Huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) bán đất trái thẩm quyền:

Chính quyền làm sai, dân chịu thiệt?

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Một số hộ dân ở xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) và xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) mua đất từ 30 năm trước đã làm nhà và sinh sống ổn định. Đến nay khi mở rộng đường, nhà đất của các hộ dân vào diện thu hồi, giải phóng mặt bằng, quyền lợi đền bù, hỗ trợ rất thấp khiến người dân dù ủng hộ chủ trương làm đường song chưa chấp nhận về giá và quyền lợi về tái định cư.

Chính quyền làm sai, dân chịu thiệt? - ảnh 1
Đường liên xã Phùng Xá - Phù Lưu Tế đi qua thôn Hạ, xã Phùng Xá, các hộ dân (bên trái) đang kiến nghị về phương án đền bù, hỗ trợ.

Chính quyền bán trái thẩm quyền 

Theo phản ánh của một số hộ dân ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, mặc dù họ rất phấn khởi khi địa phương được đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên xã Phùng Xá - Phù Lưu Tế, song họ lại “vướng” phải việc đền bù, hỗ trợ giá thấp do nguồn gốc đất họ mua trước đây được xác định là chính quyền bán trái thẩm quyền. 

Đại diện một số hộ dân có nhà ở trong diện giải phóng mặt bằng làm đường, ông Đỗ Trung Chương ở đội 11, thôn Hạ, cho biết: “Năm 1992, chúng tôi được chính quyền bán cho đất ở khu vực dọc tuyến đường làng này. Khi đó nơi đây chỉ là ao, vũng, trũng, chúng tôi đã nộp tiền và xây dựng nhà ở ổn định từ đó đến nay. Thời điểm mua đất, nhiều gia đình phải vay mượn vất vả để nộp cho đủ số tiền về địa phương, có hóa đơn. Ngay từ năm 1995-1997, các hộ dân đã đề nghị làm hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên, lại chưa được giải quyết”. 

Đến nay, khi thực hiện dự án mở rộng đường, hàng loạt các gia đình đã có nhà ở được mua đất cùng thời điểm hơn 30 năm trước bị xác định nguồn gốc đất là “đất mua bán trái thẩm quyền”. “Chúng tôi có 31 hộ mua đất cùng thời điểm, đa số đều xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, hiện trong phương án đền bù chỉ có 10 hộ được tái định cư, còn 21 hộ nguy cơ không được đền bù về đất; về công trình nhà chỉ được đền bù 50% giá trị. Chúng tôi đều mua đất công khai, không nhẽ chính quyền trước đây làm sai mà dân phải chịu? Cả 31 hộ dân đã kiến nghị, mong muốn được đền bù, hỗ trợ cả về đất ở và nhà để sớm bàn giao mặt bằng thực hiện thi công đường mới”- ông Chương nói.

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tam, công chức địa chính xã Phùng Xá cho biết, liên quan đến đất ở phải giải phóng mặt bằng để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Phùng Xá - Phù Lưu Tế, trên địa bàn xã có 31 trường hợp được xác định có nguồn gốc đất do UBND xã bán trái thẩm quyền giai đoạn 1992-2003. 

Tuy nhiên, do thời điểm đó trên hóa đơn của nhiều hộ chỉ ghi số tiền mà không thể hiện rõ vị trí đất, số diện tích cụ thể, thậm chí các hộ nộp thành nhiều đợt, nhiều hộ mất hóa đơn, nhiều hộ đã chuyển nhượng, làm thủ tục cho tặng... Điều đáng nói là hiện nay hồ sơ, danh sách của các hộ dân không còn được lưu trữ ở xã, cán bộ địa chính thời đó cũng đã mất… nên hiện rất khó trong việc rà soát và hoàn thiện hồ sơ cho các hộ.

Ông Đỗ Văn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức cho biết, thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Phùng Xá - Phù Lưu Tế, đơn vị đang phải tháo gỡ khó khăn do vướng mắc liên quan đến các hộ dân có đất thuộc diện địa phương bán trái thẩm quyền từ hơn 30 năm trước. Thời gian qua, Trung tâm phối hợp với UBND xã Phùng Xá và thôn Hạ tổ chức các buổi gặp gỡ đối thoại với người dân có đất thuộc diện thu hồi. Các hộ đều thể hiện sự đồng tình ủng hộ chủ trương làm đường. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến liên quan đến giá đền bù và hỗ trợ. 
Nhiều khó khăn liên quan đến đất bán trái thẩm quyền 
Cùng lý do về nguồn gốc đất ở được chính quyền địa phương bán trái thẩm quyền như ở Phùng Xá, Mỹ Đức, tại huyện Ứng Hòa khi thực hiện dự án nâng cấp Tỉnh lộ 428 đi qua các xã, thị trấn cũng đang vướng mắc liên quan đến 200 hộ dân.

Ông Lê Xuân Toán, Chủ tịch UBND xã Phương Tú cho biết, dự án Tỉnh lộ 428 đi qua địa bàn xã thuộc giai đoạn 1 của dự án. Riêng trên địa bàn xã có đến 117 trường hợp hộ dân mua đất do UBND xã bán trái thẩm quyền từ giai đoạn 1993-2003. Hiện trạng, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở, hoặc các công trình tạm... Khi thực hiện rà soát, kiểm đếm, nhiều trường hợp không có đủ dữ liệu, các thông tin cần thiết trong hồ sơ đất đai. 

Về việc đền bù, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân đã đề nghị nâng mức giá và có nguyện vọng được đất tái định cư... UBND xã đã đề nghị các cơ quan chức năng để được hướng dẫn trong xác định nguồn gốc đất, các thủ tục hoàn thiện hồ sơ và kiến nghị để người dân được đảm bảo quyền lợi tốt nhất.

Ông Nguyễn Đức Thụ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ứng Hòa cho rằng, trong thực hiện các dự án nâng cấp các tuyến đường hiện nay ở Ứng Hòa cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến đất bán trái thẩm quyền ở một số địa phương như Phương Tú, Đồng Tân, Trung Tú trên trục đường 428. Trên thực tế, khi triển khai rà soát, xác minh nguồn gốc đất, có đến hơn 200 thửa đất đang trong diện UBND xã bán trái thẩm quyền thì đa số là không lưu trữ đầy đủ hồ sơ đất đai. Hiện tại, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đang tham mưu UBND huyện Ứng Hòa để xin ý kiến Thành phố về hướng giải quyết cho những trường hợp này để sớm tháo gỡ vướng mắc, nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho dự án thi công.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.