Di tích đặc biệt Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội):

Đã ghi nhận những chuyển biến tích cực

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Báo Phụ nữ Thủ đô số 34 ra ngày 23/8/2023 có bài “Di tích đặc biệt Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội): Cần xử lý triệt để các vi phạm” phản ánh về việc một số công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng dù đã được các cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý nhưng vi phạm vẫn tồn tại, khiến người dân bức xúc. Sau hơn 1 tháng, phóng viên trở lại xã Hương Sơn để ghi nhận thực tế những chuyển biến nơi đây.

Đã ghi nhận những chuyển biến tích cực - ảnh 1
Những du khách lên đò tham quan chùa Hương, không còn xuồng máy hoạt động chở khách.

Làm rõ và khắc phục những vi phạm

Trở về danh thắng chùa Hương lần này, qua các chốt trực của Ban Tổ chức, đến khu vực Suối Yến, tới địa phận khách sạn Mai Lâm, theo quan sát của phóng viên không còn biển chỉ dẫn gửi xe vào nhà xe dựng lên trên đất nông nghiệp như lần về trước. Tại công trình khách sạn Mai Lâm, phía bên ngoài có một số thợ đang thi công thang thoát hiểm. Một số chuyển biến tích cực này cũng được UBND huyện Mỹ Đức phản ánh trong Văn bản số 1851/UBND-VP ngày 14/9/2023 hồi đáp đến Báo Phụ nữ Thủ đô.

Theo đó, UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Công trình khách sạn Mai Lâm có vị trí giáp bến đò suối Yến, có diện tích 1 sàn 760m²; cao 7 tầng, 1 tum, được xây dựng trên đất đấu giá thuộc khu vực Sao Sa, xóm 8, thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn. Công trình này nằm trong khu quy hoạch đất ở nông thôn, không nằm trong quy hoạch trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, vì vậy không phạm vào khu quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương. 

Về quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng công trình này, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Mỹ Đức đã nhiều lần kiểm tra về các điều kiện khởi công móng, biển báo thi công, bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường... Đây là công trình xây dựng cấp II, theo quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan chuyên môn để thẩm định. Tuy nhiên, khi đó chủ đầu tư không gửi hồ sơ nên Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 92/QĐ-XPVPHC ngày 28/6/2019, mức phạt là 17,5 triệu đồng. Chủ đầu tư là ông Bùi Mai Lâm đã chấp hành.

Thông tin về khu vực nhà để xe phía sau khách sạn Mai Lâm, UBND huyện Mỹ Đức cho biết, đây là diện tích đất có nguồn gốc đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP. Tuy nhiên, thực tế khu đất nông nghiệp này phèn chua, ô nhiễm, các hộ dân cấy lúa không hiệu quả nên bỏ hoang nhiều năm nay. Do vậy, một số hộ dân đã tự ý đổ đất trồng rau, làm lều lán để đò, xuồng những năm 2008-2014 và 1 hộ đã chuyển nhượng (bán) cho gia đình ông Bùi Mai Lâm. 

Ngày 9/10/2018, UBND xã Hương Sơn đã lập biên bản khi gia đình ông Bùi Mai Lâm tự ý san gạt đất nông nghiệp; ngày 19/10/2018, UBND xã Hương Sơn lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và yêu cầu tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu của đất.

Ngày 11/12/2019, ông Bùi Mai Lâm tiếp tục san lấp đất nông nghiệp, UBND xã Hương Sơn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn huyện Mỹ Đức lập biên bản kiểm tra hiện trạng công trình, yêu cầu ông Bùi Mai Lâm dừng ngay việc san lấp đất nông nghiệp, tự tháo dỡ, khắc phục trả lại nguyên trạng ban đầu của đất và không được tái phạm.

Tại thời điểm kiểm tra năm 2019, gia đình ông Lâm có đơn đề nghị với UBND xã Hương Sơn, xin được tập kết vật liệu, máy móc và làm lán trại tạm cho công nhân, làm xưởng gia công để phục vụ dự án xây dựng 2 toà nhà khách sạn. Đồng thời, cam kết sẽ tự khắc phục, tháo dỡ trả lại mặt bằng sau khi xây dựng xong dự án hoặc khi Nhà nước thu hồi thực hiện đầu tư.

Về khu vực sân chùa Thiên Trù, để đáp ứng nhu cầu, phục vụ du lịch tuyến Hương Tích chùa Hương, Ban tổ chức lễ hội cùng UBND xã Hương Sơn đã quy hoạch hàng quán trên tuyến du lịch, trong đó có khu vực sân chùa Thiên Trù để phục vụ du khách. Hằng năm, phần diện tích hàng quán được chia theo ô có kích thước mặt tiền phụ thuộc vào từng ngành hàng, còn chiều sâu các hàng quán chạy vào giáp chân núi đá. Tuy nhiên, trong thời gian phục vụ lễ hội, các hộ dân đã tự ý cơi nới thêm.

Những kiến nghị gỡ khó 
Về giải pháp trong thời gian tới, UBND huyện Mỹ Đức nêu: Do tính chất đặc thù địa phương nên các tồn tại chưa được xử lý dứt điểm, UBND huyện đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét sau khi có phê duyệt tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 13/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức, cũng như phê duyệt của UBND TP Hà Nội về Đề án công tác đổi mới, quản lý lễ hội chùa Hương thì sẽ thực hiện giải tỏa các hộ dân theo quy hoạch.

Về lán xe tạm của khách sạn Mai Lâm, UBND huyện Mỹ Đức đề xuất xin quy hoạch xây dựng đường nối từ đường Đục Khê Tiên Mai sang đường 425 đi sang khu du lịch Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) và quy hoạch quảng trường đón tiếp khách du lịch tham quan thắng cảnh chùa Hương giai đoạn 2020-2025, khi thi công sẽ yêu cầu gia đình ông Bùi Mai Lâm cam kết tự tháo dỡ.

Đối với các xuồng gắn động cơ hoạt động trái phép, biển đặt trái phép trên đường giao thông, UBND huyện Mỹ Đức đã giao các lực lượng chức năng xử lý triệt để, thu giữ khi có vi phạm.

Ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực để xuồng được quy hoạch thành từng khu, các thuyền chở khách du lịch được xếp theo hàng lối trên dòng suối Yến. Những đoàn khách lần lượt xuống đò chèo tay, trên dòng Suối Yến không còn xuồng máy hoạt động chở khách. Người dân nơi đây cũng thông tin về chuyển biến tích cực này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.