Khi nào cha mẹ mới trưởng thành?

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - Sáng lập Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ánh mắt nhiều nghĩ ngợi khi nói về tương lai của những đứa trẻ đặc biệt, anh T ngụ Quận 8, TP HCM hỏi tôi: “Khi nào con em mới trưởng thành hả thầy?”.

Khi nào cha mẹ mới trưởng thành? - ảnh 1
Các gia đình hãy tạo thêm nhiều cơ hội để sum họp bên nhau thay vì đợi tới Tết năm sau Ảnh minh họa

Vốn hiểu anh và con anh khá nhiều vì đã tư vấn cho anh, dạy con anh nhiều năm nay, trong lòng mình tự dưng dấy lên câu hỏi ngược: “Khi nào ba mẹ như anh mới trưởng thành?”. Bởi anh vẫn giữ thói quen đút cơm cho con, bế lên và cho bé nằm ngửa lên đùi mình gội đầu, rửa mặt dù đã 8-9 tuổi, con đòi gì được nấy.

Anh T là một ông bố đơn thân nuôi con. Trò chuyện với tôi nhiều lần, anh thường kể về quá trình gian nan anh sống vậy nuôi con và chiến đấu với vấn đề của bé trai ròng rã hơn 5 năm nay. Anh tâm tình: Dù ở nhà con quậy phá ghê lắm, ông bà nội cũng thua luôn, anh giữ vai trò chính trông con, tắm rửa và cho ăn, ngủ... Vậy mà, chỉ cần mẹ đón về chơi một bữa là anh đã nhớ hơi con, về nhà không thấy con cảm thấy rất trống trải và buồn. Anh cứ phải ở gần con như thế.

Cũng như anh T, không ít phụ huynh đưa con đến Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên để được tư vấn về khó khăn tâm lý của các con đều có điểm chung là: Vẫn tồn tại nhiều phần tư duy, suy nghĩ và “nhân cách chưa trưởng thành”, đặc biệt trong quá trình chăm sóc và giáo dục con cái như trẻ đòi gì được nấy, trẻ làm sai không điều chỉnh, bản thân không làm gương và dạy con cảm tính... 

Điều này không ổn cho cả trẻ phát triển bình thường, lẫn trẻ chậm phát triển.  

Chấp nhận thua con
Một số trẻ khi tiếp xúc với chuyên viên tâm lý trong buổi kiểm tra chỉ cắm mắt vào chiếc điện thoại/ipad, dứt ra là hét “bể làng bể xóm”, giận dữ, đập phá đồ vật xung quanh và ăn vạ với người thân. Trong khi, chỉ cần chuyên viên tâm lý hay giáo viên đặc biệt chơi với trẻ một khoảng thời gian nhất định là trẻ đã có thể quên mất chiếc điện thoại trước sự ngỡ ngàng của phụ huynh. Nhiều phụ huynh bộc bạch, việc cho con ăn, bắt con tắm, ru con ngủ với họ quá khó khăn, do quỹ thời gian hạn hẹp và cường độ công việc dày đặc nên “thảy” cho con cái điện thoại “cho êm chuyện”. Nhưng rồi sau đó, họ lại băn khoăn, tự hỏi vì sao mà con mê công nghệ, con không chịu nghe lời, con không thích trò chuyện với người thân hay là giao lưu với bạn bè.

Dù khi được hỏi về các tác động xấu có thể xảy ra với con do sử dụng thiết bị công nghệ quá sớm thì cha mẹ nào cũng kể vanh vách nhưng họ sẵn sàng “chịu thua con” để thắng trên thương trường, trong công việc rồi đôi khi mở lời “tất cả nhờ thầy cô!”. Thực tế, thiếu vắng sự quan tâm dạy dỗ cần thiết của cha mẹ thì hiệu quả hỗ trợ của thầy cô hoặc nhà chuyên môn sẽ không nhanh chóng như dự kiến.

Để con dẫn dắt theo cảm xúc 
Chị L từng trải qua quãng thời gian đau đầu vì đứa con trai của mình, vì nghĩ con không được như con người ta nên chị “ráng bồi đắp”, thương và chiều lòng con quá mức chắc chắn là không tốt, con đến đòi ngắt hoa trưng bày trên bàn giáo viên là mẹ tìm cách mua hoa/xin cho được, con đi siêu thị đòi món đồ chơi nào là được toại nguyện, dù đang chạy xe chở con phía sau nhưng con thích ăn kẹo hay bim bim ở tiệm tạp hóa vừa lướt ngang qua mẹ cũng chiều.

Chị cứ chiều theo cảm xúc của con mãi như vậy, nhiều lần chị than thở: “Em mỏi mệt quá!”. Thực ra, chị đã quên mất một điều, chính chị đang làm cho mình mệt mỏi. Việc dạy con không có giới hạn, quy tắc như vậy rất nguy hiểm, nhất là lúc con đến trường sẽ không ai chạy theo đáp ứng cho con, dễ gây ra xung đột, mâu thuẫn với bạn bè xung quanh, có thể dẫn đến tranh giành hay cướp lấy thứ mình muốn. Trẻ càng lớn, phụ huynh càng khó thỏa mãn hết nhu cầu của con, từ đó trẻ sẽ thể hiện các hành vi không mong muốn, đôi khi phụ huynh nỗ lực cải thiện cũng đã muộn màng.  

Nhiều phụ huynh khác mà tôi gặp qua, cho con ngủ phải mở youtube, cho ăn phải có quảng cáo, đánh thức con phải có ipad nếu không thì “trời long, đất lở” với các con.

Dạy con theo phong trào
Hiện nay, có một số ông bố bà mẹ, hễ nghe ở đâu quảng cáo có chuyên gia A dạy con tốt, chuyên gia B dạy con thông minh là đổ xô đi học mà không xem thử nơi đó có uy tín hay không, có đúng chuyên môn phù hợp hay múa mép. Nhiều trường hợp tiền cha mẹ mất, tật con cái mang. Áp dụng phương pháp “thần thánh” từ khóa học, con không may bị sang chấn tâm lý, gặp khủng hoảng, sợ hãi, tổn thương đưa đến kiểm tra tâm lý trong tâm trạng hoảng loạn, hối hận thì mọi thứ đã muộn màng. 

Nhiều phương pháp dạy con theo người Nhật, Do Thái, Mỹ... được các bố mẹ truyền tai nhau, lấy từ người này một chút, học từ sách kia vài phần, nghe “chuyên gia quảng cáo” vài khóa học là mang về chế biến thành “nồi lẩu thập cẩm” mang ra “giáo dục con” đã trở thành phong trào thời gian gần đây. Phụ huynh chỉ cần thiếu tỉnh táo là sẽ thành “con mồi” để những người “nhân danh giáo dục” rút tiền, rút cả tương lai các con. Ngay cả trong trường hợp khóa học đó có thể tốt, thì cũng không phải sẽ là tốt trong mọi trường hợp và với mọi đứa trẻ. 

Cha mẹ cũng cần phải trưởng thành trong tư duy, suy nghĩ và học cách chắt lọc, tiếp nhận thông tin sao cho khoa học. Đừng lấy con ra làm chuột bạch cho những điều mình học được mà chưa có kiểm chứng, càng phải hiểu rằng cách dạy con thành công của người A không thể “bê nguyên xi” về thì sẽ dạy con người B thành công được. Dạy trẻ cần chú ý đặc điểm tâm sinh lý riêng và cách giáo dục cần phù hợp với tính cách, độ tuổi, điều kiện gia đình. Cha mẹ có “nhân cách trưởng thành” mới có thể nuôi dạy con trưởng thành trong chiếc nôi gia đình lành mạnh được.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.