Cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc, hành vi trong nuôi dạy con

Chia sẻ

Vụ việc bé gái L.H.A (SN 2015, trường Tiểu học Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tử vong bất thường là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha, làm mẹ trong vấn đề kiểm soát cảm xúc của bản thân khi giáo dục con cái hàng ngày.

Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc đau lòngNgôi nhà nơi xảy ra vụ việc đau lòng

Nỗi đau từ việc đánh con để… dạy dỗ

Theo báo cáo của UBND quận Bắc Từ Liêm, khoảng 11h ngày 16/9, anh L.T.C (SN 1978, bố cháu L.H.A) đã đánh con. Đến khoảng 16h cùng ngày, mẹ cháu cho cháu A ăn và uống 1 viên paradol thì cháu bị nôn nhiều nên đã đưa vào bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Bệnh viện xác định cháu A tử vong ngoại viện, trên người có dấu hiệu đánh nên đã báo cơ quan công an. Hiện Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đang tạm giữ hình sự người bố để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Xác định đây là vụ việc có dấu hiệu bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng trẻ em, gây dư luận xấu trong xã hội, ngày 17/9, Hội LHPN TP Hà Nội đã có công văn gửi Công an quận Bắc Từ Liêm đề nghị đơn vị này khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cháu bé. Hội LHPN TP Hà Nội cũng gửi công văn đến Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm, đề nghị Quận hội và Hội LHPN phường Xuân Đỉnh tiếp tục nắm bắt thông tin, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương tham gia giải quyết vụ việc, tiếp tục thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình nạn nhân, đồng thời gửi báo cáo kết quả về Hội LHPN Hà Nội trong thời gian sớm nhất. Với vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em, Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm và Hội LHPN phường Xuân Đỉnh cũng đã đến bệnh viện Nhi Trung ương để thăm hỏi, động viên gia đình cháu bé.

Vụ việc là hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ trong việc quản lý, giáo dục con cần tuân thủ pháp luật cũng như các quy tắc đạo đức xã hội, tránh việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để buộc các con phải tiếp thu được các kiến thức quá khả năng nhận thức của con.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của cháu bé thì trách nhiệm đầu tiên là của bố mẹ trong việc chăm sóc, dạy dỗ con. “Dạy con khi bắt đầu bước chân vào tiểu học là một việc không dễ dàng. Để hướng dẫn con học, cha mẹ phải vừa dạy vừa dỗ, biết cân bằng giữa việc học kiến thức với việc chuẩn bị nền tảng cần thiết để trẻ bước vào cuộc sống ngoài xã hội. Đó là khả năng điều chỉnh cảm xúc, kiềm chế bốc đồng, khả năng tập trung, đồng cảm với người khác, đạo đức, sự hiếu học…Việc sử dụng vũ lực bắt con phải tiếp thu được kiến thức là điều rất sai lầm. Biết rằng bố mẹ thương và lo lắng cho con nhưng nếu cách dạy dỗ con không đúng thì cũng không có tác dụng, thậm chí còn có dẫn tới những hệ quả tổn thương về tâm lý, sức khỏe và cả tính mạng của con” - luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.

Còn luật sư Phạm Văn Thuận, Công ty luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, người bố đã vi phạm pháp luật về quyền trẻ em và có dấu hiệu phạm tội. Do đó, cơ quan điều tra cần xác định rõ các hành vi của anh C, nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé để xử lý đúng người, đúng tội. “Bố cháu bé có thể đối mặt với các tội danh: “Hành hạ con” (nếu kết quả pháp y không xác định được thương tích, nguyên nhân tử vong của cháu bé), tội “Cố ý gây thương tích (nếu kết quả khám nghiệm tử thi thể hiện thương tích, nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé là do bị bố đánh), thậm chí là “Giết người” (nếu cơ quan điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé là từ việc dùng vũ lực để dạy dỗ ngoài mức cần thiết của người bố)” – luật sư Thuận phân tích.

Cần có chương trình giáo dục kỹ năng kiểm soát cảm xúc cho phụ huynh

Bày tỏ sự đau lòng trước vụ việc, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội, trẻ em bị tổn thương nhiều. Khi bố mẹ căng thẳng trong thời gian dài dễ dẫn đến tê liệt về mặt nhận thức và mất kiểm soát hành vi của mình. Điều này khiến không ít trẻ mất an toàn ngay trong tổ ấm. “Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý khi có con, xác định đó là một chặng đường kiên trì, vất vả chứ không phải chuyện ngày một, ngày hai. Cha mẹ cần học các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ tâm thần nói chung để chăm sóc bản thân và nuôi dạy con tốt, có cách ứng xử phù hợp khi dạy con. Nếu không kiểm soát được cơn giận dữ - “điểm sôi” cảm xúc, không ít phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đeo đẳng nỗi ân hận suốt cả cuộc đời” - bà Hồng nhấn mạnh.

Chuyên gia tâm lý giáo dục trẻ em Trần Thị Mạnh Linh (Giám đốc Dịch vụ tâm lý công ty tư vấn Mạnh Linh School Psychology) cũng từng gặp một “ca bệnh” đặc biệt. Theo đó, trong quá trình dạy con học, mẹ cháu bé phát hiện con chậm hiểu, hổng kiến thức nên không thể tiếp thu bài. Trong lúc nóng giận, chị đã dùng tay đập vào đầu con. Một lúc sau, chị thấy con không vận động được, mắt trợn ngược, vô thức, nôn, khó thở… nên rất hoảng loạn. “Đây là trường hợp bị tress cấp. Tôi hướng dẫn mẹ cháu thực hiện các bước sơ cứu ban đầu rồi đưa đến bệnh viện. May mắn, cháu đã ổn. Sau đó, tôi vừa phải làm liệu pháp tâm lý cho mẹ vừa kết hợp trị liệu cho con, giúp cha mẹ xây dựng không khí an toàn khi chăm sóc trẻ” - chuyên gia Trần Mạnh Linh kể.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng như hiện nay, vấn đề bạo lực đối với trẻ em vốn đã tồn tại từ trước, nay càng trầm trọng hơn. Báo cáo gần đây liên quan đến Covid-19 chỉ ra rằng, việc hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự cùng với áp lực căng thẳng về kinh tế, xã hội hiện tại đang làm gia tăng mâu thuẫn trong nhiều gia đình, dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.

Nhằm giúp cha mẹ kiểm soát tốt cơn nóng giận khi chăm sóc, nuôi dạy con, chuyên gia Trần Thị Mạnh Linh đưa ra một số giải pháp như: Xác định nguyên nhân gốc rễ khiến cha mẹ nổi nóng (do cảm xúc bản thân, sự lo lắng, kỳ vọng vào con…) để tìm giải pháp giải toả nóng giận. Trong giai đoạn học online, cha mẹ cần xác định tâm thế, vai trò của mình chỉ là người hỗ trợ, thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt sức học của con, tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý học sinh từng độ tuổi…Cha mẹ có thể theo dõi, ghi chép chỗ con chưa làm tốt để cùng thảo luận với con sau giờ học, từ đó tìm hướng khắc phục trong các buổi học sau. Nếu phát hiện mình có biểu hiện giận giữ như nóng mặt, tay run, nói to… thì cần đi uống nước, xa con một chút, khi bình tĩnh lại thì quay lại trợ giúp con…

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.