Hồi âm bài báo:

Vụ việc “Tràn lan chung cư mini vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động”’: Bao giờ vi phạm được xử lý?

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 41 ra ngày 11/10/2023, có bài “Tràn lan chung cư mini vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động” của tác giả Hoàng Việt, phản ánh về vi phạm của hàng loạt các chung cư mini, tòa nhà cao tầng cho thuê tại địa bàn các huyện Thanh Trì, Thạch Thất, quận Thanh Xuân… Sau khi báo đăng, Báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được phản hồi của chính quyền một số địa phương cho biết đang nỗ lực thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về trật tự xây dựng trên địa bàn, tiến hành rà soát, phân loại đối với hộ sản xuất kinh doanh, lưu trú, xử lý nghiêm các vi phạm.

 Vụ việc “Tràn lan chung cư mini vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động”’: Bao giờ vi phạm được xử lý? - ảnh 1
Công trình nhà cao tầng My Home ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất xây dựng vượt tầng đang phải “cắt ngọn”.

Xử phạt, công trình vẫn xây vượt tầng

Một trong các công trình vi phạm lớn ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất là toà nhà My Home có chiều cao 9 tầng, 144 phòng khép kín xây dựng trên hơn 700m2, được báo chí phản ánh thời gian qua bởi vi phạm “ngoạn mục” khi chỉ được cấp phép xây dựng 3 tầng 1 tum thì thực tế đã sừng sững hiên ngang cao gấp 3 lần.

Ngày 18/10, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô cùng lãnh đạo xã Tân Xã chứng kiến việc tháo dỡ tại tầng 9 toà nhà My Home, tại thôn Phú Hữu. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xã Nguyễn Ngọc Quang thông tin, toà nhà được xây dựng từ tháng 2/2023 trên 726,5m2 đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2022. Tuy nhiên, do tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng nên ngày 2/3/2023, UBND xã Tân Xã đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Vũ Minh Công là chủ đầu tư. 

Ngày 14/3/2023, UBND huyện Thạch Thất ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng do xây dựng không phép và yêu cầu ông Công hoàn thành hồ sơ xin cấp phép xây dựng cho công trình. Đến ngày 17/4/2023, UBND huyện Thạch Thất đã cấp giấy phép xây dựng số 32 cho ông Vũ Minh Công và bà Nguyễn Thị Quý Hợi. Công trình được cấp phép 3 tầng, 1 tum, diện tích tầng 1 là 150m2. Tuy nhiên, ông Công xây dựng sai so với giấy phép nên UBND xã Tân Xã tiếp tục lập biên bản vi phạm. Ngày 14/6/2023, UBND huyện Thạch Thất đã thu hồi giấy phép xây dựng và ban hành các quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả, trong đó yêu cầu buộc phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm. Thế nhưng đến nay, công trình xây dựng đã cao 9 tầng với quy mô 144 căn hộ, đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Chia sẻ về khó khăn trong việc xử lý vi phạm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xã Nguyễn Ngọc Quang cho rằng chủ đầu tư thường không có mặt tại công trình, công trình luôn được khóa kín, xây dựng bên trong…
Theo quy hoạch vùng được huyện Thạch Thất phê duyệt, khu vực xã Tân Xã chỉ được phép xây dựng công trình nhà ở có chiều cao 3-5 tầng, tùy vị trí. Qua rà soát, cho thấy trên địa bàn xã này đã có tới 22 công trình cao tầng với quy mô nhiều phòng cho thuê trọ, được xây dựng trong thời gian từ  năm 2022-2023. Các công trình này vi phạm chủ yếu là xây dựng sai phép, vượt chiều cao, mật độ xây dựng.

Có “cắt ngọn” đồng loạt các vi phạm?
Thừa nhận về việc có công trình nhà cao tầng nhiều phòng ở xã Tân Xã vi phạm xây dựng vượt từ 3 tầng lên 9 tầng với tổng số 144 phòng khép kín, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho rằng do chính quyền các cấp, cơ quan chức năng huyện đã thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm nên đã không xử lý triệt để vi phạm ngay từ ban đầu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, sau đợt kiểm tra rà soát tổng thể của huyện (từ 15/9 đến 10/10/2023), đối với các nhà cao tầng không đủ điều kiện hoạt động, UBND huyện chỉ đạo các xã dán thông báo dừng hoạt động; công trình có thể khắc phục được thì tạm dừng hoạt động để khắc phục; công trình không đủ điều kiện khắc phục thì sẽ bị dừng để xử lý vi phạm theo quy định.

Đối với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm trên địa bàn 3 xã: Tân Xã, Thạch Hòa, Bình Yên, Hội đồng kỷ luật của huyện đã họp xem xét. Theo đó, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành 3 quyết định đối với các chủ tịch UBND xã Thạch Hòa, Bình Yên, Tân Xã tạm dừng điều hành công việc của UBND xã để tập trung xử lý các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Trở lại công trình toà nhà My Home vi phạm nghiêm trọng đang thực hiện dỡ mái tôn, cắt kèo sắt, vật liệu xây dựng ngổn ngang trên sàn tầng 9. Chủ công trình xin thực hiện từ nay đến hết tháng 12/2023 do quy mô lớn, việc tháo dỡ phức tạp.

Điều đáng nói là cùng với toà My Home ở xã Tân Xã còn nhiều toà nhà cao tầng trên địa bàn xã Thạch Hòa, Bình Yên của huyện Thạch Thất cũng “mọc” lên vượt tầng, không phép, không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy… vẫn ngang nhiên tồn tại, đi vào hoạt động cho thuê trọ, chủ yếu là cho sinh viên học tại 2 trường Đại học quốc gia và Đại học FPT thuê. 

Dư luận đặt nhiều dấu hỏi về công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và trật tự xây dựng, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy tại huyện Thạch Thất khi để vi phạm quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài. Thiết nghĩ, để thực hiện nghiêm quy định pháp luật, thời gian tới sẽ phải “cắt ngọn” hàng loạt các công trình quy mô lớn vi phạm, gây lãng phí nhiều tiền của, công sức của người dân và nhà nước. Nếu thực hiện không triệt để các vi phạm còn gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến cả niềm tin của nhân dân vào chính quyền.

Ngày 13/10, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3407/UBND-TH về việc kiểm tra, xử lý thông tin về chung cư mini sai phép, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND thành phố, UBND huyện Thạch Thất kiểm tra, làm rõ thông tin về công trình “Chung cư cao cấp My Home” tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất.  Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền. Kết quả thực hiện báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/10/2023.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.