Phụ nữ có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy làng nghề, phát triển công nghiệp văn hoá
(PNTĐ) - Sáng ngày 9/4, tại Trung tâm văn hoá huyện Ứng Hòa đã diễn ra Chương trình Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Phụ nữ Thủ đô tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo năm 2025 (Chương trình), với sự tham gia của gần 200 đại biểu là nữ nghệ nhân, thợ giỏi, lao động nữ huyện Ứng Hòa.
Chương trình do Hội LHPN Hà Nội tổ chức, là hành động cụ thể hoá Quyết định số 4.028 ngày 10/8/2023 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Đề án “Phát huy vai trò của Phụ nữ Thủ đô xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026.
Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển làng nghề truyền thống
Huyện Ứng Hòa hiện có 138 làng nghề, trong đó 21 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Chẻ tăm hương, làng bún Bặt, dệt may, tre đan, giang đan, guột tế, rèn, khảm trai, giày da… Ứng Hoà đang quan tâm xây dựng các điểm trải nghiệm văn hóa làng nghề truyền thống như trải nghiệm quy trình sản xuất và chụp ảnh tăm hương Quảng Phú Cầu, trải nghiệm may áo dài tại làng nghề may Trạch Xá và các sản phẩm từ sen Phương Tú. Trong đó có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Chính vì vậy, Chương trình được đánh giá là vô cùng cần thiết, thiết thực đối với các nghệ nhân, doanh nghiệp, lao động… đang hoạt động trong các làng nghề nói chung, tại Ứng Hòa nói riêng.

Phát biểu tại Chương trình, bà Nguyễn Thị Hảo, Ủy viên BTV Hội LHPN thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, cho biết: “Nghề truyền thống đang là những viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam. Các làng nghề đã gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của người Việt, trở thành biểu tượng cho sự sáng tạo, tinh thần lao động, và giá trị truyền thống. Hà Nội - thành phố cổ kính trên 1.000 năm tuổi, vùng đất có bề dày lịch sử, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, con người thanh lịch, hào hoa. Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những các công trình kiến trúc, cảnh quan độc đáo, những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, mà còn được biết đến với nhiều sản phấm thủ công tinh xảo được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo phong phú của các làng nghề truyền thống, một nguồn tài nguyên du lịch, văn hoá hấp dẫn thu hút du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng có nghề và 327 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống thuộc 24 quận, huyện và thị xã. Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Ngày 22/2/2022 Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về việc phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Theo mục tiêu Nghị quyết, một trong sáu lĩnh vực ưu tiên đầu tư, phát triển công nghiệp văn hoá thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính là thủ công mỹ nghệ trong đó có vai trò nòng cốt của các làng nghề.
Các làng nghề đã thu hút khoảng trên 1 triệu lao động, trong đó có nhiều làng nghề lao động nữ chiếm trên 65%. Xác định vai trò quan trọng của phụ nữ tại các làng nghề, thời gian qua, các cấp Hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước và Thành phố về phát triển làng nghề, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tạ các làng nghề phát huy tiềm năng, sức sáng tạo khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, góp phần tạo dựng thương hiệu các sản phẩm làng nghề; thổi hồn vào từng tác phẩm để gửi gắm những giá trị văn hóa, nghệ thuật, thông điệp của làng nghề đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Hội phụ nữ thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức các hoạt động tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành tại khu vực làng nghề. Ngày càng có nhiều nữ nghệ nhân, thợ giỏi vượt khó đi lên làm giàu từ làng nghề của quê hương, thực hiện tốt phương châm “Ly nông bất ly hương”, chủ động nâng cao kỹ năng nghề, nghiên cứu tạo ra các thiết kế mới, thực hiện quy trình sản xuất truyền thống gắn với ứng dụng công nghệ, tạo ra những sản phẩm làng nghề ngày càng độc đáo, vừa truyền thống, vừa hiện đại, có uy tín trên thị trường trong nước và Quốc tế đóng góp tích cực phát triển công nghiệp văn hoá tại làng nghề”.

Chương trình được tổ chức tại Ứng Hoà nhằm truyền thông nét đẹp văn hoá làng nghề Hà Nội và những tác động tới sự phát triển của làng nghề Hà Nội trong giai đoạn hiện nay và định hướng các nội dung phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong bảo tồn và phát triển văn hoá làng nghề góp phần xây dựng thành phố “Văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Chương trình cũng là dịp làm rõ hơn vai trò trách nhiệm và những đóng góp của các nữ nghệ nhân, thợ giỏi, nữ lao động tại các làng nghề của huyện Ứng Hoà đại diện cho phụ nữ các làng nghề thành phố Hà Nội trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời, chương trình cũng đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các cấp Hội LHPN Hà Nội trong thời gian tiếp theo để phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong bảo tồn và phát triển công nghiệp văn hoá tại các làng nghề, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những trăn trở trước nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa
Vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong bảo vệ và phát triển làng nghề truyền thống, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay họ gặp những trở ngại về phát triển, tiếp cận thương mại điện tử, tìm hướng đi mới… Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ Thủ đô tham gia phát triển công nghiệp văn hoá, góp phần xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo năm 2025 là điều bức thiết.

Tham gia Chương trình với vai trò diễn giả, Tiến sĩ Lê Thị Thu Phượng (Viện văn hoá phát triển, Học Viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đã chia sẻ những thông tin hữu ích xung quanh nội dung về tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá làng nghề, nhận diện bức tranh làng nghề Hà Nội phong phú, nguồn lực lớn, đem lại doanh thu không nhỏ trong phát triển kinh tế; Những thách thức trong việc phát triển làng nghề khi đối diện với phát triển thị trường, quan niệm kinh doanh mang tính truyền thống, khó quảng bá, thiếu kênh thông tin, yếu kém trong tiếp cận công nghệ thời đại số… Đặc biệt TS Phượng đã định hướng cho chị em sử dụng tự động hoá và trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, phát triển thương hiệu, gắn kết phát triển làng nghề và du lịch, tăng cường liên kết trong kinh doanh… “Một Slogan trong phát triển làng nghề trong công nghiệp văn hoá là: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, cạnh tranh”- TS Lê Thị Thu Phượng nhấn mạnh.

Chương trình cũng đã có buổi toạ đàm hấp dẫn, với các khách mời: Tiến sĩ Lê Thị Thu Phượng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); bà Phan Thuý Hoà (Chủ tịch Hội LHPN Ứng Hoà), ông Dương Hồng Điệp (Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường Ứng Hoà), bà Nguyễn Thị Hảo (Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội); bà Nguyễn Thu Phương (Nghệ nhân chủ cơ sở sản xuất Từ Bi Hương- xã Quảng Phú Cầu)… đã có những trao đổi về thực trạng làng nghề truyền thống và giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá làng nghề của Ứng Hoà. Ông Dương Hồng Điệp cho biết thực trạng hiện nay làng nghề ở Ứng Hòa còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu của thị trường, thu nhập người làm nghề thấp, vấn đề môi trường ô nhiễm là bài toán chưa giải quyết được, sản xuất trong khu dân cư đông đúc theo hộ cá thể, việc mở rộng khó khăn…

Trước những khó khăn đó, bà Phan Thuý Hoà (Chủ tịch Hội LHPN Ứng Hoà), đã có những thông tin xung quanh nỗ lực của Hội PN xây dựng nhiều chương trình, hành động, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển cho các nữ nghệ nhân, doanh nghiệp do nữ làm chủ, nữ lao động ở các làng nghề. Trong các năm qua, đã có rất nhiều chị ở các làng nghề của huyện ứng Hòa đã được vinh danh trên các diễn đàn của huyện cũng như của Thủ đô. Năm 2022, có 01 nữ nghệ nhân, nữ thợ giỏi làng nghề tiêu biểu được phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt như nghệ nhân Nguyễn Thu Phương - thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, sản xuất hương truyền thống.
Trong bối cảnh phát triển làng nghề có nhiều thách thức, nghệ nhân Lê Thu Phương chia sẻ, hiện nay rất cần tạo động lực cho thế hệ trẻ tiếp nối, phải cho các em thấy làng nghề luôn bền vững, kiếm sống được thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển làng nghề hơn nữa. Nghệ nhân Phương cũng bày tỏ mong muốn sớm có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm làng nghề để bảo vệ sức khoẻ người dân. Ông Dương Hồng Điệp cho biết, việc giải quyết môi trường làng nghề là vấn đề tất yếu và cần làm sớm, có như vậy mới thu hút du lịch được. Theo TS Phượng, môi trường là vấn đề bức thiết cần giải quyết hiện nay, vì như vậy du khách đến thăm và trải nghiệm mới an tâm, cùng với đó là việc xây dựng môi trường văn hoá, ứng xử, mỗi người dân phải là một “đại sứ văn hoá” khi phát triển du lịch làng nghề. Bà Nguyễn Thị Hảo cũng nhấn mạnh, việc gắn phát triển làng nghề và du lịch văn hoá sẽ mở rộng ra nhiều cơ hội hơn cho các làng nghề. Bên lề Chương trình, Nghệ nhân Lê Thu Phương cũng bày tỏ sự vui mừng khi Thành phố đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn thành phố. “Nếu được sự quan tâm từ cơ chế, chính sách của Nhà nước như vậy chắc chắn không chỉ làng hương Quảng Phú Cầu của chúng tôi có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, mà các làng nghề truyền thống nói chung chắc chắn cũng sẽ có sức bật lớn, góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống cho Thủ đô, cho đất nước”.

Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra hoạt động trưng bày các sản phẩm nghề truyền thống của huyện Ứng Hoà.