Nếp nhà của gia đình có 7 nghệ nhân

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều năm qua, đại gia đình Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Thỏa (SN 1965, thôn Đào Thục, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã cùng nhau miệt mài giữ lửa nghệ thuật rối nước truyền thống của quê hương. Chính nếp nhà trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác đã giúp mỗi nghệ nhân trong gia đình tâm huyết với nghệ thuật truyền thống hơn.

Nếp nhà của gia đình có 7 nghệ nhân - ảnh 1
Các nghệ nhân trong “gia đình rối nước”. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa đứng thứ 5 từ phải sang (hàng sau). 

Nhiều thế hệ cùng nhau nối nghiệp
Người dân địa phương gọi gia đình NNƯT Nguyễn Thị Thỏa là “gia đình rối nước” hay “rối gia đình”, bởi hiện nay, trong đại gia đình bà Thỏa, có 7 thành viên cùng tham gia sinh hoạt, biểu diễn. Ngoài ra, các con cháu của gia đình bà cũng đang theo học rối nước để tiếp nối bố mẹ giữ nghề.

Vừa tất bật chuẩn bị đón một đoàn khách là hơn 200 học sinh một trường THCS ở nội thành qua tham quan, trải nghiệm làm rối nước, ông Đặng Văn Hưng, trưởng phường rối nước Đào Thục vừa giới thiệu đến “văn hoá gia đình” mình cho chúng tôi: “Gia đình tôi có 4 thế hệ chung sống, yêu văn hoá, văn nghệ, đặc biệt là luôn ý thức lưu giữ giá trị văn hoá phi vật thể rối nước Đào Thục. Hiện nay, cả đại gia đình có 7 nghệ nhân thường xuyên sinh hoạt, biểu diễn, trong đó có 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT, 5 nghệ nhân được tặng “Kỷ niệm chương” của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch”. 

Kể lại quá trình thăng trầm của rối nước Đào Thục, ông Hưng cho biết, bố ông - Nghệ nhân Đặng Minh Hải (SN 1933, nguyên phó trưởng phường múa rối nước Đào Thục) đã cùng các cụ nghệ nhân khôi phục lại môn nghệ thuật múa rối nước của thôn từ năm 1956. Lúc đó, việc duy trì, hoạt động của phường rối nước Đào Thục “lúc chìm, lúc nổi”. Đến năm 1984, được sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Múa rối thế giới và Tổ chức UNIMA (thuộc UNESCO), phường Rối Đào Thục được kiện toàn, môn nghệ thuật múa rối nước Đào Thục từng bước được phát triển và mang tính chuyên nghiệp hơn.

Năm 2000, phường dựng thủy đình lắp ghép trên cạn, gồm bể nước và buồng trò để tăng cường đi biểu diễn lưu động. “Vợ tôi - NNƯT Nguyễn Thị Thỏa và hai em gái là nghệ nhân Đặng Thị Thuận và Đặng Thị Hoa cũng được bố tôi và tôi động viên tham gia” - ông Hưng kể. 

Năm 2001, phường khánh thành nhà thủy đình cố định, kiên cố ngay tại ao đình làng. Từ đó đến nay, phường rối nước Đào Thục và các thành viên trong gia đình ông Hưng đã tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện lớn của huyện Đông Anh; tham gia hàng nghìn buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách thập phương và các đoàn khách quốc tế tại thủy đình Đào Thục; đi lưu diễn tại các tỉnh, thành trong cả nước. 
Gia đình là nơi khơi nguồn tình yêu nghệ thuật
Kể về quá trình tham gia phường rối nước Đào Thục, NNƯT Nguyễn Thị Thỏa cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở làng Đào Thục nên sớm có niềm đam mê với văn hóa truyền thống của cha ông. Từ khi mới 9-10 tuổi, bà đã học lén các cô bác trong đội chèo của làng; rồi cùng chúng bạn lấy bèo tây và đất sét tạo ra những quân rối để biểu diễn trên mặt ao, mặt mương cho thỏa niềm đam mê... 

Khi trưởng thành xây dựng gia đình, bà Thỏa may mắn được làm dâu trong một gia đình yêu thích văn hóa, văn nghệ. “Chính bố chồng tôi đã truyền ngọn lửa đam mê với nghệ thuật múa rối nước truyền thống cho tôi và các thành viên trong gia đình” - NNƯT Nguyễn Thị Thỏa chia sẻ. 

Bà Thỏa đã tham gia rất nhiều chuyến lưu diễn, biểu diễn ở trong nước và quốc tế. “Để vợ yên tâm đi lưu diễn, chồng tôi luôn động viên tinh thần, sẵn sàng giúp đỡ việc nhà, chăm sóc con nhỏ. Tôi rất biết ơn sự thấu hiểu, cảm thông và hỗ trợ của chồng” - bà nói.  

Để cùng “xắn tay” gìn giữ, phát triển phường rối Đào Thục, ngày ngày NNƯT Nguyễn Thị Thỏa cùng các thành viên trong gia đình vừa làm tốt công tác tuyên truyền vận động các nghệ nhân, vừa tích cực động viên bà con phường rối tiếp tục phát huy truyền thống, nguyện kế tục trung thành và xuất sắc nghệ thuật múa rối nước mà Tổ nghề và các thế hệ cha ông truyền lại. Các con, cháu trong gia đình bà Thỏa và các em trai, em gái đều tham gia các lớp đào tạo khoá hát - thoại và biểu diễn rối nước. Nhiều cháu đã tham gia biểu diễn và sinh hoạt ở địa phương.

Với trách nhiệm của những người luôn tiên phong và kiên trì trong sứ mệnh bảo tồn và phát triển loại hình di sản văn hóa phi vật thể cao quý này, gia đình NNƯT Nguyễn Thị Thỏa luôn tích cực tham gia vào các hoạt động của phường rối như: Tập luyện, biểu diễn, tu sửa con rối; khai thác những tích trò mới, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn; hướng dẫn du lịch, truyền thông nhằm đưa nghệ thuật múa rối nước đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; tăng cường công tác vận động, truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp nối nghiệp…

 “Gia đình chính là nơi khởi nguồn, nuôi dưỡng, vun đắp cho những đam mê với nghệ thuật múa rối nước, nơi trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của chúng tôi” - bà Thỏa nói. 

Với những đóng góp của gia đình, bà Thỏa và gia đình vinh dự nhiều lần được tặng thưởng bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý khác. Trong đó, cá nhân bà Thỏa được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú bởi thành tích cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc (năm 2019); Kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa, thể thao và du lịch (năm 2020)… Cùng với đó, gia đình nghệ nhân được tặng giấy khen của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về đạt gia đình văn hóa tiêu biểu nhân kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6 (năm 2022); nhiều năm được UBND huyện Đông Anh tặng giấy khen cho hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình tốt”…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.