Khi internet là “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình

Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong thời công nghệ, internet đã trở thành “kẻ thứ 3” đe dọa hạnh phúc của nhiều gia đình. Lời cảnh báo này không mới, nhưng dường như lại chưa được chú ý nhiều. Có thể do việc “cai internet” quá khó, cũng có thể tác động của mạng ảo diễn ra từ từ nên nhiều người chưa cảm thấy sợ, cho tới khi hậu quả thật xảy ra...

Khi internet là “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình - ảnh 1
Hãy đặt điện thoại xuống, đừng để internet làm “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình.
Ảnh minh họa

Gặp nhau trên mạng ảo nhiều hơn ngoài đời thật
Chị Thảo, một nhân viên văn phòng cho biết: “Hiện, mình là thành viên của không biết bao nhiêu nhóm zalo. Riêng nhóm gia đình cũng mấy nhóm, từ gia đình nhỏ, đại gia đình bên nội, đại gia đình bên ngoại, nhóm các chị em dâu, nhóm các chị em gái, nhóm các anh chị em (không có bố mẹ)... Thông qua các nhóm zalo này mà việc liên lạc, nắm bắt tình hình giữa các thành viên trong gia đình thuận tiện hơn, nhưng, sự quan tâm, liên kết với nhau ở ngoài đời dường như lại ít đi”.

Đơn cử như trước đây, chị thường rất nhớ sinh nhật của các anh chị em, cháu... trong gia đình. Nhưng bây giờ, chị không cần phải nhớ mà tới sinh nhật, zalo đã tự động báo tin. Vậy là chỉ cần soạn một tin nhắn chúc mừng trong vài phút gửi lên nhóm (nếu ai lười thì có thể gửi icon, tin soạn sẵn...) là xong. 

Với đại gia đình việc ít gặp gỡ có thể được thông cảm. Nhưng, ngay trong gia đình nhỏ chỉ với 4 thành viên gồm hai vợ chồng và hai con của chị cũng bị internet “xen vào”. Chị Thảo thừa nhận, cảnh thường thấy ở nhà chị là vào buổi tối, bố ngồi máy tính, mẹ và con gái lớn lướt điện thoại, con trai nhỏ mới học tiểu học cũng có riêng Ipad để chơi game. Cả nhà ngồi cạnh nhau nhưng 4 người là 4 thế giới. Thay vì bỏ điện thoại xuống để hỏi nhau trực tiếp, chị và con gái lại thường chat chit với nhau qua mạng và cảm thấy nói chuyện như vậy dễ dàng hơn. Vợ chồng chị, vẫn ăn cùng bữa, vẫn ngủ cùng giường nhưng chồng chị có khi chỉ biết tình hình, tâm trạng của vợ qua... đọc bài viết chị đăng trên trang facebook cá nhân. 

Vợ chồng chị Duyên (quận Long Biên, Hà Nội) thì chia sẻ: Từ lâu, internet đã trở thành phần không thể thiếu của gia đình. Hai vợ chồng chị tất nhiên không thể rời được điện thoại, máy tính do phải xử lý công việc liên tục. Chồng chị nhiều hôm vừa ăn cơm, vừa tranh thủ trả lời email đối tác. Những khi hai vợ chồng cùng chạy deadline, chính Ipad đã thay chức năng của bảo mẫu, có thể khiến con chị ngồi ngoan cả tiếng đồng hồ để bố mẹ tập trung làm việc. Vì thế, chị thừa nhận, trong gia đình chị, nhiều khi vợ chồng con cái gắn bó với điện thoại, Ipad hơn là người thân. Vợ có thể vắng chồng, con có thể thiếu mẹ một ngày nhưng không ai xa được điện thoại, mạng internet dù chỉ trong vài chục phút. 
Hãy bỏ điện thoại xuống nếu muốn bảo vệ gia đình
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Tổ chức tiếp cận giáo dục và phát triển quốc tế Hoa Kỳ, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính... giúp chúng ta truy cập một lượng thông tin và các chương trình giải trí không bao giờ cạn kiệt. Rồi những bộ phim, những video hay những trò chơi luôn kích thích thị giác và thính giác làm cho chúng ta say mê. Khi chúng ta dùng mạng xã hội, các thuật toán sẽ đề xuất các nội dung tương ứng phù hợp với sở thích của người dùng, đó từ nó làm cho trải nghiệm thêm hấp dẫn hơn, thậm chí gây nghiện. 

Tuy nhiên, như hai câu chuyện trên đây, điện thoại thông minh, internet cũng đang ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Chúng làm cho vợ chồng, cha mẹ con cái không có nhu cầu giao tiếp với nhau trên thế giới thực hay là không còn thời gian dành cho nhau vì tất cả đều đang bị cuốn vào internet. Các thành viên trong gia đình cũng sẽ bị phân tâm hay xao nhãng, thậm chí còn có thể không hiểu và nuôi dưỡng được cảm xúc của nhau từ đó dẫn tới việc kết nối dễ bị lỏng lẻo hoặc thậm chí mất kết nối. Ngoài ra các hoạt động chung giúp củng cố mối quan hệ gia đình cũng có thể bị bỏ bê. 

Một mặt trái của internet nữa là việc các thành viên có thể tự tạo cho mình một hình mẫu không có trong thực tế rồi so sánh cuộc sống của mình, vợ mình, chồng mình, con mình với gia đình khác dẫn đến mẫu thuẫn và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Thông tin trên internet tràn ngập cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi. Các thành viên trong gia đình bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch hoặc nguồn thông tin không tin cậy dẫn đến việc ảnh hưởng tới những quan điểm và quyết định trong gia đình. Liên quan đến yếu tố sức khoẻ là sử dụng internet nhiều và không hợp lý cũng dễ dẫn đến nhiều hệ luỵ về sức khoẻ như mắt, cột sống, rối loạn giấc ngủ hoặc thiếu ngủ. Và một điểm nữa là mối quan hệ hôn nhân, internet có thể mang lại những thứ tốt đẹp nhưng cũng có thể đe doạ hôn nhân nếu vợ hoặc chồng không biết sử dụng internet hợp lý, đối tác có thể cảm thấy bị bỏ bê nếu người kia sử dụng internet quá mức và không cảnh giác dẫn đến những mối quan hệ lãng mạn ngoài luồng.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, trong bối cảnh nhà nhà dùng internet, việc “loại trừ kẻ thứ 3” này rất khó, nhưng vẫn có thể làm được, nếu như người trong cuộc mong muốn gìn giữ gia đình trước khi quá muộn. Các giải pháp gợi ý như tạo ra quy định sử dụng internet trong gia đình. Quy định này nên thảo luận và thống nhất bởi bởi các thành viên trong gia đình (ví dụ khi ăn tối sẽ không cầm điện thoại, hoặc sử dụng điện thoại hoặc điện thoại để xa bàn ăn, để chế độ rung); tổ chức nhiều hoạt động gắn kết các thành viên trong gia đình như cùng nhau nấu ăn, xem phim, đọc sách cùng nhau, đi bộ, tập thể thao, đi dạo, đi dã ngoại… để tăng tính kết nối, giảm thiểu thời gian “rảnh” dẫn tới lại sử dụng internet. Kiên quyết không mang điện thoại vào phòng ngủ, chẳng hạn cả nhà sẽ sạc điện thoại ở phòng khách; sử dụng các ứng dụng hoặc đặt chế độ quản lý internet trên điện thoại, máy tính để ngăn ngừa con vào những trang web không lành mạnh...

Tuy nhiên, mấu chốt cuối cùng là mỗi người cần nhận thức được tính nguy hại nếu cứ để cho internet, các thiết bị điện tử tiếp tục chi phối cuộc sống của mình và đe dọa hạnh phúc gia đình. Bỏ điện thoại xuống, không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn công nghệ, mà là sử dụng chúng với mức độ hợp lý để dành thời gian ngoài đời thực cho những người thân yêu.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.