7/2022 của UBND phường Yên Phụ gửi UBND và Phòng TN&MT quận Tây Hồ về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng nhà, đất của gia đình bà Thảo thể hiện rõ: Từ trước năm 1989, trên phần diện tích đất của gia đình ông Minh (người bán nhà cho bà Thảo) có ngôi nhà cấp 4, diện tích khoảng 30m2 sử dụng để ở… đã nhượng lại cho gia đình bà Thảo.

Như vậy, mỗi một việc xác minh nguồn gốc đất của gia đình bà Thảo đã cho thấy sự bất cập theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khiến cho vụ việc kéo dài chưa được giải quyết thấu tình, đạt lý. 

Theo Luật Đất đai 2013, tại điểm d, khoản 1, Điều 100 quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993 thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Áp quy định này, gia đình bà Thảo có hợp đồng mua bán nhà đất trước ngày 15/10/1993 và được UBND xã xác nhận như vậy thì được cấp giấy chứng nhận mà không phải nộp tiền sử dụng đất. 

Theo đuổi việc nhận quyền lợi chính đáng của gia đình mà mất thời gian đến cả thập kỷ, bà Thảo vô cùng mệt mỏi và cho rằng việc áp dụng chính sách pháp luật sai là đang “hành” dân. Sau trả lời của đại diện Phòng TN&MT quận cho rằng bà Thảo có thể gửi đơn ra Toà án nhân dân để được giải quyết, bà Thảo cũng từng nộp đơn ra Toà án nhân dân quận Tây Hồ thì Toà án lại không thụ lý với lý do “không có quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại mà chỉ có thông báo từ quận”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.