Hàng trăm hộ dân ở thị xã Sơn Tây:

Gần 20 năm không được giao đất giãn dân

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thực hiện chính sách cấp đất giãn dân, hàng trăm hộ dân ở các xã Sơn Đông, Cổ Đông, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây dù đã nộp tiền sử dụng đất và thuế trước bạ song gần 20 năm nay vẫn chưa được nhận đất. Từ đó đến nay, nhiều quy định về đất đai đã thay đổi, song người dân nơi đây vẫn mỏi mòn chờ đợi để hưởng quyền lợi chính đáng.

Gần 20 năm không được giao đất giãn dân - ảnh 1
Bà Ngô Thị Thoả và các hộ dân đã nộp tiền theo quy định để được cấp đất giãn dân mà 18 năm nay chưa được nhận.

Tiền nộp bằng mua một suất đất, gần 20 năm chưa được đất 

18 năm trước (năm 2006), gia đình bà Ngô Thị Thỏa ở thôn Thống Nhất, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây trong diện được cấp đất giãn dân để giải quyết về chỗ ở đang chật chội. Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, gia đình bà phải “chạy đôn chạy đáo” vay ngân hàng 20 triệu đồng để nộp tiền sử dụng đất, thuế trước bạ. Những tưởng nhận đất luôn vậy mà nợ ngân hàng cả gia đình kẽo kẹt lo trả cả lãi và gốc, còn đất giãn dân thì chưa được nhận tấc nào. Bao năm gia đình chờ đợi, bố bà Thỏa trước khi mất cũng vẫn canh cánh về việc chưa được chính quyền giao đất. Nói về giá trị của số tiền 20 triệu đồng nộp từ năm 2006, khi đó cũng đủ để mua được một mảnh đất thì đã giải quyết được nhiều về nơi ăn chốn ở của gia đình. 

Cùng cảnh với gia đình bà Thỏa, ở xã Sơn Đông năm 2006 có 243 cá nhân, hộ gia đình đủ tiêu chuẩn xét cấp đất giãn dân theo chủ trương của chính quyền. Sau các quy trình thủ tục, các cá nhân, hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất và thuế trước bạ đúng quy định, có biên lai, hóa đơn xác nhận. Tiếp đó, UBND xã Sơn Đông đã tổ chức phân lô, thửa, với 2 loại diện tích 144m2/lô và 192m2/lô. Các hộ gia đình nộp từ 16 triệu đồng đến 32 triệu đồng/lô đất, tùy theo vị trí thửa đất. Những tưởng “tiền trao cháo múc” nhưng 18 năm nay tiền của các hộ dân đã nộp còn đất vẫn chưa được nhận. Nhiều gia đình chịu bao nỗi vất vả vì số tiền thời điểm đó là rất lớn với họ. 

Ông Đỗ Văn Nhuận ở thôn Thống Nhất, bức xúc nói: “Thời điểm đó, đây là số tiền lớn, nhiều hộ phải vay mượn, thậm chí vay lãi cao để nộp đầy đủ. Thế mà thời gian trôi qua, đất vẫn “mất hút”, nhiều người chết rồi vẫn chưa được nhận đất giãn dân. Chính sách giãn dân của Nhà nước để giải quyết vấn đề chỗ ở cho nhân dân mất tác dụng, gây bức xúc cho nhiều gia đình”.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã Sơn Tây cho biết, hiện có 2 “điểm nghẽn” cơ bản khiến việc giao đất giãn dân không triển khai được. Một là, khu đất giãn dân chưa giải phóng mặt bằng 100%, hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được xây dựng nên Thị xã Sơn Tây chưa thể ban hành quyết định giao đất. Hai là, theo quy định tại Luật Đất đai 2013, việc giao đất phải thông qua đấu giá, trong khi trường hợp này không thuộc diện giao đất thông qua đấu giá. Hơn nữa, quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính được tính bằng giá đất tại thời điểm quyết định giao đất. Vì thế, người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2006, 2007, trước khi có quyết định giao đất, cho nên giờ đây họ không thể nộp tiếp được.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phùng Văn Hán, Trưởng thôn Thống Nhất khẳng định: “Bao năm nay chưa được giao đất, các hộ dân chúng tôi rất thiệt thòi. Đây là quyền và lợi ích chính đáng của các hộ dân. Nhiều gia đình đông con cháu, sống chung trong một nhà chật chội, thiếu chỗ ở thì càng bức xúc mỗi khi nhắc đến. Điều đáng nói là trong rất nhiều cuộc họp và tiếp xúc cử tri, người dân đã có ý kiến nhưng chưa cấp nào trả lời rõ ràng. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm để người dân sớm được nhận quyền lợi chính đáng của mình”. 

Tương tự những trường hợp trên, năm 2002, tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây có 21 hộ thôn Trung Lạc và thôn Ngõ Bắc cũng được xét giao đất giãn dân tại khu Đồng Trương. Thời điểm đó, chỉ có 10 trường hợp được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn 11 hộ đã nộp đủ tiền theo quy định thì vẫn đang mong ngóng mỏi mòn.

Năm 2006, xã Cổ Đông tiếp tục triển khai việc cấp đất giãn dân cho 41 hộ gia đình ở khu Gò Giàng - Nương Củ, ngay thời điểm đó đã có 40/41 hộ nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất. Tại xã Đường Lâm cũng còn 3 hộ gia đình đã nộp tiền theo quy định để được cấp đất giãn dân, đến nay đất vẫn bặt vô âm tín.

Chính quyền “nợ” các hộ dân
Lý giải về nguyên nhân của việc “nợ” cấp đất giãn dân cho người dân 18 năm nay, ông Phùng Văn Thiện, công chức địa chính xã Sơn Đông cho biết: “Tại thời điểm xét duyệt cấp đất giãn dân cho các hộ dân xã Sơn Đông lại bị vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng khu đất nông nghiệp để thực hiện giao đất giãn dân cho các hộ dân (thành đất ở). Do có 9 hộ dân có 9 thửa đất nông nghiệp chưa chấp thuận đền bù và giao đất”.

Gần 20 năm không được giao đất giãn dân - ảnh 2
Ông Phùng Văn Thiện, công chức địa chính xã Sơn Đông chia sẻ về những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng đất giãn dân.

Tuy nhiên, mặc dù chưa giải phóng xong thực địa, các hộ dân đã đóng tiền đất theo quy định và địa phương cũng đã thực hiện quy trình cho các hộ dân gắp số lô, số thửa đất trên bản đồ và theo các lô đất đã được quy hoạch.

Theo ông Phùng Văn Thiện, vấn đề này cũng được địa phương rất trăn trở, nhiều lần họp bàn và đề xuất các cấp hướng dẫn tháo gỡ. Tại khu mặt bằng làm đất giãn dân, nhận thấy đã có 185 lô/243 lô đất đã được giải phóng, có thể giao cho các hộ dân, địa phương cũng đề nghị để hoàn thiện thủ tục giao đất cho các hộ dân. Tuy nhiên, liên quan đến những quy định mới nên việc này vẫn chưa được giải quyết.

Giải đáp về vấn đề bức xúc của các hộ dân ở xã Cổ Đông chưa được nhận đất dịch vụ, ông Khuất Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho biết: Việc thực hiện chính sách giao đất giãn dân cho các hộ dân bị vướng là do chưa giải phóng mặt bằng xong, một số trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng trên đất quy hoạch giãn dân... Đến nay, việc giao đất này không thuộc thẩm quyền của địa phương. “Chúng tôi cũng liên tục tiếp nhận ý kiến của các hộ dân và kiến nghị đến các phòng, ban chức năng và UBND thị xã Sơn Tây để có giải pháp gỡ vướng, sớm thực hiện bàn giao đất” - ông Xuyên chia sẻ.
Vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ 
Qua các thời kỳ, các quy định về đất đai thay đổi, việc cấp đất giãn dân của gần 20 năm trước đến nay cũng cần được tháo gỡ để giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân. Để giải quyết vấn đề về cấp đất giãn dân tồn tại suốt thời gian qua, năm 2017, UBND thị xã Sơn Tây đã thành lập đoàn kiểm tra việc giao đất giãn dân ở xã Cổ Đông. Ngày 11/4/2017, đoàn kiểm tra có văn bản báo cáo kết quả. Ngày 17/4/2017, UBND thị xã Sơn Tây ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND về triển khai thực hiện việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, xét duyệt giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu Đồng Trương, Gò Giàng - Nương Củ (xã Cổ Đông). 

Theo đó, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo thực hiện 6 vấn đề, trong đó có nội dung: “Ban hành quyết định giao đất cho các hộ chưa có quyết định, tổ chức giao đất tại thực địa và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ”. 

Từ đó đến nay đã qua hơn 6 năm mới giải quyết được 1/6 nội dung, còn 5 nội dung chưa được thực hiện. Nguyên nhân được chỉ ra rằng vì không có căn cứ pháp lý, quy định pháp luật về đất đai đã thay đổi so với thời điểm các địa phương xét duyệt giao đất giãn dân. 

Ngày 20/9/2023, UBND thị xã Sơn Tây có báo cáo kết quả liên quan đến việc cấp đất giãn dân nêu trên và xin hướng dẫn giải quyết tại Văn bản số 549/BC-UBND gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa đưa ra được định hướng cụ thể.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: “Đây là nội dung phức tạp, tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc từ những năm 1999-2006 đến nay, liên quan các quy định theo Luật Đất đai năm 1993, 2003, 2013. Sở đang tiến hành rà soát, tổng hợp các nội dung liên quan đến việc cấp đất giãn dân khu Đồng Trương và khu Gò Giàng - Nương Củ, thị xã Sơn Tây để báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.