Có hay không việc Trường THCS An Khánh “ép” học sinh đi trải nghiệm?

Bài và ảnh: VIỆT HOÀNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dư luận đang xôn xao về việc trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội triển khai chương trình trải nghiệm cho học sinh lớp 6-9 khi một số phụ huynh bức xúc phản ánh rằng học sinh không tham gia thì bị hạ hạnh kiểm, giáo viên bị đánh giá thi đua. Vậy đây là hoạt động giáo dục hay là tham quan, du lịch bắt buộc với giá cao?

Có hay không việc Trường THCS An Khánh “ép” học sinh đi trải nghiệm? - ảnh 1
Trường THCS An Khánh.

Trường THCS An Khánh thông báo tổ chức Chương trình Giáo dục di sản, học tập, trải nghiệm năm học 2023-2024 do Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội Viettourist KGC thực hiện. Lịch trình đi tham quan di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu trải nghiệm Cánh Buồm Xanh (huyện Gia Lâm) đi trong ngày 12/11. Kinh phí thu trọn gói cho mỗi học sinh là 330.000 đồng (không bao gồm ăn trưa).

Một phụ huynh lớp 8 cho biết: “Tôi nhận thông báo trên cùng với thông tin nếu con không đi thì có khả năng sẽ bị hạ hạnh kiểm. Lớp không đủ 100% học sinh đi cô giáo sẽ bị hạ thi đua, sang năm không được chủ nhiệm lớp nữa. Tôi cũng như một số phụ huynh đã rất bất bình khi nghe các con nói vậy. Giá tour 330.000 đồng/học sinh đi 2 điểm Hoàng thành Thăng Long (dưới 15 tuổi không mất phí, trên 15 tuổi là 15.000 đồng), còn Khu trải nghiệm Cánh Buồm Xanh (110.00 đồng/học sinh vé vào cửa), giá thu 330.000 là cao vậy mà các con không có suất ăn trưa? Đây phải chăng là chuyến tham quan du lịch bắt buộc với giá cao?”

Để làm rõ vấn đề trên, PV Báo Phụ nữ Thủ đô đã làm việc với nhà trường. Cô Tạ Thị Lý, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh cho biết: “Đã thành thông lệ, hàng năm nhà trường đều tổ chức cho học sinh toàn trường tham gia trải nghiệm 2 lần/năm học, lần đầu tiên vào dịp giữa học kỳ I. Chương trình trải nghiệm nằm trong kế hoạch năm học của nhà trường, đã được phổ biến tới phụ huynh học sinh ngay từ cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2023-2024, và nhận được sự đồng tình, nhất trí của 100% phụ huynh ở cả 48/48 lớp”.  

Cô Lý cho PV Báo đọc biên bản cuộc họp phụ huynh đầu năm của các lớp đều cho thấy ý kiến đồng thuận, nhất trí cao với tỷ lệ 100%. Cũng theo cô Lý, đây chính là hoạt động trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Nhà trường triển khai, đã có thông báo đến phụ huynh các lớp với tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Các cô giáo chủ nhiệm phát thông báo, kế hoạch chi tiết đến phụ huynh, có lộ trình, kinh phí, đặc biệt còn nhấn mạnh đến việc “các em phải đảm bảo đủ sức khỏe mới tham gia và có đơn đăng ký”.

Làm rõ hơn về thông tin Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên phải đạt chỉ tiêu 100% học sinh đi trải nghiệm, bà Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh khẳng định: "Việc tham gia chương trình trải nghiệm hoàn toàn là tự nguyện của cha mẹ học sinh, không có việc ép buộc. Khi quán triệt đến 48 giáo viên chủ nhiệm, tôi có phân tích tác dụng của việc học tập trải nghiệm, có dẫn chứng cho sinh động, cùng mong muốn các cô thuyết phục động viên các con chứ không ép buộc. Em nào không đi cũng không bị hạ hạnh kiểm, các cô cũng không ai bị hạ thi đua”.

Lãnh đạo nhà trường thừa nhận rằng, việc chỉ đạo có phần quyết liệt nên khiến cho giáo viên cảm thấy áp lực mới dẫn đến việc triển khai đến học sinh có sự hiểu lầm, khiến phụ huynh bức xúc trong thời gian qua.

Về giá tour phụ huynh cho rằng mức thu cao, theo bà Huyền, bên công ty du lịch cũng đã có thông tin chi tiết các chi phí từ tiền xe, bảo hiểm, phí vào điểm tham quan, trải nghiệm, nguyên liệu cho các hoạt động vui chơi như gà nướng… các con sẽ được thưởng thức cùng bữa ăn trưa đã được phụ huynh chuẩn bị. 

“Chương trình trải nghiệm được thực hiện đúng quy định và nhà trường đã có báo cáo bằng văn bản đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chính quyền địa phương. Tính đến 9/11, nhà trường đã nhận được sự đồng thuận cao với 1.997 học sinh được cha mẹ đăng ký tham gia, đạt khoảng 93%; đơn vị tour miễn phí cho 41 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và bản thân hiệu trưởng cũng tặng 10 suất cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em được tham gia chương trình trải nghiệm này”- bà Huyền khẳng định.

Xác nhận thông tin nhà trường đã có thông báo đến UBND xã về kế hoạch tổ chức chương trình trải nghiệm cho học sinh, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Hữu Đích cho biết: “Ngay khi nắm bắt dư luận về việc nhà trường ép buộc học sinh tham gia, chúng tôi đã đề nghị nhà trường làm rõ. Phó Hiệu trưởng nhà trường đã khẳng định việc tham gia trải nghiệm hoàn toàn là tự nguyện, không có chuyện ép buộc, nhà trường không hạ hạnh kiểm với học sinh hay thi đua với giáo viên”.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức Vương Văn Lâm cho biết, về tổ chức hoạt động tham gia ngoại khóa cho học sinh, phòng đã có văn bản số 146/GDĐT-HC, ngày 4/5/2022, gửi hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn. Theo đó, đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện tốt các nội dung từ xây dựng kế hoạch chi tiết, rõ thành phần, thời gian, địa điểm, kinh phí, phương án đảm bảo an toàn... Đặc biệt là phải được thống nhất, đồng thuận của cha mẹ học sinh và nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn khi tổ chức. Nhận được thông tin phản ánh của phụ huynh, chúng tôi đã làm việc với nhà trường và yêu cầu làm rõ, Ban Giám hiệu nhà trường cũng khẳng định không có việc hạ hạnh kiểm học sinh hay trừ thi đua với giáo viên nếu học sinh không tham gia trải nghiệm. Chúng tôi cũng đề nghị nhà trường phải đảm bảo công tác tổ chức chương trình trải nghiệm sao cho đạt được ý nghĩa giáo dục và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.