“Dũng sĩ Đồi Xanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song - một trong 24 “dũng sĩ Đồi Xanh” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm nào. Dù ông đã mất (năm 2023) song hồi ký, kỷ vật về chiến dịch Điện Biên Phủ của ông vẫn luôn được vợ và các con lưu giữ nguyên vẹn.

“Dũng sĩ Đồi Xanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 1
Gia đình quân nhân của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Đức Song.

Những “dũng sĩ Đồi Xanh” trong chiến dịch lịch sử
Những ngày này, trong tư gia của Anh hùng Lực lượng vũ trang, đại tá Đặng Đức Song (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) vợ và các con ông bồi hồi ôn lại kỷ niệm về người chồng, người cha thân yên của mình. Bà Hoàng Phương Vinh, vợ Anh hùng Đặng Đức Song xúc động nói: “Năm nay, đại gia đình sẽ tập trung tổ chức bữa cơm chung để tưởng nhớ đến ông. Các con cũng đã thăm lại chiến trường xưa - nơi ông đã kiên cường chiến đấu, cùng đồng đội làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang trong lịch sử”.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song sinh năm 1934, tại xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1952, khi vừa tròn 20 tuổi, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được biên chế vào Đại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, thuộc Đại đoàn 316, là chiến sĩ xung kích, sau chuyển sang làm chiến sĩ liên lạc. 

Theo tư liệu mà Đại tá Đặng Đức Song để lại, ngày 20/11/1953, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Chỉ trong 3 ngày từ 20-22/11/1953, địch đã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống đây, khoảng 4.500 quân. Trước khi bước vào chiến dịch, ông cùng các cán bộ tiểu đội đi xem trận địa. Gần 10 ngày đào hầm, hào, công sự ở cao điểm 781 (tên gọi mật khu Đồi Xanh, phía Đông Điện Biên Phủ), đơn vị ông đã chốt phòng ngự liên tục tại đây suốt 32 ngày đêm. Ngày 5/2/1954, địch đánh từ Đồi Cháy tới chân Đồi Xanh, đơn vị ông tổ chức phản kích, buộc chúng phải rút lui. Đến ngày 3/3, địch bắn đại bác liên tiếp lên Đồi Xanh. Các đơn vị Trung đội 11, Đại đội 28 phòng ngự trên đồi do đồng chí Nguyễn Văn Sông làm Trung đội trưởng chỉ huy, ông là Tiểu đội phó, khi ấy giữ thêm trung liên. 

Địch tấn công đợt 1, quân ta bắn dồn dập bắt chúng phải rút lui. Đợt 2, địch tấn công lên, Trung đội 11 vẫn bắn dồn dập bắt chúng phải rút lui. Đợt 3, địch cho đại bác bắn dồn dập làm sập nhiều hầm. Trung đội trưởng ra lệnh rút quân phòng ngự. Ngày 5/3/1954, Đại tá Song lúc đó vẫn giữ trung liên, phối hợp với Trung đội 10 do đồng chí Nguyễn Thế Lợi làm đội trưởng chiến đấu tiếp tại Đồi Xanh. Địch dùng 3-4 xe tăng và 2 tiểu đoàn đánh từ sáng sớm để chiếm lại Đồi Xanh. Có 24 người có nhiệm vụ trấn giữ Đồi Xanh, đã đánh lui 6-7 đợt tấn công của địch. Trưa 6/3/1954, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng và Chính trị viên Tiểu đoàn 439 Đào Văn Xuân đến gắn Huân chương Chiến công cho tiểu đội ngay trong chiến hào. Sau trận đánh, đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn 316 quyết định tặng danh hiệu “Dũng sĩ Đồi Xanh” cho tất cả 24 đồng chí đã trấn giữ trên Đồi Xanh. 

Suốt 32 ngày đêm phòng ngự, đơn vị ông đã đập tan nhiều đợt tấn công của địch, chấm dứt âm mưu mở rộng vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng để giữ vững được trận địa ấy, không ít đồng đội của ông đã bị thương và hy sinh ngay trên chiến hào. Đại tá Đặng Đức Song cũng bị thương ở bàn chân. Sau trận chiến ở Đồi Xanh, Đại tá Song tiếp tục nhận nhiệm vụ chỉ huy đội xung kích, cùng đồng đội đánh chiếm đồi C1, C2. 10 ngày đêm chiến đấu ác liệt giữa ta và địch, đồi C1 bị chia đôi, mỗi bên một nửa. Ta và địch cách nhau 15-20 mét. Địch ở điểm lô cốt Cột Cờ là điểm cao nhất của đồi C1. Lô cốt Cột Cờ là lô cốt cao nhất nên nếu đã chiếm lô cốt này, coi như đã làm chủ đồi C1. Từng tổ thay phiên nhau lên giữ đồi C1 từ 3 đến 4 ngày. 

Gần một tháng phòng ngự ở đồi C1, căng nhất là địch thỉnh thoảng dùng súng phun lửa bắn sang. Nếu không cảnh giác, thụt nhanh xuống giao thông hào thì bị cháy tóc, quần áo hoặc bị bỏng, cháy da thịt, có đồng chí bỏng nặng, hi sinh. Có lần pháo địch bắn, ông bị lấp đến nửa người. Tỉnh lại, ông tiếp tục chiến đấu và còn đưa tiếp một đơn vị nữa lên chiến đấu. Trên đường, gặp ổ trung liên địch bắn cản, ông bò đến gần ném lựu đạn diệt ổ trung liên tạo điều kiện cho đơn vị xung phong rồi chuyển thương binh về phía sau. Trong trận Mâm Xôi ngày 3/4/1954, 3 ngày liền ông lội dưới hào, bùn ngập đến bụng đưa Đại đội trưởng Hoàng Văn Lới đi nghiên cứu mở cửa đột phá.

Trong trận chiến tại đồi C1, Đại tá Song là người tổ chức cho trung liên bắn nghi binh, còn ông bò lên đánh 2 quả thủ pháo vào lô cốt, tiêu diệt 5 tên địch, chiếm lại lô cốt Cột Cờ. Nhờ đó, quân ta đã làm chủ được trận địa  không cho địch khống chế ngang sườn để tiếp tục tiến đánh đồi A1.

Những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Song và các đồng đội vẫn ngoan cường chiến đấu anh dũng trong vòng vây của địch. Sáng 7/5/1954, nhờ có lựu pháo 105 của ta bắn yểm trợ, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng hạ lệnh xung phong. Quân ta như lớp lớp sóng trào lên, áp đảo, đè bẹp sức kháng cự của kẻ thù, 600 tên địch đã phải đầu hàng. Trước khí thế như vũ bão của quân ta cùng với tiếng loa gọi địch đầu hàng, những tốp cờ trắng xuất hiện rồi lan ra ngày càng nhiều. Đúng 17h30 phút ngày 7/5/1954, Tướng De Castries cùng toàn bộ sĩ quan tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Giờ toàn thắng đã đến, rừng cờ trắng trải ra khắp cứ điểm, hàng binh địch lũ lượt ra khỏi hầm, lên mặt đất…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1956, ông Đặng Đức Song vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 7/1957, ông được cử đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ VI tại Moscow thuộc Liên Xô. Sau này, với ý chí anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã quyết tâm học tập, tiếp tục tốt nghiệp loại Giỏi ngành Kỹ sư vô tuyến điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội vào năm 1964, được cử về Nhà máy Thông tin M1, Binh chủng Thông tin liên lạc. Tại đây, Đại tá Đặng Đức Song làm Giám đốc Nhà máy từ năm 1972 đến năm 1989 và xây dựng nhà máy thành đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1985. Năm 1960, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá 2 (1960-1965).

“Con nguyện suốt đời noi gương bố”
“Những tư liệu quý này đều được chồng tôi ghi lại và in thành sách, được gia đình giữ gìn cẩn thận để giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu” – bà Vinh tự hào. Nhớ lại “mối lương duyên” của mình, bà Vinh kể, năm 1956, khi vừa 18 tuổi, bà gia nhập quân đội, đầu quân vào Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Với những thành tích của mình, bà vinh dự được cử tham dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ VI tại Moscow thuộc Liên Xô và gặp ông Song ở đây. 

“Dũng sĩ Đồi Xanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 2
Bản quyết tâm thư của Chiến sĩ Đặng Đức Song trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Tại Liên Xô, các lưu học sinh chụp ảnh tặng cho cán bộ, thanh niên của đoàn Việt Nam sang dự Đại hội. Một lưu học sinh cùng quê với tôi nhờ tôi đưa ảnh cho anh Song. Những lần gặp gỡ ngắn ngủi này đã gắn kết tôi và anh ấy. Ngày trở về, chúng tôi trao tặng nhau bức chân dung của nhau và hẹn ngày gặp lại” - bà Vinh nhớ lại. 

Sau 3 năm yêu nhau với hàng trăm lá thư, ông bà nên duyên vợ chồng. Bà vừa công tác, vừa động viên chồng khi nhiệm vụ, vừa là hậu phương vững chắc nuôi dạy 5 người con thành đạt, đều nối bước cha mẹ gia nhập quân đội, giữ các vị trí quan trọng. 

Sau này, khi về hưu, ông bà đều sắp xếp thời gian để về thăm lại chiến trường xưa. Năm nay, đầu tháng 4/2024, Thiếu tướng Đặng Đức Đông, nguyên Phó Tư Lệnh Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng, con trai thứ hai của ông bà vừa cùng vợ và con trai lên thăm Điện Biên Phủ. Đứng ở nơi linh thiêng nơi bố mình từng chiến đấu, anh xúc động nói: “Chúng tôi mang theo tâm nguyện của bố lên Điện Biên, đến viếng nghĩa trang liệt sĩ nơi những đồng đội của bố tôi đang nằm lại; thăm lại đồi C1 nơi bố tôi đã từng chiến đấu; thăm Bảo tàng Điện Biên Phủ đang trưng bày, giữ bức ảnh thời trẻ của bố. Chúng tôi trầm lặng, nghiêng mình trước những anh hùng dân tộc, càng thêm khâm phục và tự hào về bố”.

Trong chuyến đi này, Thiếu tướng Đặng Đức Đông đã viết bài thơ: “Thăm bố ở Điện Biên” với những câu thơ bồi hồi xen lẫn tự hào: “Con đã về đây nơi chiến trường xưa/ Những dấu tích chiến tranh không còn nguyên vẹn nữa/ Đến bảo tàng con ngập ngừng bên cửa/ Vì con biết ở trong có ảnh bố năm nao…”, đồng thời, khẳng định: “Con nguyện suốt đời noi gương bố/ Dạy cháu con biết vì nước vì dân/ Biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ vĩ đại/ Đất nước cần con tiếp bước hành quân!...”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.