Hàng trăm người dân ở thôn Gò Mái, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức:

Sống khổ vì dự án “treo“!

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hơn 15 năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Gò Mái, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) sống trong cảnh “ăn chực nằm chờ”… dự án, không thể cải tạo, xây dựng mới nhà cửa… bởi cả thôn nằm trong dự án “treo”. Đó là dự án khu du lịch đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, được phê duyệt từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn im lìm để cỏ mọc.

Sống khổ vì dự án “treo“! - ảnh 1
Nhà văn hóa thôn Gò Mái.

Là một trong 7 thôn thuộc xã Hợp Tiến, thôn Gò Mái có vị trí nằm sát hồ Quan Sơn. Hiện nay, toàn thôn có 495 hộ dân, 1.900 nhân khẩu, đều nằm trong quy hoạch Dự án khu du lịch đô thị sinh thái hồ Quan Sơn từ hơn 15 năm nay. 

Ông Trần Văn Hà ở thôn Gò Mái cho biết, chính vì nằm trong dự án đã được quy hoạch nên nhiều hộ có điều kiện muốn xây, sửa nhà ở cho khang trang nhưng cũng chỉ dám làm đơn giản vì lo bị phạt và khi dự án triển khai, phải giải phóng mặt bằng cũng sẽ lãng phí tiền của. Hơn nữa, nhiều hộ muốn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng bị hạn chế.

Kể từ khi có quy hoạch dự án, toàn bộ hệ thống đường giao thông chính quanh thôn, các ngõ, xóm và hệ thống mương thoát nước sinh hoạt trong thôn đều không được đầu tư nên ngày càng xuống cấp, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống của người dân.

Chia sẻ về những khó khăn này, ông Trịnh Ngọc Phú, Bí thư Chi bộ thôn Gò Mái cho hay: “Đoạn đường đê từ hồ Quan Sơn chạy qua địa bàn thôn xuống cấp đã từ nhiều năm chưa được cải tạo, nâng cấp. Hễ mưa là đường lầy lội, nắng thì bụi mù mịt. Hệ thống rãnh thoát nước ven đê hồ Quan Sơn không có nên mưa to là nước lại tràn vào nhà dân. Toàn thôn có 7 tuyến đường giao thông nội đồng tổng chiều dài khoảng 5km vẫn chỉ là đường đất… Điều đó khiến việc đi lại, sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh hạ tầng giao thông, cả công trình nhà văn hóa của địa phương cũng chưa được đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng thôn Gò Mái cho biết, nhà văn hóa thôn Gò Mái được xây dựng từ năm 2005 đến nay đã xuống cấp, bị thấm dột, và bị lãng quên. Nhiều lần tiếp xúc cử tri huyện, thành phố, đại biểu Quốc hội, cử tri đã kiến nghị các cấp để được quan tâm đầu tư xây mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp cho nhân dân.

Từ năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 462/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch đô thị sinh thái hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức. Ngày 29/12/2009, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 6830/QĐ-UBND chấp thuận thông qua hồ sơ đề xuất dự án và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án của Dự án đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn, huyện Mỹ Đức theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng (ICID) là đơn vị được giao làm nhà đầu tư thực hiện dự án và được tạo điều kiện thực hiện Dự án hồ Quan Sơn theo quy hoạch được duyệt để thu hồi vốn đầu tư xây dựng công trình BT theo quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Văn Hừng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cũng khẳng định rằng, trong các cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, HĐND huyện Mỹ Đức, nhiều lần cử tri cũng đã kiến nghị về những khó khăn, thiệt thòi của người dân Gò Mái vì nằm trong khu quy hoạch “treo”. Cử tri thôn Gò Mái cũng bày tỏ mong muốn được biết Dự án hồ Quan Sơn có tiếp tục triển khai hay không. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Thông tin về vấn đề này, ông Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, Dự án hồ Quan Sơn là dự án đối ứng của Dự án đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn theo hình thức BT. Tuy nhiên, theo báo cáo trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến việc thực hiện Dự án hồ Quan Sơn trước và sau kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hà Nội (khóa XVI), UBND thành phố cho biết, Dự án đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn thuộc danh mục các dự án dừng triển khai thực hiện; đề nghị UBND huyện Mỹ Đức phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Dự án hồ Quan Sơn nằm trong khu vực quy hoạch có chức năng đất du lịch, sân golf Quan Sơn.

Quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4465/QĐ-UBND ngày 27/8/2014, khu du lịch sinh thái tổng hợp hồ Quan Sơn là khu du lịch tổng hợp các chức năng chính tổ chức hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao.

Theo ông Đặng Văn Triều, căn cứ các quy hoạch trên và thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, huyện Mỹ Đức đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư đủ mạnh, tâm huyết vào đầu tư, mong dự án sớm được triển khai nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Mỹ Đức phát triển theo hướng du lịch là kinh tế mũi nhọn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.